Theo Quỹ Đột quỵ Úc châu, cứ khoảng 10 phút lại có một người Úc bị đột quỵ. Căn bệnh này đang tiêu tốn của nền kinh tế Úc $5 tỷ đô la mỗi năm, và đang có xu hướng gia tăng trong giới trẻ do thái độ chủ quan và lối sống ít vận động.
Đột quỵ là một trong những nguyên nhân lớn nhất gây tử vong và bại liệt tại Úc.
Tiến sĩ Thần kinh học Bruce Campbell, Chủ tịch của Hội đồng Lâm sàng thuộc Quỹ Đột quỵ Úc châu, cho biết, khoảng 2/3 nạn nhân đột quỵ đều gặp một số khó khăn khi cử động hoặc giao tiếp.
Mặc dù người cao tuổi dễ có nguy cơ mắc bệnh đột quỵ, căn bệnh này không từ bất kỳ độ tuổi nào.
Tiến sĩ Bruce nhấn mạnh, khi có ai đó bị đột quỵ, việc cần thiết là gọi xe cứu thương và không nên cho người bệnh uống bất kỳ loại thuốc nào.
Cô Lisa Mangwiro làm việc cho chương trình của Quỹ đột quỵ Úc châu. Nhiệm vụ của cô là liên lạc với bệnh nhân sau khi họ đã xuất viện đễ hỗ trợ và tư vấn trong quá trình hồi phục.
Cô cho biết, việc hồi phục có thể trở nên rất khó khăn đối với những bệnh nhân gốc di dân, bởi văn hóa và ngôn ngữ có thể trở thành những rào cản giữa họ và các dịch vụ y tế.
Một vấn đề phổ biến khác là sự thiếu hụt thông ngôn tại một số cộng đồng sắc tộc.
Còn cô Dung Phạm là một chuyên gia dinh dưỡng, chuyên điều hành các khóa học giúp mọi người phòng ngừa bệnh tim mạch, béo phì và đột quỵ, thông qua ở tiểu bang Victoria.
Cô cho biết các di dân đến Úc cũng mắc phải các nguy cơ đột quỵ tương tự, do việc áp dụng chế độ ăn uống kiểu Tây phương.
Theo cô Dung, một chế độ ăn theo phong cách Địa Trung Hải, thêm cá và bớt các loại thịt đỏ, có thể giúp giảm nguy cơ đột quỵ.
Và dĩ nhiên, cô cũng đề nghị một lối sống lành mạnh với các bài tập thể thao có cường độ vừa phải.
Cần làm gì khi có người đột quỵ?
Nếu quý vị thấy ai đó đang bị đột quỵ, hãy gọi ngay cho số 000 để họ nhận được sự điều trị càng nhanh càng tốt.
Làm sao để nhận biết bệnh nhân đột quỵ?
Khi quá trình phát khởi diễn ra rất nhanh, nhiều nước trên thế giới đang áp dụng khẩu hiệu FAST:
- F: Face khuôn mặt của người bệnh bị méo một bên, có thể nhìn rõ khi bệnh nhân cười, nhe răng hoặc khi nói chuyện. Hãy bảo người đó cười mở miệng hết cỡ và quan sát khuôn mặt.
- A: Arm yếu tay chân. Đa số bệnh nhân đột quỵ sẽ có dấu hiệu yếu tay chân cùng bên (nửa bên trái hoặc nửa bên phải). Nếu có yếu liệt nửa bên cơ thể thì gần như chắc chắn bệnh nhân bị đột quỵ chứ không phải là trúng gió. Hãy bảo người đó đưa tay, chân lên và quan sát.
- S: Speech giọng nói. Người bị đột quỵ gặp trục trặc khi nói, nói không thành tiếng hay phát âm không rõ ràng. Nhất là với các từ khó như: tre, trung, trúc... thường là người bệnh sẽ không phát âm được. Trong trường hợp đột quỵ nặng, người bệnh không nói được và thậm chí hôn mê.
- T: Time thời gian. Nếu bệnh nhân có những dấu hiệu như trên thì thời gian là vàng bạc, Hãy nhanh chóng đưa bệnh nhân đến "trung tâm đột quỵ gần nhất".
Một số triệu chứng hoặc dấu hiệu khác cảnh báo đột quỵ:
- Đột ngột cảm thấy đau đầu như búa bổ.
- Mất thăng bằng mà không có tiền căn rối loạn tiền đình
- Ù tai, điếc đột ngột.
- Gặp một số vấn đề về mắt như: song thị (nhìn 1 hình thành 2 hình); bán manh (chỉ thấy phía trước, không nhìn được hai bên hoặc chỉ thấy về một bên).
- Chậm hiểu bất thường, phải nói đi nói lại nhiều lần mới nắm được vấn đề.
- Ngoài ra, bệnh nhân có thể gặp khó khăn khi ăn uống: nuốt khó, dễ sặc; thức ăn đọng một bên má khi ăn. Khi súc miệng, đánh răng cũng có những trục trặc như nước chảy qua một bên mà không kềm lại được.
Quá trình đột quỵ diễn ra rất nhanh, nếu không được kịp thời phát hiện, cấp cứu và điều trị đúng cách có thể tàn tật suốt đời hoặc tử vong. Vì thế, việc nắm rõ tất cả triệu chứng kể trên là rất cần thiết, đặc biệt nếu trong gia đình quý vị có người cao tuổi, người có tiền sử bệnh tim, cao huyết áp, tiểu đường...
Quỹ Đột quỵ Úc châu là tổ chức phi lợi nhuận làm việc với những người sống sót được đột quỵ, người chăm sóc, nhân viên y tế, chính phủ và công chúng để giảm sự tác động của đột quỵ đến cộng đồng Úc. Xin ghé thăm trang mạng để biết thêm thông tin.
sức khỏe là vàng
Sức khỏe là vàng (25): Sa sút trí tuệ tuổi cao niên