Dự án tàu ngầm Úc: Kỹ nghệ đóng tàu Úc đang chuyền dần ra ngoại quốc?

Prime Minister Malcolm Turnbull and Defence Minister Marise Payne during the submarine build announcement in South Australia

Prime Minister Malcolm Turnbull and Defence Minister Marise Payne during the submarine build announcement in South Australia Source: AAP

Công ty của Pháp DCNS thắng thầu hợp đồng béo bở giúp Úc đóng một hạm đội tàu ngầm mới, kết quả bỏ thầu này gây ra những phản ứng trái chiều tại Úc và Pháp.


Chính phủ liên bang tuyên bố, nhà thầu Pháp đã đánh bại Đức và Nhật trong cuộc cạnh tranh giành quyền đóng tàu ngầm cho hạm đội tương lai của nước Úc.

Lý do cho quyết định này đó là công ty của Pháp có thể đáp ứng hiệu quả nhất cho các nhu cầu đặc biệt của Úc.

Chính phủ đã thành lập một cơ chế được gọi là Ủy ban đánh giá quá trình đấu thầu dự án tàu ngầm Úc.

Ủy ban này quy tụ các nhân vật cao cấp của Bộ quốc phòng và các chuyên gia, giám sát chặt chẽ việc đấu thầu trước khi đưa ra quyết định rằng mẫu tàu ngầm của Pháp, Barracuda sẽ được thiết kế và đóng nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của Úc.
“Dự án này cần có thép và như tôi hiểu thì loại thép để đóng tàu ngầm có thể được bảo đảm với sản phẩm được ra lò từ chính Whyalla, còn một số loại khác có thể nhập từ các vùng khác trên toàn quốc,” ông Jay Wetherill
Thủ tướng Malcolm Turnbull cho hay, đây là quyết định quan trọng đối với cả nền an ninh quốc gia Úc và kỹ nghệ đóng tàu.

“Đây là một nỗ lực đáng kể của cả nước Úc. Chính nỗ lực này bảo đảm một cam kết cho việc đóng tàu cũng như bảo đảm cho tương lai của Hải quân Úc.”

“Chỉ một vài thập niên tới thôi, dự án tàu ngầm này sẽ trở thành hiện thực từ chính bàn tay của người Thợ Úc, để dựng lên những tàu ngầm phục vụ lợi ích của nước Úc, bằng chính những tấm thép của Úc và ngay tại nước Úc này.”

“Nơi đây, ngày hôm nay chúng ta cùng nhau kề vai sát cánh, chúng tôi cam kết rằng đây là một nỗ lực của toàn dân, dựng xây nên Lực lượng Hải quân Úc thế kỷ 21,” ông Turnbull nói.

Ông Turnbull cũng cho hay, các cuộc đàm phán đã đưa ra kết luận rằng, dự án trị giá 50 tỷ Đô la sẽ được giao cho công ty đóng tàu DCNS của Pháp và dự án này sẽ được tiến hành ngay lập tức.

Được biết công ty này sẽ cùng Úc thiết kế 12 tàu ngầm với một vài bộ phận được nhập từ Mỹ và được sản xuất ngay tại Úc.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh quyết định này sẽ tạo ra 2,800 công việc cho địa phương và tăng cường an ninh quốc gia.

Thủ hiến tiểu bang Nam Úc, ông Jay Weatherill cho hay quá trình đóng tàu sẽ chủ yếu được thực hiện ngay tại nhà máy đóng tàu ở Osborne , Nam Úc.

Ông Wetherill cũng tỏ ra hoan nghênh cam kết của chính phủ trong việc sử dụng thép được sản xuất ngay tại tiểu bang này trong quá trình đóng tàu một khi cần đến.

“Dự án này cần có thép và như tôi hiểu thì loại thép để đóng tàu ngầm có thể được bảo đảm với sản phẩm được ra lò từ chính Whyalla, còn một số loại khác có thể nhập từ các vùng khác trên toàn quốc.”

“Tôi biết đó chính là gốc rễ của cam kết này, tuy nhiên, tôi chưa thấy được chi tiết của bản hợp đồng và cũng chưa biết là dự án cần loại thép thế nào.”

“Tôi biết là những tàu ngầm loại này thật sự cần những loại thép tốt như thép được sản xuất ở Whyalla,” ông Wetherill nói.

Tuy nhiên, phe đối lập liên bang không tin rằng toàn bộ 12 chiếc tàu ngầm mà công ty Pháp DCNS trúng thầu sẽ được đóng ở Adelaide.

Phe Lao động cáo buộc Thủ tướng đang tìm cách chuyển một phần hoạt động đóng tàu ra khỏi nước Úc.

Thượng nghị sĩ của Lao động tại Nam Úc Penny Wong đã kêu gọi ông Mr Turnbull rút ngay kế hoạch này trước cuộc bầu cử.

Bà cũng cho hay trước đây DCNS đã từng gợi ý về việc đóng một hoặc hai tàu ngay tại Pháp trước khi họ đồng ý thực hiện công việc này tại Adelaide.

Bà Wong khẳng định, cần phải có sự cam kết của lưỡng đảng trong việc bào đảm rằng lao động dư thừa tại tiểu bang Nam Úc phải tiếp cận được cơ hội công ăn việc làm từ dự án tàu ngầm.

Tuy nhiên, Bộ trưởng quốc phòng Úc bà Marise Payne khẳng định kết quả đấu thầu với chiến thắng thuộc về công ty của Pháp và thỏa thuận thực hiện dự án tại Nam Úc là một tin tốt cho tiểu bang, tốt cho người lao động trong ngành đóng tàu ở Adelaide.

Bà khẳng định đây là cơ hội để các công ty vừa và nhỏ của Úc tham gia vào chuỗi sản xuất thiết bị quốc phòng, đóng vai trò tích cực vào nền kỹ nghệ cao và sáng kiến khoa học công nghệ thế giới.

Đó là những phản ứng của giới chính khách về tương lai 50 tỷ Đô la của dự án đóng tàu ngầm cho nước Úc giành cho nước Pháp.

Dân chúng, cử tri Úc họ nói gì về kế hoạch đóng tầu ngầm này?

Trong cuộc phỏng vấn cử tri mà ABC thực hiện ngày hôm nay, một số người Úc cho biết đây là dự án tuyệt vời cho Nam Úc.

Một số khác thì không quan tâm vì họ vốn là cử tri ủng hộ Lao động. Trong khi đó, không ít người tin rằng việc đóng tàu ngầm tại Úc ảnh hưởng đến lá phiếu giành cho Liên đảng nếu có bầu cử.

Tuy nhiên, mới đây Viện nghiên cứu Lowy lại vừa tung ra kết quả của một cuộc khảo sát, theo đó, 70% người dân Úc muốn tàu ngầm được chính người Úc đóng trực tiếp ngay tại Úc này cho dù chi phí có cao hơn đi nữa.

Tiến sĩ Euan Graham Giám đốc chương trình An ninh quốc tế thuộc viện Lowy khẳng định rằng Các kinh tế gia có thể có góc nhìn khác, họ cho rằng lợi ích kính tế và hiệu quả là yếu tố quan trọng với nền quốc phòng Úc.

Thế nhưng, có vẻ như người dân thì không nghĩ như vậy. Lý do mà tiến sĩ đưa ra là vì đây là dự án lớn nhất trong lịch sử nước Úc với trị giá lên đến 50 tỷ Đô la, và khoản tiền đó từ thuế của người dân.

Trong khi đó Tổng thống Pháp, ông Francois Hollande khẳng định đây là dấu mốc cho sự hợp tác quốc phòng giữa Úc và Pháp.

“Chúng ta bắt đầu cùng nhau chung bước trong chặng đường sẽ kéo dài 50 năm.”

“Chúng ta phải chuẩn bị cho kế hoạch 50 năm, và sứ mệnh này đã được trao cho DCNS.”

“Liên minh này, mối quan hệ đối tác này chính là kết quả đề xuất của ngài Thủ tướng. Bên cạnh mối quan hệ chính trị bền chặt, thì với Pháp đây là liên minh sẽ kéo dài 50 năm,” ông Hollande nói.

 


Share