Tự tử được xem là một thảm họa của quốc gia. Cách đây 10 năm Hayley Purdon 30 tuổi sinh sống ở Canberra muốn tự tử.
"Điều khiến tôi muốn tự tử là bị trầm cảm nặng, tôi không ăn uống được, tôi lo lắng, khiến lúc đó tôi không hề bước chân ra khỏi nhà. Đến một lúc tôi không còn chịu nổi cảnh sống như vậy nên tôi nghĩ đến cái chết là sự lựa chọn duy hất cho tôi."
Thống kê mới nhất cho thấy số người chết vì nguyên nhân tự tử trong năm 2017 là 3,128 người, có nghĩa là mỗi ngày ở Úc có 8,6 người tự tử.
May mắn cô Purdon vượt qua được và bây giờ làm việc cho tổ chức ngăn ngừa tự tử có tên gọi là "Roses in the Ocean" qui tụ những người từng có những trải nghiệm như cô.
"Mặc dù con số thống kê rất tệ nhưng có rất nhiều người có kiến thức và kinh nghiệm có thể truyền đạt lại để giúp ngăn ngừa tự tử," cô Purdon tin tưởng.
Giám đốc tổ chức Lifeline, John Brogden nói số người tự tử gia tăng mặc dù chính phủ đã tài trợ thêm cho các chương trình giúp ngăn ngừa tình trạng này.
"Trong những năm qua ở cấp tiểu bang cũng như liên bang đã có thêm những tài trợ. Chúng tôi có thêm ngân sách để hoạt động, nhưng đáng buồn chúng ta không nhìn thấy kết quả. Trên thực tế càng có thêm ngân sách càng có thêm người tự tử."
Khó khăn vì nạn hạn hán kéo dài được cho là một nguyên nhân, nhưng không ai biết nguyên nhân chính là gì khiến cho nhiều người tự tử.
Ông Brogden thì tin rằng khó khăn tài chánh là một trong những nguyên nhân chính.
"Tôi cho rằng tình trạng nợ nần ngập đầu đã làm cho người ta bị stress kinh khủng. Những người phải vay nhiều để mua nhà, đặc biệt trong các thành phố lớn, ngày nào cũng lo lắng sợ mất việc, và không còn trả được nợ ngân hàng."
"Tôi nghĩ điều đó làm cho cuộc sống của người càng thêm căng thẳng, nhưng không ai biết rõ nguyên nhân là vì sao mà người ta tự tử nhiều. Nhưng tất cả chúng ta đều biết là đáng lý ra không có thêm người tự tử mới phải."
Các dịch vụ trợ giúp trong cộng đồng như Lifeline đang kêu gọi chính phủ hãy áp dụng chỉ tiêu giảm 25% số người tự tử trong 5 năm.
Tại Scotland, chính phủ phát động chiến dịch "Choose Life" qua đó tìm cách giảm 20% số người tự tử trong 10 năm. Trên thực tế họ đã giảm được 18%.
Giám đốc Lifeline John Brogden tin rằng có chỉ tiêu chính phủ sẽ phải làm việc cật lực hơn để giảm số người tự tử.
"Chỉ tiêu giúp mọi cấp chính quyền tập trung hơn, nhất là trong khu vực y tế, và cả các khu vực vô vụ lợi và cộng đồng, tất cả đều sẽ phải tập trung để đạt cho được chỉ tiêu là giảm số người tự tử."
Gần đây không may cũng có những người trẻ trong cộng đồng người Việt đã tự tử.
Bác sĩ Phan Đình Hiệp ở Melbourne nói với đài SBS rằng, sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ và khoảng cách giữa các thế hệ, nằm trong số những yếu tố gây áp lực, khiến tỷ lệ tự tử trong giới trẻ gia tăng.
“Trong chúng ta, rất nhiều người bị bệnh trầm cảm, đặc biệt vì chúng ta có hàng rào về văn hóa và ngôn ngữ, cho nên sự khác nhau giữa các thế hệ cũng gây áp lực đến thế hệ trẻ khá nhiều. Và trên thực tế thì tỷ lệ về bệnh trầm cảm hay là những sự kiện về những bạn trẻ quyên sinh đã xảy ra trong cộng đồng chúng ta.”
Nói về nguồn gốc của căn bệnh trầm cảm, bác sĩ Hiệp giải thích có nhiều yếu tố khác nhau.
"Có những yếu tố về nội sinh, nghĩa là bản thân trong não con người ta chưa có cân bằng về hóa chất trong đó, cho nên người ta có thể biểu hiện ra bên ngoài thành trầm cảm. Hay là một số người có nguyên nhân di truyền, giống như là cha mẹ rồi đến con cái, nhưng mà không phải là mọi người đều cùng bị như vậy. Hoặc là do đặc tính của cá nhân, có những người mà họ không thể đương đầu với stress, hoặc tâm lý bất ổn thì người ta dễ tìm đến cái chết hơn."
"Thêm nữa là một số người bị một số bệnh lý, chẳng hạn như là bệnh ung thư hoặc tim mạch, người ta thấy tâm tính thay đổi hoặc là cái nỗi buồn nó dai dẳng, kéo dài, thì nó chuyển qua dạng trầm cảm. Đặc biệt là ở một số người, vấn đề về uống rượu hoặc sử dụng chất kích thích cũng gây rủi ro để mà chuyển qua thành bệnh trầm cảm."
"Những người bị stress lâu dài, chẳng hạn như lo lắng về tài chính, kinh tế, gia đình bất hòa, nếu một hai tuần thì không sao, nhưng mà nếu nó kéo dài dai dẳng, thì tất cả những cái đó có thể là nguyên nhân, nguồn gốc phát sinh của bệnh trầm cảm," bác sĩ Hiệp giải thích.
Tại Úc nếu cần chúng ta tìm đến trước tiên là bác sĩ gia đình, là nơi có thể tìm kiếm sự tư vấn ngay từ ban đầu.
Bác sĩ gia đình có thể giới thiệu bệnh nhân đi gặp các chuyên viên tâm lý, và dịch vụ này có thể được chính phủ tài trợ miễn phí.
Nếu cần giúp đỡ khi bị trầm cảm có ý định tự tử, chúng ta có thể gọi cho Lifeline theo số 13 11 14, hoặc Beyondblue theo số 1300 22 4636.