Thương cho roi cho vọt: Xưa rồi!
Một số chuyên viên trên thế giới tin rằng đánh đòn trẻ em là một hành động lỗi thời có thể tạo ảnh hưởng tiêu cực lâu dài với trẻ em.
Hiện có gần 50 quốc gia cấm sử dụng hình phạt thể xác, nhưng Úc không nằm trong những quốc gia đó.
Chuyên viên về nuôi dạy con, Tiến sĩ Justin Coulson là một người cha tự hào có sáu con.
Ông nói rằng nuôi dạy con cái sống hạnh phúc và tự tin, là áp dụng một phương pháp bất bạo động.
Điều đó có nghĩa là phải tránh áp dụng kỹ luật bằng hình thức dùng roi vọt hay đánh vào mông con cái.
“Quý vị có thể nuôi dạy con cái nên người mà không cần phải dùng đến roi vọt.
“Trên thực tế, các cuộc nghiên cứu đang cho chúng ta biết khá rõ là càng trông cậy vào việc đánh con cái, để dạy cho chúng một bài học hay vì chúng ta tức giận hay vì cả hai lý do, và càng sử dụng những lối dạy dỗ bằng hình phạt, thì con cái chúng ta càng gặp nhiều thách đố về sau trong cuộc đời của chúng.”
Ông lập luận rằng hình phạt thể xác không chỉ gây thiệt hại cho mối quan hệ giữa cha mẹ con cái mà còn gây ảnh hưởng tiêu cực lên đứa trẻ.
“Những gì sẽ xảy ra trong những năm tháng sau đó là đứa trẻ có khuynh hướng dễ bị khủng hoảng tinh thần, lo âu, hay khả năng thích nghi với áp lực kém.
“Có lẽ một điều khác quan trọng cần xét đến là, khi chúng đánh con cái, thì chúng ta đang thực sự dạy chúng rằng chính quyền lực là phương cách chính đáng để dành được những gì chúng ta mong muốn.”
Kỹ luật hay trừng phạt?
Tiến sĩ Coulson cho hay nhiều cha mẹ thường lẫn lộn giữa chuyện áp dụng kỹ luật để dạy con và trừng phạt.
“Nếu quý vị nhìn vào định nghĩa của chữ trừng phạt trong tự điển, thì trừng phạt có nghĩa là làm tổn thương một ai đó vì họ đã làm một điều mà chúng ta không thích và chúng ta làm tổn thương họ bằng cách gây thương tổn về thể chất hay về mặt tâm lý hoặc là về mặt cảm xúc hoặc là chúng ta tước đoạt những gì quan trọng đối với họ.
“Điều lý thú là định nghĩa chữ trừng phạt cũng khá tương tự với từ bắt nạt và như vậy chuyện bắt nạt xảy ra nhiều lần.
“Nhưng ý tưởng về áp dụng kỹ luật thì khá khác biệt, ý tưởng áp dụng kỹ luật là chúng ta dạy dỗ con cái những cách thức tốt đẹp để hành động, chúng ta đào tạo, hướng dẫn chúng.”
Giảng viên môn tâm lý học thuộc Đại học Sunshine Coast, Tiến sĩ Rachel Sharman chuyên về sự phát triển của trẻ em, thì cho rằng không có một phương pháp nhất định nào trong việc nuôi dạy con cái, và đôi khi đánh nhẽ có thể là một biện pháp hữu hiệu, khi cần đối phó với những đưa trẻ đòi hỏi phương pháp mạnh.
“Đối với những hình phạt thể xác rất dữ dằn và tàn bạo, thì không nghi ngờ gì là chúng tạo ảnh hưởng tiêu cực lâu dài.
“Nhưng tôi nghĩ rằng, khi đề cập đến chuyện đánh đòn con cái, thì hầu hết dân chúng Úc đều nghĩ rằng chúng ta đang nói tới việc đánh bằng tay, vỗ nhẹ vào mông hay vào bàn tay mà thôi.
“Thực sự kết quả các cuộc nghiên cứu về điều đó lại rất lẫn lộn, và các cuộc nghiên cứu có giá trị nhất mà tôi thấy được đều không tìm thấy gì được gì cả hay rất ít kết quả có tính tiêu cực về lối đánh đòn bình thường xảy ra hàng ngày này.”
Làm cha mẹ khó lắm! Source: AAP
Luật pháp nên vào cuộc?
Judy Cashmore, Giáo sư Luật đại học Sydney, nhận định rằng, trong khi tại Úc đến lúc này, việc cha mẹ áp dụng những hình phạt thể xác đối với con cái không phải là chuyện không hợp pháp, cần phải có những hướng dẫn rõ ràng để bảo vệ trẻ em khỏi bị lạm dụng.
“Vấn đề xảy ra đối với những cha mẹ bực bội giân dữ chính là họ không nhất thiết biết rằng họ đã đi quá xa.
“Nhưng nếu như có một thông điệp rõ ràng thì đó là quý vị chắc chắn không thể dùng cái gì đó khác, một nắm đấm chẳng hạn, quý vị không thể đánh vào đầu vào cổ con cái.
“Ít nhất điều đó cũng cho chúng ta một thông điệp đồng nhất trên toàn nước Úc.”
Được biết NSW hiện là tiểu bang duy nhất có những hướng dẫn về những điều được xem là trừng phạt bất hợp lý.
“Điều đó có nghĩa là, một hình phạt bằng sức mạnh, đặt vào bất cứ nơi nào trên đầu cổ hay bất cứ phần thân thể nào của đứa trẻ có thể gây thương tổn kéo dài hơn một thời gian ngắn.
“Quý vị có thể thấy rằng đó là chuyện khó khăn vì điều khoản hướng dẫn không xác định thế nào là một giai đoạn ngắn, cũng như thế nào là thương tổn.
“Thật không dễ dàng để xác định ranh giới giữa việc đánh vào mông hay quất bằng roi, hay thế nào là bất hợp lý, và lúc nào thì trở thành vấn đề bảo vệ trẻ em, cũng như khi nào thì chuyển sang lãnh vực hình sự.” Giáo sư Cashmore giải thích.
Tiến sĩ Justin Coulson nhấn mạnh là bất cứ hình thức trừng phạt thể xác nào đối với trẻ em cũng nên bị cấm ở Úc.
Nhưng Tiến sĩ Rachael Sharman không đồng ý, bà tin rằng cấm đánh đòn không giải quyết được vấn đề lạm dụng trẻ em.
“Chúng ta đang gặp phải một số vấn đề thực sự trầm trọng trong việc bảo vệ trẻ con ở đất nước này, và tôi thực sự rất thất vọng là việc đánh đòn vẫn còn gây chú ý trở lại trong quần chúng Úc, khi mà chúng ta đã có những vấn nạn quan trọng cần phải nói tới như bạo hành trong gia đình, lạm dụng tình dục, vấn nạn rượu bia trong gia đình…
“Những chuyện nhỏ như đánh đòn cứ trở đi trở lại mãi, khiến tôi tự hỏi khi đề cập tới những chuyện thực sự quan trọng thì quả quá khó khăn, vì không ai sẽ tìm ra giải pháp."
Phụ huynh cần giữ bình tĩnh
Giáo sư Cashmore cho hay đôi khi việc thi hành luật pháp có thể giúp thay đổi lối cư xử trong xã hội.
Thụy Điển là quốc gia đầu tiên ban hành luật chống lại hình phạt thể xác vào năm 1979.
“Chúng ta biết chắc chắn đối những hình thức trừng phạt thể xác, thì xã hội các quốc gia Bắc Âu đã gởi đi một thông điệp rất rõ ràng rằng, điều mà những xã hội đó đã chấp nhận là quý vị không được đánh con cái, rằng điều đó không chấp nhận được, và ý tưởng này đã ăn sâu trong ý thức họ.”
Tiến sĩ Coulson nhìn nhận là các bậc phụ huynh có thể phải đối đầu với thái độ thách thức của con cái.
Nhưng ông cho rằng, vào những lúc đó, điều thiết yếu là phải giữ bình tĩnh và xét định điều gì đã gây quan ngại.
“Khi chúng ta nhìn thế giới qua cặp mắt của trẻ con, chúng ta thường trông thấy một hình ảnh rất khác biệt với những hình ảnh mà chúng ta trông thấy khi nhìn chúng qua cặp mắt của người lớn.
“Người lớn vốn đặt hết trọng tâm vào những câu hỏi như tại sao chúng thách thức chúng ta? Có phải vì chúng đói bụng? Có phải vì chúng tức giận? Có phải vì chúng cô đơn? Có phải vì chúng mệt mõi? Có phải vì chúng bị căng thẳng tinh thần?
“Càng trao đổi nhiều với con cái chúng ta, càng có nhiều triển vọng các em đạt được những kết quả tích cực hơn trong cuộc sống, có sức đề kháng cao hơn, có giá trị bản thân cao hơn.”
Liên Hiệp Quốc kêu gọi nước Úc hãy theo chân hơn 40 quốc gia trên thế giới, ngăn cấm hình phạt thể xác đối với trẻ con.
Đây cũng là quan điểm được các bác sĩ nhi khoa thuộc Royal Australasian College of Physicians ủng hộ.