Năm 1955, Thanh Sơn rời miền Tây Nam Bộ lên Sài Gòn và gặp được nhạc sĩ Lam Phương – người mà Thanh Sơn xem như thần tượng của mình.
Năm 1959, cơ hội cũng đến với ông khi đài phát thanh ra thông cáo tuyển lựa ca sĩ, Thanh Sơn ghi tên tham dự với bài hát Chiều tàn của Lam Phương và đoạt giải nhất.
Đó là thành công đầu tiên trong cuộc đời làm nghệ thuật của ông. Nhiều năm sau này, ông vẫn nhớ mãi giải thưởng vô cùng quý giá nhận được là một chiếc radio và cây đàn guitar.
Từ đó, Thanh Sơn dấn thân vào nghiệp ca sĩ, khởi đầu đi hát trong ban nhạc Tiếng tơ đồng của nhạc sĩ Hoàng Trọng.
Ông cũng hát, thu âm rất nhiều cho đài phát thanh. Lúc này, Thanh Sơn lại gắn bó với một người thầy là nhạc sĩ nổi tiếng – Hoàng Thi Thơ. Hoàng Thi Thơ khi ấy đang là trưởng Ðoàn Văn Nghệ Việt Nam nên đã dẫn dắt, tận tình giúp đỡ cậu học trò Thanh Sơn hết mình.
Năm 1962 Thanh Sơn ra mắt bài hát đầu tiên với nhan đề Lưu bút ngày xanh được công chúng hoan nghênh nhiệt liệt. Danh ca Phương Dung là người đầu tiên thu âm và thể hiện bài hát này trên sân khấu.
Một năm sau đó, Thanh Sơn bỏ hẳn nghiệp ca hát để chuyển sang sáng tác chuyên nghiệp. Riêng về bài hát học trò, tới nay anh đã viết có hơn 200 bài.
Nổi tiếng nhất trong đề tài áo trắng của ông là các ca khúc: Tình học sinh, Ba tháng tạ từ, Lưu bút ngày xanh, Hạ buồn, Thương ca mùa hạ và được yêu thích nhất phải kể đến Nỗi buồn hoa phượng.
Vợ chồng nhạc sĩ Thanh Sơn Source: Supplied