Tại tỉnh Tân Cương thuộc miền viễn tây Trung quốc, có khoảng một triệu người, phần lớn là người thuộc cộng đồng Duy Ngô Nhĩ, được biết đã bị cầm giữ mà không đưa ra xét xử.
Trong khi chính phủ Trung quốc cho rằng, các trại tập trung là những trường dạy nghề một cách tự nguyện, nhằm ngăn ngừa khủng bố, thì các tài liệu do một viên chức cao cấp thuộc đảng Cộng sản Trung quốc bị rò rỉ hồi năm 2017, dường như cho thấy mọi chuyện theo chiều hướng ngược lại.
Ông Fergus Shiel là giám đốc chương trình thuộc Tổ Hợp Quốc tế của các Ký giả Điều tra, đã nhận được các tài liệu từ một nguồn tin ẩn danh.
Ông cho biết các tài liệu cho thấy, chính phủ Trung quốc có chiến thuật cố ý giam giữ các thành phần sắc tộc thiểu số và tìm cách cải tạo tư tưởng họ.
“Đó là một trong các tình trạng về nhân quyền đáng lưu ý nhất trong thời gian vừa qua, khi những chuyện như có người Úc ngụ tại Adelaide, đã bị bắt giữ trong các trại ở Tân Cương từ năm 2017 cho đến nay”, Fergus Shiel.
Ông nói rằng các tài liệu mô tả các tháp canh nghiêm nhặt, các cửa được khóa chặt đến 2 lần và các video giám sát nhằm ngăn ngưà chuyện trốn thoát.
Các tài liệu cũng cho biết chi tiết về một hệ thống chấm điểm, theo đó xếp hạng những tù nhân về việc, họ có nói thông thạo tiếng Hoa hay không, cũng như ghi nhớ các chủ thuyết vào não bộ và theo đúng các qui tắc chặt chẽ về mọi chuyện, từ chuyện ngủ nghỉ cho đến việc sử dụng phòng vệ sinh.
“Chính phủ Trung quốc nói rằng, đó là những trại tự nguyện để được cải tạo, thì những gì mà các tài liệu cho thấy, chẳng có chuyện tự nguyện nào cả như họ đã luôn rêu rao, rồi họ bị cầm giữ chặt chẽ và mọi tin tức đều được giữ tối mật”, Fergus Shiel.
Các tài liệu cũng cho thấy, chính phủ Trung quốc hiện đi đầu trong một hình thức mới để kiểm soát xã hội, bằng cách sử dụng các dữ liệu và thông minh nhân tạo.
Trong một vụ truy quét giám sát, có 23 công dân Úc được nhận dạng trong số 75 người, thuộc thiểu số Hồi giáo Trung quốc, qua sổ thông hành của họ.
Giáo sư Michael Clarke thuộc đại học quốc gia Úc châu, nghiên cứu lịch sử và chính trị của vùng tự trị thuộc người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.
Ông cáo buộc, các tài liệu tiết lộ rằng chính phủ hiện theo dõi các cư dân Tân Cương, bằng cách sử dụng một hệ thống dữ kiện, được gọi là Nền tảng Hoạt động Chung.
“Nó thực sự là một phương tiện theo dõi và cũng ghi nhận các cá nhân đặc biệt để tiếp tục cuộc điều tra, vì vậy đó lả một hình thức tập trung hàng đống dữ kiện cá nhân, liên quan đến một con người và có thể trở thành là mục tiêu của các phần tử đặc biệt về kỹ thuật, hay các bộ phận liên quan đến con người đặc biệt đó, cũng như có thể nhắm đến một số yếu tố đặc biệt trong kỹ thuật, hay các dụng cụ mà một cá nhân có thể sở hữu”, Michael Clarke.
Ông Nurmuhammad Majid, Chủ tịch của Hiệp hội Úc-đông Turkistan, có trụ sở tại Adelaide cho biết, cuộc khủng hoảng nói trên hiện tách rời nhiều gia đình với nhau.
Ông nầy có 5 anh chị em và 10 anh chị em họ, đều bị giam giữ trong trại tập trung hay bị bắt giữ.
“Mọi người ở Úc đều bị ảnh hưởng, có hơn 50 phần trăm người Úc gốc Duy Ngô Nhĩ hay người Úc chính mạch ,có người thân hay thành viên trong gia đình bị bắt hay bị mất tích”.
Ông Majid hiện kêu gọi, chính phủ Úc hãy can thiệp.
“Những gì chúng ta cần làm là phải gia tăng hành động, đòi hỏi nhân quyền, chống lại việc vi phạm nhân quyền hàng loạt của một nhà nước, vốn tự xưng là một siêu cường về quyền lực và một cường quốc kinh tế trong xã hội toàn cầu ngày nay".
"Và chính phủ Úc cũng nên dẫn đầu các hành động, bởi vì Uc là một trong những nước đứng đầu về tự do dân chủ trên trái đất”, Nurmuhammad Majid.
SBS News liên lạc với bộ Ngoại giao và Thương mại Úc để bình luận, nhưng hiện chưa có kết quả.
Thêm thông tin và cập nhật Like
Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại
Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại