Hơn một phần năm người Úc bây giờ nói một thứ tiếng khác ngoài tiếng Anh tại nhà. Cách đây 20 năm thống kê này chỉ có một phần bảy.
Danny Battsog gần đây trở thành một trong nhhững gương mặt bắt đầu quen thuộc ở Úc khi anh từ Mông Cổ qua đây du học.
Chính phủ cho biết con số sinh viên Mông Cổ đã gia tăng nhanh chóng trong những năm qua, hiện tại hơn 2.200 người, từ chỉ có 215 người trong năm 2005.
Danny Battsog giải thích tại sao, "Rất nhiều người Mông Cổ chọn Úc để đi du học. Tôi nghĩ một lần lớn do ảnh hưởng của các kiều dân Úc ở quê nhà và đẳng cấp quốc tế của hệ thống giáo dục cũng như cuộc sống ở Úc."
Danny Battsog mới được nhận vào SBS Radio để sản xuất chương trình tiếng Mông Cổ đầu tiên của đài.
"Người Mông Cổ đến Úc bắt đầu từ năm 2010. Rất nhiều đứa trẻ lớn lên ở Úc cho nên tôi nghĩ cũng là lẻ thường tình khi chúng trở thành 'Mozzies', " Danny dùng tiếng lóng có nghĩa là người Úc gốc Mông Cổ.
Từ khi được thành lập vào năm 1975, SBS Radio đang phát triển đều đặn để bây giờ phát thanh bằng 68 ngôn ngữ khác nhau. Sau mỗi lần thống kê dân số 5 năm 1 lần, đài SBS sẽ xem lại dân số và nhu cầu của các cộng đồng mới để quyết định có mở thêm chương trình mới để phục vụ hay không.
SBS sử dụng một số tiêu chuẩn để xác định nhu cầu của một cộng đồng, ví dụ dân số gia tăng bao nhiêu, trình độ tiếng Anh vì sẽ ảnh hưởng đến việc tiếp cận thông tin về cuộc sống ở Úc.
Tổng cộng SBS có 7 ban ngôn ngữ mới đó là Mông Cổ, Karen, Telugu, Kirundi, Hakha Chin, Tây Tạng và Rohingya.
Giám đốc Nội dung của SBS Radio Mark Cummins giải thích thêm.
"Chúng tôi xem kết quả thống kê dân số mỗi 5 năm một lần và phân tích xem có bao nhiêu người nói một thứ tiếng khác ngoài tiếng Anh. Chúng cũng xem nhu cầu của họ là gì. Một yếu tố quan trọng khác là họ đã ở Úc bao lâu, trình độ tiếng Anh của họ tới đâu."
"Dựa vào các tiêu chuẩn đó chúng tôi xác định nhu cầu của một cộng đồng. Và sau khi xem xét chúng tôi thấy các cộng động nói 7 ngôn ngữ nói trên có nhu cầu cao nhất, cần được trợ giúp để tìm hiểu và hòa nhập vào xã hội mới."
SBS Radio có nhiều chương trình giúp cho việc tái định được thuận lợi, như là Hướng Dẫn Định Cư với những thông tin về các dịch vụ hay văn hóa Úc mà di dân có thể cảm thấy lạ lẫm trong bước đầu mới đến, ví dụ như làm sao để xin bằng lái xe, mở hồ sơ thuế? Hay là thông tin về an toàn sống nước và cháy rừng ở Úc.
Nhân viên mới của ban Kirundi, Mireille Kayeye giải thích cộng đồng của cô sẽ thấy nội dung chương trình rất hữu ích cho họ.
"Hầu hết người Burundi sống ở Úc là người đến theo diện nhân đạo, đa số là người tị nạn trong trại ở Tanzania, chạy thoát cuộc nội chiến và những năm tháng bạo lực ở Burundi."
Nhiều người Tây Tạng cũng đến Úc theo diện tị nạn, trong đó có nhiều tù nhân lương tâm đã từng ở trong tù của Trung Quốc nhiều năm.
Nhân viên mới của Ban Tiếng Tây Tạng, Pema Dolkar, bản thân cũng là một người tị nạn.
"Đa số đã ở tù của Trung Quốc, trong 10, 15 năm, và đa số có con cái ở đây. Với họ rất khó để điều chỉnh cho thích hợp với cuộc sống mới bởi vì những gì đã xảy ra khi họ bị tra tấn trong tù."
"Khi họ mới đến Úc chăm sóc y tế là nhu cầu cần thiết đầu tiên. Người Tây Tạng coi trọng cộng đồng cho nên thường người mới đến sẽ được cộng đồng hỗ trợ nhiều thứ."
Tiến sĩ Alia Imtoal là giám đốc chính sách của Liên Đoàn Các Cộng Đồng Sắc Tộc Úc nghĩ sẽ có lợi nếu người di dân vừa học tiếng Anh vừa tìm hiểu thông tin về nước Úc qua chương trình phát thanh của SBS.
"Chúng tôi ủng hộ việc học tiếng Anh như là một phần quan trọng trong tiến trình tái định cư, nhưng chúng tôi cũng nhìn nhận vai trò quan trọng của các chương trình phát thanh ngôn ngữ bởi vì nó giúp người mới tới tiếp cận những dịch vụ và thông tin thích hợp cho việc bắt đầu cuộc sống mới ở Úc thành công nhất."
"Chúng tôi ủng hộ cả hai chương trnh dạy tiếng Anh và chương trình phát thanh bằng ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh."
Các ban ngôn ngữ Karen, Kirundi, Hakha Chin, Tây Tạng và Mông Cổ sẽ bắt đầu được phát sóng hôm nay 28/5, còn tiếng Rohingya và Tegalu sẽ bắt đầu vào một ngày gần đây.