Từ cuối thập niên 1800 cho đến thập niên 1960 đường phố Sydney tràn ngập tiếng xe tram và trong giờ cao điểm trên xe đầy hành khách, và người ta phải xếp hàng dài ở các trạm xe.
Hồi đó mạng lưới xe tram của Sydney có 2.500 chiếc, chỉ thua có thành phố Luân Đôn.
Nhưng tại sao Sydney dẹp xe tram, rồi bây giờ lại muốn khôi phục? Để trả lời chúng ta phải quay ngược về quá khứ hơn 1 thế kỷ trước.
Giám đốc viện bảo tàng xe tram, Sydney Tramway Museum nằm kế bên ga xe lửa Loftus bây giờ ở Sutherland, là ông Scott Curnow cho ABC biết hồi đó xe tram là một phần trong cuộc sống hàng ngày của người dân Sydney.
"Hàng ngày người ta đi làm đi học, thậm chí tắm biển, đi coi đua ngựa, người ta đều dùng phương tiện xe tram. Đó là cách di chuyển phổ biến vào thời đó ở Sydney. Xe tramp chạy lên chạy xuống và lúc nào cũng có thể đón xe tram để đi đâu đó."
Hệ thống xe tram của Sydney đầu tiên được đưa vào hoạt động vào năm 1861.
Xe do ngựa kéo để nối kết các bến phà ở Circular Quay với nhà ga xe lửa ở Redfern. 13 năm sau, năm 1879, xe tram chạy bằng hơi nước ra đời, chạy dọc theo đường Elizabeth, bắt đầu từ đường Hunter chạy đến ga Central.Một năm sau thì tuyến đường này được kéo dài ra đến trường đua ngựa ở Randwick. Sử gia Robert Lee cho biết xe tram chạy bằng hơi nước vô cùng phổ biến.
A horsedrawn tram which ran between Newtown Station and St Peters. Source: Supplied: Sydney Tramway Museum
"Hệ thống xe tram này phát triển nhanh chóng qua đến thập niên 1880 bởi vì ít tốn kém hơn là xe lửa."
Những chiếc xe tram chạy bằng điện lần đầu tiên được nhập cảng từ Mỹ, nhưng sau đó tất cả đều được chế tạo tại Úc. Kỹ nghệ xe tram lúc đó vô cùng phát triển và kiếm được tiền.
Không cạnh tranh nổi với xe hơi
Có nhiều giả thuyết về nguyên nhân xe tram bị dẹp bỏ ở Sydney, ví dụ có người nghĩ rằng do tai nạn xảy ra nhiều quá. Có người nói đó là do chính phủ thay đổi.
Cũng có người cho rằng do dân chúng thấy xe tram không còn hợp thời nữa khi mà ngày càng có nhiều xe hơi tranh đường với xe tram, trong khi đường sá trong trung tâm thành phố Sydney đa số lại rất hẹp.
Giáo sư Lee giải thích xe tram lúc bị cạnh tranh khốc liệt.
"Đến thập niên 1910 thì số lượng xe hơi đã gia tăng đáng kể và bắt đầu xảy ra kẹt xe. Đến thập niên 1920 thì nạn kẹt xe đã trở nên nghiêm trọng. Chúng ta còn những đoạn phim quay cảnh kẹt xe vào những dịp như Easter Show khi xe hơi, xe búyt và xe tram tranh đường với nhau."
Giám đốc Viện Bảo tàng Xe Tram, ông Scott Curnow nói hồi đó người ta đồn đãi với nhau là các công ty xăng dầu đã gây áp lực với chính phủ tiểu bang NSW, thậm chí hối lộ để chính phủ dẹp bỏ xe tram và thay bằng xe búyt.
Không biết hư thực thế nào, nhưng ở bên Mỹ chuyện tương tự đã xảy ra khi các công ty dầu khí bỏ tiền ra mua xe tram rồi phá hủy chúng đi.
Chưa hết khi mà tình trạng kẹt xe ở Sydney trở nên trầm trọng, các tài xế xe hơi đổ lỗi cho xe tram.
No 85 Coupled O & P class trams pick up hordes of passengers after an event at the Moore Park Showground. Source: Supplied: Sydney Tramway Museum
Thậm chí hiệp hội NRMA còn chỉ ra là xe hơi phải dừng lại chờ mỗi khi xe tram dừng để bỏ khách xuống và đón khách lên, và quả quyết đó là lý do chính khiến giao thông trong trung tâm thành phố bị tắc nghẽn.
NRMA ủng hộ xe buýt, nhưng người dân lại thích xe tram vì thoải mái hơn, thế là nhiều người tự lái xe hơi và phải chịu đựng nạn kẹt xe.
Sử gia Robert Lee thì tin rằng vấn đề nằm ở chỗ việc quản lý giao thông không hiệu quả chứ thật ra xe tram chở được nhiều người hơn.
"Nếu bạn xem lại những hình ảnh chụp ở Sydney từ thập niên 1960 bạn sẽ thấy việc quản lý giao thông rất tệ hại. Đành rằng xe tram là một phần của vấn đề, nhưng hệ thống quản lý giao thông lúc đó quá đơn sơ."
Những tuyến xe tram cuối cùng
Nhưng đến khi nổ ra Đệ Nhị Thế Chiến thì hệ thống xe tram đã quá già nua mà nguồn lực lại hạn chế do chiến tranh. Sử gia Lee nghĩ rằng đó là một trong những lý do chính phủ đi đến quyết định dẹp bỏ thay vì phải bảo trì và tân trang quá tốn kém.
"Toàn bộ hệ thống đường ray cần phải được tu bổ, xe tramp thì đã quá cũ, cho nên thay vì sửa chữa một hệ thống xe tram khổng lồ, người ta thấy thay thế chúng bằng xe buýt dễ dàng hơn."
Tuy nhiên xăng dầu và nguyên liệu thiếu hụt trong chiến tranh nên chi phí vận hành xe buýt trở nên quá mắc thế là người ta quay lại với xe tram.
Trên thực tế, dân chúng Sydney sử dụng xe tram nhiều nhất trong thời chiến. Nhưng bây giờ chúng ta biết là chiến tranh đã không cứu được mạng xe tram.
Trong thập niên 1940 chính phủ NSW đã nhờ các chuyên gia ở Anh thẩm định hệ thống xe tram của Sydney và dựa vào kinh nghiệm của thành phố Luân Đôn họ khuyến nghị rằng nên dẹp bỏ toàn bộ bởi vì sử dụng xe buýt hiệu quả và đỡ tốn kém hơn rất nhiều.
Đến năm 1961 thì tuyến đường cuối cùng của xe tram ở Sydney đóng cửa.
Dĩ nhiên là chúng không ra đi một cách lặng lẽ bởi vì mọi tầng lớp xã hội đều sử dụng xe tram. Dân chúng phản đối. Tầng lớp thượng lưu cũng góp tiếng phản đối.
Thế là việc dẹp bỏ xe tram đã phải diễn ra vào giữa đêm hoặc sáng sớm để công chúng không nhìn thấy.
Người ta gỡ đường dây điện xuống, đổ nhựa lấp đường ray và chở xe tram ra khỏi thành phố, tất cả diễn ra trong lặng lẽ và nhanh chóng.
Chính phủ bắt đầu cho đốt bỏ các xe tram nhưng cuối cùng phải ngưng lại vì dân chúng phản đối. Những chiếc xe tram được bán cho công chúng nếu ai có nhu cầu.NSW đang phục hồi xe tram
An artist's impressions of the CBD and South East Light Rail trams moving along George Street without the overhead wires at Martin Place. Source: Supplied
Tháng 8 năm ngoái những chiếc xe tram mới của Sydney, dài 67 mét có thể chở lượng hành khách tương đương với 9 chiếc xe buýt, được lắp ráp ở Pháp với phí tổn trên 2 tỉ Úc kim, đã ra mắt công chúng Sydney.
Chính phủ hy vọng tuyến đường xe tram dài trên 12 cây số nối liền Circular Quay với Randwick và Kensington, sẽ giúp giảm bớt tình trạng kẹt xe búyt hiện đã ra ngoài vòng kiểm soát.
Hội đồng thành phố Sydney còn tin rằng hệ thống xe tram sẽ cải thiện bộ mặt của đường George, là một trong những con đường bận rộn nhất trong CBD của Sydney.