Nhiễm trùng đường tiết niệu (Urinary Tract Infection – UTI) là nhiễm trùng một hoặc hoặc nhiều phần của hệ đường tiểu – bàng quang, thận, niệu đạo hoặc niệu quản.
Nguyên nhân
Nhiễm trùng đường tiết niệu thường xảy ra do vi khuẩn từ hậu môn xâm nhập vào đường tiết niệu và sinh sản nhanh trong bàng quang. Vi khuẩn thường không sống trong đường tiết niệu. Khi vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu và nhân lên, chúng có thể gây nhiễm trùng.
Vì sao phụ nữ thường bị nhiễm trùng đường tiết niệu hơn nam giới?
Do cấu tạo cơ thể của phụ nữ, chiều dài của niệu đạo ngắn hơn khiến vi khuẩn dễ di chuyển đến bàng quang gây nhiễm trùng.
Ngoài ra do đặc thù của quá trình sinh sản nên phụ nữ sinh mổ sẽ có nhiều nguy cơ bị viêm đường tiết niệu sau sinh hơn phụ nữ sinh thường.
Một số triệu chứng thường gặp
Nhiễm trùng đường tiết niệu có thể gây ra các triệu chứng như: đau ở vùng chậu ngay vị trí niệu đạo, tiểu gắt, đi tiểu nhiều lần mà nước tiểu không nhiều, nước tiểu có máu.
Trường hợp nhiễm trùng vào máu có thể gây sốt. Nếu nhiễm khuẩn đường tiết niệu phía trên ảnh hưởng đến thận có thể gây sốt, thận bị sưng, đau lưng hai bên vị trí của thận.
Khi nào nên gặp bác sĩ?
Nên đi gặp bác sĩ ngay từ lúc có triệu chứng như tiểu gắt, để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, phòng ngừa bệnh biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng máu, nhiễm trùng thận cấp tính hoặc mãn tính.
Phòng ngừa
Để giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu cần chú ý một số điều như:
- Uống đủ nước để giúp thận tăng bài tiết nước tiểu đẩy vi trùng ra ngoài, hạn chế lây nhiễm ngược dòng tiểu.
- Đi vệ sinh ngay khi mắc tiểu, không nhịn tiểu quá lâu.
- Giữ vệ sinh cơ quan sinh dục-tiết niệu đúng cách, sau khi đi vệ sinh nên lau từ trước ra sau.
- Phụ nữ không nên rửa vùng kín quá kỹ, không lạm dụng xà phòng và dung dịch vệ sinh có tính kháng khuẩn mạnh làm mất cân bằng độ ẩm và mất lợi khuẩn chống viêm nhiễm.
Mời quý vị bấm vào phần Audio để nghe bác sĩ Nguyệt Thái trình bày chi tiết về phòng ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu.