Thệ thứ Hai viết về cha ông
Cuốn sách về những hồi ức chiến tranh mang tên South Vietnamese Soldiers: Memories of the Vietnam War and After do Nathalie Huynh Chau Nguyen-một cô gái gốc Việt thuộc thế hệ thứ hai chuẩn bị ra mắt vào tháng Năm năm 2016.
Phó giáo sư Nathalie Nathalie Huynh Chau Nguyen hiện là phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Quốc gia Úc.
Cô là một nhà nghiên cứu xuất sắc đang giảng dạy tại đại học Monash, Melbourne, từng được nhận hai giải thưởng và nguỗn quỹ tài trợ của Hội đồng nghiên cứu Úc từ năm 2005 đến năm 2015 cho hai dự án nghiên cứu về cựu quân nhân Việt Nam và phụ nữ Việt Nam tại hải ngoại.
Trong sự nghiệp nghiên cứu của mình, Nathalie Nguyễn từng nhận học bổng Harold White Fellowship năm 2007 của Hiệp hội thư viện Úc Châu và Trung tâm nghiên cứu về người tị nạn tại Đại học Oxford vào năm 2011.
Nathalie có niềm đam mê sâu sắc và khao khát tìm hiểu về hồi ức, chiến tranh và vấn đề di cư. Chính những kinh nghiệm cá nhân mà cô đã từng kinh qua khi sinh trưởng trong một gia đình tị nạn tại Úc đã góp phần bồi đắp ngòi bút của Nathalie khi viết về cộng đồng người Việt và ký ức của những người tị nạn.
Cuốn sách mới nhất của cô về cuộc chiến tranh Việt Nam mang tên South Vietnamese Soldiers: Memories of the Vietnam War and After sẽ được ra mắt vào ngày 12/5/2016 tại đài tưởng niệm Shrine of Rememberance.
Nhà sử học Peter Edwards, người nghiên cứu nhiều năm về sự tham gia của Úc trong cuộc xung đột khu vực Đông Nam Á 1948-1975 nhận định về cuốn sách South Vietnamese Soldiers như sau
“Nathalie Huynh Chau Nguyen đã có những đóng góp to lớn, không chỉ trong việc mang lại những hiểu biết về lịch sử cuộc chiến Việt Nam mà còn kể lại hậu quả của cuộc chiến tranh này.”
Còn giáo sư môn lịch sử Jeffrey Grey, giảng viên của trường đại học UNSW Canberra tại Học viện Quốc phòng Úc ca ngợi cuốn sách soi rọi một ánh sáng khác về cuộc chiến gây nhiều tranh cãi tại Việt Nam.
Image
Những người lính bị lãng quyên
Nathalie nhận được học bổng của Hội đồng nghiên cứu Úc Australian Recheach Council để thực hiện nghiên cứu về những cựu quân nhân Việt Nam Cộng hòa trong vòng 4 năm. Cô quan tâm đến đề tài này vì những người lính miền Nam Việt Nam là những người bị lãng quên trong chiến tranh Việt Nam.
Có rất nhiều cuốn sách viết về cuộc chiến Việt Nam, nhưng lại không có thông tin về những cựu quân nhân Việt Nam Cộng hòa.
Nghiên cứu của Nathaline thực hiện qua lời kể, các cuộc trò chuyện và phỏng vấn với các cựu quân nhân. Trong quá trình thực hiện dự án này, Nathaline đã làm một bộ sưu tập cho thư viện quốc gia Úc National Library Australia, mang tên The Vietnamese veterans in Australia: Oral History Collection, tạm dịch là Những câu chuyện dựa trên lời kể của Cựu quân nhân Việt tại Úc.
Cuốn sách tên South Vietnamese Soldiers: Memories of the Vietnam War and After – Người lính VNCH Hồi ức trong chiến tranh Việt Nam được viết dựa trên bộ sưu tập này và các nghiên cứu dựa trên lời kể và phỏng vấn trước đây của Nathalie.
"Nhiều cựu quân nhân bị đưa vào các trại cải tạo, nhiều người trong số họ bỏ nước ra đi như những người tị nạn sau cuộc chiến. Những người lính mà tôi đã phỏng vấn đều đang sống ở hải ngoại, và họ đã xây dựng lại cuộc sống mới ở nước ngoài", cô cho biết.
--
Như Nathalie có chia sẻ, những công trình nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam không hề nhỏ, và có nhiều cuốn sách viết về cuộc chiến Việt Nam rồi, vậy đâu là những điều mới mẻ mà người đọc sẽ tìm thấy trong sách của chị?
Những thông tin về lịch sử của cuộc chiến bị thống trị và che lấp bởi các tài liệu của Hoa Kỳ và quan điểm của kẻ thắng cuộc. Có rất ít, hoặc hầu như không có thông tin về những người chịu mất mát trong cuộc chiến này là những cựu quân nhân VNCH. Và đây là một phần của lịch sử không thể bị lãng quên. Tôi để những người lính VNCH cất lên tiếng nói của họ và xóa vỡ đi sự thiếu công bằng trong cách mà người ta nói về cuộc chiến này.
Có câu chuyện nào mà chị cảm thấy thú vị nhất do chính những người trong cuộc chia sẻ không? Xin kể cho quý thính giả cùng biết.
Ồ có nhiều câu chuyện thú vị lắm. Tôi nghĩ mọi người nên mua cuốn sách để đọc. Nhiều điểm thú vị về những câu chuyện của những người phụ nữ đã từng phục vụ trong quân lực Việt Nam cộng hòa. Sau cuộc chiến, có đến 6000 người phụ nữ chiến đấu trong quân đội, hơn 600 người là các viên chức hoạt động trong chính phủ.
Có một câu chuyện của một người phụ nữ đã thoát khỏi Bắc Việt cùng gia đình vào năm 1954. Qúy vị hẳn biết là sau hiệp định Gieneve, hàng triệu người Việt Nam từ Bắc đã bỏ vào Nam.
Người phụ nữ này năm đó vừa tròn 19 tuổi, đã tình nguyện tham gia vào lực lượng quân đội. Câu chuyện thú vị bởi vì bà tham gia vào lực lượng Airborne Division, đây là lực lượng lính lính nhảy dù của quân lực Việt Nam Cộng hòa trước đây. Bà ấy đã lấy được bằng nhảy dù và có nhiều hình ảnh kỷ niệm về cảnh bà nhảy dù ra khỏi máy bay. Bà qủa là một người phụ nữ dũng cảm và phi thường.
Bà phục vụ trong quân đội suốt 16 năm trời, làm đủ công việc trên chiến trường, chăm sóc những đồng đội bị thương, đưa xác của những người tử trận trở về.
Tôi nghe câu chuyện này từ một trong những người con của bà. Chúng tự hào về người mẹ tuyệt vời của mình lắm, người nữ quân nhân đã làm việc cho quân lực VNCH 16 năm ròng.
Chị có nghĩ chính nguồn gốc của chị, được sinh ra trong một gia đình tị nạn nên chị có sự đồng cảm và tinh tế để hiểu, cảm thông và chia sẻ câu chuyện của những cựu quân nhân VNCH không?
Vâng, tôi mong là vậy. Tôi đã viết 3 cuốn sách qua lời kể của những người Việt tị nạn, tôi nói lên nỗi lòng của những người phụ nữ. Cuốn sách đầu tiên của tôi là Voyage of Hope: Vietnamese Australian Women’s Narratives, tạm dịch là "Hành trình hy vọng: Truyện kể của các phụ nữ Úc gốc Việt" xuất bản năm 2005 .
Đây là cây chuyện về hành trình vượt biên của những người phụ nữ, những trẻ em tị nạn, một số em đi cùng gia đình, một số em ra đi đơn độc một mình. Đó là trường hợp của chị dâu tôi, chị một mình rời khỏi Việt Nam năm 8 tuổi. Gia đình chị có 2 người con gái và 1 người con trai. Chị trốn chạy đến Úc và ở trong trại tị nạn 2 năm trước khi được nhận vào Úc. Câu chuyện của chị rất đáng chú ý.
“Bằng một giọng văn hùng hồn và mạnh mẽ trong cuốn sách của mình, Nathalie Nguyen đã trả lại cho người lính miền Nam Việt Nam sự thật lịch sử như nó vốn có, cho những cựu quân nhân Việt Nam Cộng hòa được cất tiếng nói của mình. Đây là một điều quan trọng và thiếu sót khi nói về chiến tranh Việt Nam. Jeffrey Grey
Không chỉ nói về quá trình vượt biên mà cuốn sách này còn kể về quá trình định cư của họ trên đất nước mới. Từ những khổ cực sau cuộc chiến, vượt biển với đầy hiểm nguy kể cả gặp phải hải tặc và sau cùng định cư thành công ở Úc.
Trong xã hội chiến tranh và sau chiến tranh, người phụ nữ chịu đựng hy sinh nhiều nhất để giữ nền tảng gia đình được nguyên vẹn và vì thế vai trò truyền thống của phụ nữ trong xã hội cũng phải thay đổi khi họ phải quán xuyến lo liệu để thích ứng với một môi trường xã hội, kinh tế, chính trị thay đổi nhất là giai đoạn trong thập niên sau 1975, khi người đàn ông bị lưu giữ, học tập hay phải vượt biên.
Cuốn sách khác mà tôi xuất bản sau đó ở Mỹ là Memory Is Another Country: Women of the Vietnamese với một nguồn tư liệu phỏng vấn lớn hơn. Tôi tập trung khám phá những kỷ niệm của phụ nữ tị nạn gốc Việt về quá khứ, tuổi thơ, chiến tranh cũng như cuộc sống của họ ở Úc. Tôi muốn tìm hiểu những ký ức của người phụ nữ và lý do vì sao họ lại nhớ như in những ký ức đó theo những cách khác nhau.
Tôi phát hiện ra rằng những người trong cùng một gia đình lại có những ký ức rất khác nhau. Tôi cũng tìm hiểu về những cuộc hôn nhân đa văn hóa. Nhiều người phụ nữ Việt lấy chồng ngoại quốc trước và sau chiến tranh..
Tôi khám phá hành trình trở về Việt Nam của những người tị nạn. Vì họ ra đi nhưng ở Việt Nam họ còn có rất nhiều người thân như cha mẹ, chị em, cậu dì, cô chú, bác. Hầu hết ai trong số họ cũng mất đi ít nhất một người thương yêu. Đối với nhiều phụ nữ tị nạn Việt Nam, hành trình trở về Việt Nam lần đầu tiên bao giờ cũng vô vàn khó khăn.
Chị viết rất nhiều sách và tiếp xúc với rất nhiều phụ nữ tị nạn, vậy chị có nhận ra đâu là sự khác biệt trong cách đàn ông và phụ nữ tị nạn đối mặt với sự mất mát và nỗi buồn không?
Điều mà tôi nhận thấy trong các cuộc phỏng vấn là mọi người dành cho tôi rất nhiều thời gian, họ dũng cảm và sẵn lòng kể cho tôi nghe những trang đau thương nhất trong đời mình.
Cả người đàn ông và phụ nữ đều phải đối diện với những mất mát lớn lao như mất quê hương, mất hy vọng. Nhiều người cố gắng chạy trốn nhưng bị chính quyền bắt lại, cùng với con cái của họ.
Sau năm 1975, một hệ thống chính phủ mới được thành lập. Hàng triệu người phải vào trại cải tạo, hơn một triệu người khác phải đi đến những nơi được gọi là vùng kinh tế mới, họ chịu sự kỳ thị, phân biệt đối xử bởi chính đồng bào mình. Cuộc sống thống khổ vô cùng. Đó là lý do vì sao biết bao người đương đầu với sóng dữ để tìm tự do sau năm 1975.
Là một người trẻ thuộc thế hệ thứ Hai sinh ra lớn lên tại Úc, chị định nghĩ và hiểu như thế nào về chiến tranh Việt Nam và ngày 30/4/1975?
Tôi có những câu chuyện riêng trong gia đình, cha và anh tôi phục vụ trong quân lực VNCH. Cha tôi hy sinh năm 1961. Tôi nhận thức và hiểu về cuộc chiến qua câu chuyện của cha tôi.
Gia đình cha tôi xuất thân từ Bắc Việt, là những người theo Phật giáo. Nhiều người chống lại chủ nghĩa cộng sản vì họ hiểu được những bất công và tệ hại mà nó mang lại, và họ đã từng trải qua, có kinh nghiệm thực tế. Góc nhìn của cha tôi về cuộc chiến khá thú vị, vì ông là người Bắc Việt, một trong rất nhiều người chọn rời bỏ Bắc Việt để vào Nam.
Tôi muốn dành cuốn sách của mình cho những người lính miền Nam Việt Nam, những người làm nên cuộc chiến, nhắc nhở mọi người xin nhớ về họ. Tôi muốn dành cuốn sách này cho những bạn là thế hệ thứ Hai sinh ra ở Úc.
Cha mẹ các bạn là thế hệ thứ Nhất, đôi khi họ muốn kể câu chuyện của mình cho con cái của họ nghe, họ có thể tìm thấy trong cuốn sách này, không chỉ câu chuyện của họ mà cả những người đồng hương đã từng trả qua những hoàn cảnh khó khăn chung trong quá khứ.
Cuốn sách này như một câu chuyện mà tôi mong thế hệ sau sẽ gìn giữ, để nhớ về cội nguồn và cha ông của họ. Và hãy đọc nó với một tâm hồn cởi mở, để hiểu về cuộc đời của những-người-sẽ- không- bao- giờ- bị- lãng quên.