Trung thu, mùa trăng của trí tưởng tượng của ước mơ của chị Hằng và chú Cuội.
Sài Gòn có những phận nghèo cũng mong chờ trung thu để được có những giây phút tạm quên những lo toan, quên đi mưa nắng, quên đi tối nay mình ăn gì và ngủ ở đâu.
Trung thu này cũng như những trung thu hay các dịp lễ lạc khác, họa sĩ Huỳnh Tấn Bảo lại ra đường cùng ca hát và cùng đón những nụ cười lấp lánh sau những ánh đèn lồng trung thu với các em đường phố.
Hỏi xin anh clip về đêm phát quà cho các em tối qua, anh bẽn lẽn và có phần như hối lỗi vì đã không có để mà cho.
Cũng phải thôi, hơn hai mươi năm làm công việc dạy vẽ cho trẻ em cơ nhỡ ở mái ấm Thảo Đàn, một sơ sở phi lợi nhuận dành cho các trẻ em có hoàn cảnh không may, họa sĩ Bảo có bao giờ nghĩ rằng mình sẽ ghi lại hết tất cả hoạt động anh có với các em.
Với anh cuộc đời như dòng chảy, anh cũng như các em đường phố cứ đi với cuộc đời chỉ mong những nhọc nhằn đi qua, cũng chẳng có mấy lúc mà dừng lại để ngắm mình.
Trong câu chuyện vể đêm phát quà trung thu cho trẻ em đường phố, Bảo kể về những ngày gia đình anh lưu lạc từ Quãng Ngãi vào Bà Rịa Vũng Tàu, việc anh phải nghỉ học nữa chừng dù học giỏi, và việc anh trở thành hoạ sĩ và là hoạ sĩ của các trẻ em đường phố như thế nào.
Hoạ sĩ Huỳnh Tấn Bảo (áo xanh) người có gần hai mươi năm dạy vẽ cho các em có hoàn cảnh cơ nhỡ ở mái ấm Thảo Đàn cùng bạn bè vui trung thu với trẻ em nghèo.
Phố thị Sài Gòn đêm trung thu ánh đèn đường thay ánh trăng, lề đường thay vương quốc thần tiên, chú Cuội và chị Hằng lót dép ngồi với trẻ đường phố và cổ tích hiện ra trong những ánh mắt đen và những nụ cười lấp lánh.