Hạt giống yêu thương (Bài 89) Giữ gìn tiếng Việt cho con

Teaching kids their mother language

Teaching kids their mother language Source: Supplied

Với những bậc cha mẹ Việt sống tại hải ngoại, được nghe con nói tiếng mẹ đẻ là hạnh phúc lớn lao, đòi hỏi sự nỗ lực không nhỏ. Làm thế nào để gieo cho con tình yêu tiếng Việt là câu hỏi lớn với những người làm giáo dục.


Tiếng Việt ở hải ngoại sẽ đi về đâu?

“Tiếng Việt còn trong mọi người, người Việt còn thì còn nước non; Giữ tiếng Việt như ngày nào, hào hùng xưa mãi vọng ngàn sau; Hồn Việt mình còn nguyên vẹn tròn; Giữ tiếng Việt cho nối đời, lời quê hương ấy lời sắc son.” Những ca từ trong bài hát “Thương ca tiếng Việt” do Đức Trí sáng tác như tấc lòng của rất nhiều người Việt sống ở hải ngoại.

Các bậc phụ huynh có con sinh ra ở nước ngoài có lẽ không ít lần tự hỏi, làm sao để giữ gìn tiếng Việt cho con, làm sao để gieo cho trẻ thơ tình yêu tiếng mẹ, tiếng quê hương?
Đó cũng là trăn trở của  ông Thái Đắc Nhương, hiệu trưởng trường Việt ngữ Lạc Hồng tại Melbourne.

Trước năm 1975, ông là cựu giáo chức tại Sài Gòn. Ông đến Úc với tư cách người tị nạn và làm nhân viên xã hội cho Bộ Dịch Vụ Cộng Đồng hơn 25 năm.

Ông Thái Đắc Nhương thành lập trường Việt Ngữ Lạc Hồng năm 1984 như lời đáp cho câu hỏi “Tiếng Việt ở Úc rồi sẽ về đâu.  Bộ sách Em Học Tiếng Việt từ  lớp Mẫu giáo đến lớp 12 được ông viết từ năm 1990 và hoàn thành vào năm 2000.
“Mình đặt tên con là Xuân Việt để nhắc cháu luôn nhớ mình là người Việt, phải hiểu và nói được tiếng Việt. Ở cương vị làm cha mẹ, mình rất buồn khi nghĩ rằng tiếng Việt rồi sẽ mai một qua nhiều thế hệ”. Chị Quyên Trần.
Những ngày đầu dạy tiếng Việt tại Úc vô cùng khó khăn, cả việc tìm địa điểm giảng dạy cho đến giáo trình. Thầy cô hầu như “đánh võ tự do”, theo cách giảng dạy cũ trong việc dạy tiếng Việt cho các em, ông Nhương chia sẻ.

Sau này, chương trình ngày một thay đổi theo hướng thực tế, đàm thoại, ngắn gọn, giúp các em hiểu về gia đình, văn hóa và xây dựng kỹ năng giao tiếp trong gia đình.

Những người giữ lửa

Nhu cầu học tiếng Việt ngày một giảm, khi các bậc phụ huynh thế hệ thứ Hai sinh đẻ ở Úc không thể nói tiếng Việt nhiều với các con, áp lực học tập trong trường chính khóa ngày một tăng cũng như chương trình thi VCE chung cho du học sinh và học sinh bản địa khiến các em gặp nhiều trở ngại.

Thế nhưngvới hầu hết cha mẹ, việc giữ gìn tiếng Việt cho con là cái gốc, cái nôi trong cuộc sống hàng ngày.

Chị Trần Hồng Thắm, mẹ của bé Dương Hồng Duyên chia sẻ với SBS niềm tự hào khi con biết thưa gửi ông bà, cha mẹ.

“Khi con đi học về, bé kể chuyện trường lớp bằng tiếng Việt làm tình cảm gia đình như gắn kết hơn. Cháu thường xuyên nói chuyện và mời ông bà đi dự sinh nhật bằng tiếng Việt làm ông bà rất vui”.
“Tiếng Việt mình còn thì bản sắc và văn hóa Việt Nam ở hải ngoại sẽ còn”. Ông Thái Đắc Nhương
Trăn trở của chị Hồng Thắm là khi con càng lớn, thì việc dạy tiếng mẹ đẻ càng khó hơn: “Khi con còn nhỏ, chúng như tờ giấy trắng, dạy rất dễ dàng. Nhưng khi con lớn hơn thì cha mẹ phải thay đổi phương pháp giảng dạy”.

Phương pháp của chị Thắm là tâm sự thường xuyên với con, cho con nghe nhạc Việt và kể chuyện các câu chuyện cổ tích cho con mỗi đêm. Nhờ công sức của cha mẹ, Hồng Duyên thuộc rất nhiều ca dao, tục ngữ và hiểu biết sâu sắc về văn hóa Việt Nam.

Ông Thái Đắc Nhương cho rằng cha mẹ nên khuyến khích hơn là sửa phạt khi con dạy con tiếng Việt

“Khi chấm điểm bài làm cho các em, thấy các em làm sai nhiều quá, tôi không nỡ cho điểm thấp, mà chỉ cho các em sai ở chỗ nào, để các em sửa lại, rồi chấm điểm cao hơn.”.

Chị Quyên Trần, mẹ của bé Xuân Việt cũng có chung tâm sự, chị còn gửi gắm hy vọng tình yêu ngôn ngữ vào tên của con trai.

Chị Quyên chia sẻ ngay từ khi Việt còn bé, chị thường thủ thỉ với con rằng, phải học giỏi tiếng Việt để trò chuyện với mẹ cho tình cảm và để còn có thể trò chuyện với ông bà ngoại của mình ở Mỹ, chị động viên con rằng biết thêm tiếng Việt sẽ giỏi hơn các bạn Tây.

“Có những khi cháu dùng từ sai, mẹ “lấy” con đi thay vì mẹ “giúp” con làm gì đó, hoặc mẹ “bắt” con ở trường thay vì “đón” con. Đó cũng là những kỷ niệm vui khi dạy con học tiếng Việt."
Tiết mục của các em trường Việt ngữ Lạc Hồng tham gia SBS Hội chợ Tết năm 2015

Share