Du học ở Úc (197) Tá túc nhà người thân khi đi du học- nên hay không nên?

Student's Life

Source: Pixabay

Khi các bạn trẻ sang một đất nước mới du học, gia đình ở Việt Nam thường tìm kiếm và gửi gắm các bạn đến ở nhà người thân như họ hàng hoặc bạn bè quen của phụ huynh. Với suy nghĩ “không đâu bằng nhà mình”, nhiều người cho rằng các bạn trẻ sang lạ nước lạ cái, nếu có người thân để dựa dẫm, chỉ bảo, phụ huynh sẽ yên tâm hơn cũng như các bạn sẽ dễ xoay sở cuộc sống nơi xứ người. Tâm lý của nhiều người Việt Nam khi có con sinh sống, học tập ở nước ngoài là muốn “gửi gắm” con cho người nhà,người quen, vừa đỡ sinh hoạt phí lại vừa yên tâm khi có người “để mắt” đến con mình.


Sống chung với người thân tốt hay không tốt?

Học tập tại nước ngoài có nghĩa là bạn bước sang một xã hội mới với một tính chất cuộc sống khác hiện tại.

Cuộc sống ở một quốc gia khác có rất nhiều khác biệt từ chuyện sinh hoạt cho đến học tập, có thể cả chuyện trang trải nếu bạn có ý định làm thêm. Nhưng đó cũng là môi trường, là cơ hội để bạn thử thách bản thân, lớn hơn là thêm trải nghiệm trong cuộc đời.

Có người thân, họ hàng bên nước bạn định sang du học trước mắt đó là sự thuận lợi nhất định. Giữa một quốc gia rộng lớn và xa lạ, một mình bạn sống và học tập ắt sẽ có những khó khăn. Việc có người thân đang sinh sống tại nước bạn theo học có thể hỗ trợ được bạn, cả về vật chất lẫn tinh thần.

Khi mới sang đất nước mới, sẽ dễ dàng hơn khi các bạn trẻ có người hướng dẫn hỗ trợ như đưa đón sân bay, mở tài khoản ngân hàng, số điện thoại, thi bằng lái và mua sắm một số nhu yếu phẩm trong những ngày đầu.

Nếu bạn bị bệnh, người thân ruột thịt hay họ hàng vẫn là những người có thể chăm sóc chúng ta tận tình nhất.

Về lâu dài, sau khi đã có đầy đủ yếu tố cơ bản, bạn phải chủ động bắt đầu cuộc sống tự lập, cũng như không ngừng học hỏi để sẵn sàng cho những thử thách trong sự nghiệp, thay vì e ngại, lệ thuộc người thân.

Thật ra, bạn hoàn toàn có thể sắp xếp được ngay cả khi không có sự giúp đỡ từ người thân ở nước sở tại. Những hội sinh viên Việt Nam tại các trường, những tổ chức hỗ trợ du học sinh thường xuyên tổ chức những dịp họp mặt để trao đổi thông tin nhà ở, việc làm, chia sẻ kinh nghiệm sinh sống và học tập của chính  các cựu du học sinh. Tìm hiểu những địa chỉ liên lạc này càng sớm, bạn còn có cơ hội nhận được những sự hỗ trợ và giúp đỡ để tránh bỡ ngỡ nơi xứ người.

Khi sống cùng gia đình, người thân tại xứ người, điều dễ nhận ra nhất là du học sinh ít có cơ hội phát huy vốn tiếng Anh.

Nhiều gia đình người Việt quần cư thành cộng đồng lớn, du học sinh theo thói quen dùng tiếng Việt ở nhà hoặc nơi làm thêm bán thời gian của người Việt. Điều đó khiến ngoại ngữ của họ chậm tiến bộ.

Với văn hoá Á Châu, các vị phụ huynh thường mong muốn bảo bọc cho con, ngay cả khi chúng đi học xa. Do đó, những hành động như liên tục hỏi han, dặn dò, kiểm tra giờ giấc, kiểm tra sinh hoạt là rào cản lớn để các bạn thực sự thích nghi với môi trường mới và tập thói quen sống tự lập.

Cha mẹ nên hiểu thực tế này để có cái nhìn chia sẻ với con cái nơi đất khách. Khi du học, có những vấn đề bạn trẻ sẽ rất khó giải thích chỉ bằng tin nhắn hoặc vài cú điện thoại.

Phụ huynh nên để con mình tự lập trong suy nghĩ và hành động.Thay vì ép buộc hay tìm cách kiểm soát con thông qua người thân ở nước ngoài, cha mẹ nên lắng nghe, tìm hiểu về nơi con mình đang học, từ đó hợp tác với chúng để giải quyết vấn đề. Du học sinh cũng nên chủ động tìm hiểu lối sống và sự nhiệt thành giúp đỡ của thân nhân khi giao tiếp.

Lời khuyên cho các bạn tân sinh viên từ những người trong cuộc là: nếu có nhà người thân ở đất nước du học thì thời gian đầu nếu muốn có thể xin ở nhờ để làm quen với môi trường, đến khi quen rồi và có khả năng thì nên chuyển ra ngoài sống tự lập. Nếu bạn có thể đi làm thêm được thì tốt, ngoài việc kiếm thêm tiền phụ giúp gia đình thì còn học được nhiều kĩ năng sống.

Những bạn mong muốn tìm kiếm không gian riêng tư để học tập, có thể hỏi bạn bè, cố vấn trong trường, tham gia các diễn đàn, dịch vụ địa phương để có thông tin chính xác, trước khi quyết định. Sau đó, hãy chia sẻ với ba mẹ thật chi tiết cụ thể những thông tin đó, nói cho ba mẹ biết những hoạch định, suy nghĩ của mình, tạo niềm tin cho gia đình  để họ yên tâm rằng không có họ bên cạnh, bạn vẫn có thể xoay sở.

Sự nhờ cậy người thân đã vô tình khiến nhiều bạn trẻ rơi vào hoàn cảnh khó xử. Nhiều “du học sinh” trở thành người giúp việc bất đắc dĩ khi phải ở nhà trông trẻ hoặc thậm chí dọn nhà, nấu ăn, v.v… chịu trách nhiệm cho nếp ăn uống, sinh hoạt của gia đình.

Không những thế, nhiều gia đình có quan điểm sống khác biệt khiến du học sinh cảm thấy ngột ngạt, bị stress hoặc dễ bị ảnh hưởng những thói quen không tốt.

Khi bạn đến nhà người thân ăn ở tá túc , với nhiều người, họ cảm thấy áy náy khi được giúp đỡ và muốn đóng góp chia sẻ những công việc hoặc chi phí sinh hoạt trong gia đình để bày tỏ sự biết ơn.

Nhiều bạn giúp đỡ họ nấu nướng, giặt giũ, quét dọn nhà cửa, thậm chí các việc này bạn phải hoàn toàn chủ động và không để họ nhắc nhở. Thời gian đầu, bạn có thể cảm thấy việc này làm để cám ơn sự nhiệt tình giúp đỡ của họ khi họ đã giúp đỡ bạn khi mới sang nhưng sau đó, khi lịch học và làm thêm dày đặc, nếu không có nhiều thời gian tham gia việc nhà như trước và thiếu sự cảm thông từ phía thân nhân, nhiều bạn sẽ cảm thấy rằng mình bị ràng buộc, mất tự do. Bạn muốn có nhiều thời gian hơn để học tập, du lịch, thư giãn, nhưng vì nể nang mà phải quên đi nhu cầu của bản thân để làm vui lòng người thân.

Sống chung với gia đình người thân, bạn sẽ nhận được sự quan tâm chăm sóc nhưng đôi lúc cũng cảm thấy không thoải mái khi sự quan tâm đó trở thành để ý, quản lý.

Khi những mâu thuẫn nảy sinh, thì họ có thể liên lạc về phàn nàn với ba mẹ bạn ở nhà.Người ở nhà đôi khi không hiểu rõ ngọn ngành, bạn lại bận rộn ít thời gian chia sẻ, dễ dẫn tới những bất đồng ngày một lớn giữa những mối quan hệ từ gần đến xa.

Nhiều bạn rơi vào hoàn cảnh không có ai tin cậy để có thể tâm sự, giãi bày dẫn đến trầm cảm, tự kỷ do các gánh nặng về thi cử, học tập cộng với việc sống chung với những người gây áp lực, gò bó cuộc sống của các bạn.

Tìm nơi ở phù hợp khi đi du học

Bạn có bốn lựa chọn chính khi tìm nơi lưu trú trong thời gian đi học. Tùy vào nhu cầu và ngân sách của mình, bạn có thể chọn sống cùng người thân, đăng ký ở ký túc xá trong khuôn viên trường, sống với gia đình người dân địa phương, thuê một căn hộ hoặc thuê phòng trong căn hộ với nhiều bạn bè.

Sống trong ký túc xá khuôn viên trường, cuộc sống của bạn sẽ thuận tiện do bạn không cần di chuyển xa đến lớp. Ngoài ra bạn còn có cơ hội kết giao thêm nhiều bạn mới. Trong ký túc xá thường khá tiện nghi, có phòng ngủ, phòng tắm, còn có nhà bếp và không gian sinh hoạt chung.

Ở nhà người dân có thể là lựa chọn tốt nếu bạn còn trẻ và mong muốn được cải thiện vốn ngoại ngữ cũng như trải nghiệm nền văn hoá mới một cách trực tiếp và nhanh nhất. Hình thức ở nhà dân đặc biệt thịnh hành với các du học sinh đang theo học tiếng Anh và học sinh nhỏ tuổi cần người bảo hộ.

Khi sống cùng người bản xứ, bạn sẽ nhận được sự giám hộ, chăm sóc của họ như khi đang sống tại gia đình mình. Thông thường, những khu home-stay có an ninh và vệ sinh tốt. Nếu bạn được sống trong những gia đình thân thiện, bạn sẽ được họ chuẩn bị cho cả bữa ăn đã bao gồm trong chi phí cư trú hàng tháng. Bạn có thể xin phép sử dụng một số đồ đạc chuyên dụng hàng ngày như máy sấy, bàn là, tủ lạnh, v.v… mà không cần mua mới.

Trong mọi lựa chọn về nhà ở thì việc tự thuê nhà được xem là giải pháp đem lại cho bạn sự riêng tư nhất nếu bạn muốn sống một mình, hoặc cho phép bạn chia sẻ chi phí lưu trú nếu sống cùng bạn bè. Nhiều sinh viên du học sống trong nhà do họ thuê riêng.

Cách này đặc biệt phổ biến với sinh viên khoá học cao đẳng và đại học trở lên. Các sinh viên có thể tự thuê một nơi nào đó cho riêng mình hoặc ở ghép với những sinh viên khác. Ở ghép là giải pháp phổ biến với các du học sinh vì việc này góp phần giúp họ giảm chi phí khi du học và có thể họ sẽ có thêm niềm vui như chia sẻ cùng đồng hương tại nơi “đất khách quê người”.

Nếu muốn thuê nhà, các sinh viên nên nghĩ đến những chi phí sinh hoạt (ga, điện nước, v.v…) Hầu hết nhà cho sinh viên thuê đều đã có đầy đủ tiện nghi, nhưng bạn có thể sẽ cần mua thêm những thứ như dụng cụ làm bếp và bộ chăn màn. Các chủ nhà và/hoặc nhân viên nhà đất thường sẽ yêu cầu bạn xuất trình những giấy tờ nhận diện quan trọng, chứng từ và các khoản đặt cọc như một phần của quy trình xin thuê nhà. Bất cứ bất động sản nào cho cá nhân thuê cũng thường phải có ký hợp đồng.

Bạn có thể tìm bạn ghép nhà chung qua những nguồn như flatmate, gumtree, qua bạn bè hoặc các hội sinh viên.

Giá tham khảo các hình thức thuê nhà phổ biến tại Úc:

  • Thuê Nhà trọ và nhà khách: 80-135 AUD$/tuần.
  • Thuê phòng: 70-250 AUD$/tuần
  • Thuê nhà ở: 200-500 AUD$/tuần.
  • Ở nội trú ký túc xá: 10.000-20.000 AUD$/năm.

Điểm tin tại Úc

Theo quy định, sinh viên quốc tế phải chứng minh trình độ tiếng Anh tối thiểu trước khi được cấp visa du học Úc.

Bộ Nội vụ Úc vừa thông báo về sự thay đổi đối với kết quả kiểm tra tiếng Anh được chấp nhận như là một chứng chỉ về trình độ ngôn ngữ cho du học sinh tại Úc. Hiện tại, kỳ thi TOEFL sẽ không được chấp nhận sau ngày 27 tháng 5 năm 2018 cho các hồ sơ xin visa du học Subclass 500.

Sau khi kỳ thi TOEFL-PBT được sửa đổi vào tháng 10 năm ngoái lược bỏ phần thi nói tiếng Anh, trong khi kỹ năng nói tiếng Anh là một yêu cầu bắt buộc để đánh giá trình độ tiếng Anh của người nộp đơn.

Theo Bộ Nội vụ, việc kiểm tra các kỹ năng nói tiếng Anh được xây dựng để bảo đảm người nộp đơn có khả năng giao tiếp hiệu quả trong các tình huống trực tiếp tại Úc.

Do sự thay đổi này trong bài kiểm tra, Bộ đã loại trừ TOEFL-PBT trong danh sách bài thi tiếng Anh được chấp nhận đối với visa du học Úc. Kết quả thi TOEFL trên Internet vẫn tiếp tục được chấp nhận. Tuy nhiên, nó không nằm trong số những bài kiểm tra phổ biến nhất ở Úc.

Các bài kiểm tra tiếng Anh có thể chấp nhận khác là IELTS (Hệ thống kiểm tra tiếng Anh quốc tế), Cambridge English: Advanced (Chứng chỉ tiếng Anh nâng cao), Kiểm tra tiếng Anh học thuật Pearson và Kiểm tra tiếng Anh nghề nghiệp. Để các kết quả kiểm tra được chấp nhận, bài kiểm tra phải được thực hiện không quá 2 năm trước khi nộp đơn xin visa du học Úc.

Mỗi tuần một điều không thể bỏ lỡ tại Úc

Un temblor sacude una región en  Nueva Gales del Sur.
Un temblor sacude una región en Nueva Gales del Sur. Source: www.visitsnowymountains.com.au


Mùa đông của nước Úc đã chính thức bắt đầu vào từ đầu tháng Sáu cho đến tháng Chín của năm. Và thời điểm này cũng là thời khắc vàng của Snowy Mountains.

Đây là khu vực cao nhấ t của Úc và nằm ở phía Đông Nam New South Wales. Snowy Mountains bao gồm một chuỗi những dãy núi, trong đó ngọn núi cao nhất có độ cao khoảng 2300m.Đây luôn là địa điểm lý tưởng để thưởng ngoạn mùa đông, với cả một vùng tuyết trắng xóa cùng những trò chơi thú vị. Khi Snowy Mountains được bao phủ một màu tuyết trắng, bạn có thể tha hồ trượt tuyết trên những đường trượt dài thoai thoải với hai khu vực trượt tuyết nổi tiếng nhất là Perisher Valley và Thredbo.

Thredbo là khu trượt tuyết rất nổi tiếng ở Úc, thu hút khoảng 700.000 người đến tham quan, vui chơi vào mỗi mùa đông. Nếu đi bằng xe ô tô, thì chỉ cần mất chừng 6 giờ đồng hồ lái xe từ Melbourne đến Sydney. Đặc biệt, ở đây phân chia thành các khu vực nhỏ phù hợp với nhu cầu du khách (mới biết trượt tuyết căn bản hoặc thành thạo).

Ngoài những trò chơi trên tuyết, các bạn còn có thể khám phá vẻ đẹp của thiên nhiên hoang sơ với những nét chấm phá ẩn hiện trên nền tuyết trắng: những chồi non, vài mỏm lá xanh đậm hay các thác nước nhỏ vẫn đang róc rách chảy…

Thú vị nhất là khi bạn đã sẵn sàng chịu thử thách và đi cáp treo lên đến đỉnh núi ở độ cao khoảng 1.973 mét, bạn sẽ trực tiếp thưởng thức những món ăn ngon, đặc biệt tại nhà hàng duy nhất ở nơi này. Cầm trên tay ly cà phê nóng hổi nhâm nhi cùng người thân hoặc bạn bè giữa vùng khí hậu lạnh tê cứng, đó sẽ là cảm giác lâng lâng khó tả và vô cùng đáng trải nghiệm khi du học tại Úc.

Thêm thông tin và cập nhật Like   

Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

 


Share