Nước Úc là một trong những quốc gia giàu ngôn ngữ nhất trên thế giới, với hơn 300 thứ tiếng được người dân sử dụng.
Tuy nhiên các chuyên gia lại khuyến cáo Úc đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng trong việc học ngoại ngữ với tinh thần giáo dục độc tôn văn hóa "chỉ cần tiếng Anh là đủ".
Tâm lý này đã khiến cho nhiều học sinh từ cộng đồng có nguồn gốc đa sắc tộc khi đi học chỉ học mỗi tiếng Anh mà thôi, còn những học sinh nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ cũng gặp khó khăn khi muốn học ngôn ngữ thứ hai trong trường.
"Đơn giản đó là cánh cửa mở ra một nền văn hóa khác, một lối nghĩ khác, mà trong thế giới ngày càng toàn cầu hóa như hiện nay thì việc bạn thích nghi với một lối nghĩ khác rất quan trọng" Juliane Boettger
Ủy ban Thống kê Úc ABS hồi tháng 3 năm nay dẫn số liệu chứng minh 28% dân Úc sinh ra ở ngoại quốc. Vậy mà giới trẻ Úc lại đang mất dần hứng thú học ngoại ngữ.
Số học sinh lớp 12 học ngoại ngữ đã giảm từ 40% trong thập niên 1960 xuống chỉ còn 12%.
Tiến sĩ Nhân học ngôn ngữ Juliane Boettger thuộc trường đại học James Cook cho hay vấn đề nói trên xuất phát từ ý nghĩ về một nền văn hóa độc tôn. Bà nói:
"Tôi nghĩ vấn đề ở đây chính là văn hóa Anglo áp đảo mạnh mẽ tại Úc. Úc mang màu sắc văn hóa của người da trắng. Đa số nói tiếng Anh Úc. Vì vậy hiển nhiên là sẽ có một sự xem nhẹ những ngôn ngữ khác, cũng như đòi hỏi những di dân mới tới Úc muốn hòa nhập thì phải nói tiếng Anh.
"Về phía những người di dân thì tôi nghĩ họ có phần chối bỏ thứ tiếng mẹ đẻ của mình và chỉ nói tiếng Anh với con cái. Và điều này cũng góp phần khiến cho việc học ngoại ngữ tại Úc gặp khủng hoảng."
Cơ quan quốc tế CIA Factbook cho hay chỉ hơn 4% dân số toàn cầu gọi tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ. Điều này có nghĩa là đa số người trên thế giới nói thứ tiếng mẹ đẻ khác ngoài tiếng Anh.
Tiến sĩ Boettger cho hay người Úc có thể đạt được rất nhiều lợi ích nếu chịu học ngoại ngữ. Bà nói:
"Đơn giản đó là cánh cửa mở ra một nền văn hóa khác, một lối nghĩ khác, mà trong thế giới ngày càng toàn cầu hóa như hiện nay thì việc bạn thích nghi với một lối nghĩ khác rất quan trọng."
Nghiên cứu từ tạp chí Khoa Học Thần Kinh Hoa Kỳ cho hay đối với những ai dễ bị mắc bệnh mất trí nhớ thì việc biết nói hai ngôn ngữ còn giúp ngăn được chứng mất trí đến chậm hơn 5 năm so với người bình thường. Tiến sĩ Boettger nói còn nhiều lợi ích khác nữa từ việc học ngoại ngữ:
"Về mặt tâm thần học, đã có nhiều ví dụ cho thấy việc biết hai ngôn ngữ sẽ khiến bộ não ổn định hơn, giúp người ta thoải mái hơn khi phải thích nghi với một nhiệm vụ hoàn toàn mới mẻ hay mỗi khi họ đối mặt với thách thức. Đây là điều rất cần thiết trong thế giới ngày nay với những đòi hỏi ngày càng cao."
Kết quả Kiểm tra dân số hồi năm 2011 cho hay 19% người Úc hơn năm tuổi nói tiếng mẹ đẻ khác tiếng Anh trong gia đình.
Tiến sĩ chuyên ngành đa ngôn ngữ Susana Eisenchlas thuộc trường đại học Griffith cho hay ngôn ngữ mẹ đẻ không phải tiếng Anh mà trẻ em giao tiếp trong gia đình từ nhỏ sẽ mai một dần khi chúng đi học, vì khi đó tiếng Anh chiếm phần lớn trong các giao tiếp của trẻ. Bà nói:
"Có 300 thứ tiếng đang nói tại Úc. Đó là chưa kể ngôn ngữ thổ dân. Vậy mà khi đến trường thì chúng ta chỉ học một thứ tiếng mà thôi.
"Một mặt chúng ta muốn học sinh phải tiếp thu ngôn ngữ này thật giỏi, mặt khác những học sinh vốn có sẵn hai thứ tiếng khi nhỏ, dần dần sẽ mất đi ngôn ngữ yếu thế hơn và cuối cùng chỉ sử dụng chúng ít ỏi trong gia đình mà thôi."
Báo cáo từ Ủy ban Nghiên cứu Giáo dục Úc cho hay hầu như học sinh chỉ có khoảng 35 đến 60 phút học tiếng tại trường mỗi tuần.
Như vậy sau bảy năm tổng cộng các em chỉ học ngoại ngữ được 200 giờ mà thôi. 200 giờ là một khoảng thời gian rất ngắn so với việc một người nói tiếng Anh muốn nói thành thục tiếng Pháp hay tiếng Tây Ban Nha phải mất 600 giờ học. Những ngôn ngữ khó hơn đối với người nói tiếng Anh như tiếng Trung Quốc hay Đại Hàn, họ phải bỏ ra 2,200 giờ học thì mới nói thành thục được, theo Trung tâm Ngoại vụ của chính phủ Hoa Kỳ.
Tiến sĩ Susana Eisenchlas nói các trường học tại Úc cần bố trí thêm nhiều giờ học ngoại ngữ:
"Một tiếng mỗi tuần thì không có giá trị gì cả. Bản thân chúng tôi đến từ một nước không nói tiếng Anh nên chúng tôi hiểu để đạt được trình độ ngoại ngữ nhất định thì rất là khó. Nếu trẻ em được học khoảng ba đến bốn giờ một tuần cộng với việc tạo ra một cam kết học tập thật tốt, thì mọi thứ sẽ bắt đầu thay đổi tích cực hơn nhiều."
Nhận ra nhu cầu cần thiết phải dạy và học ngoại ngữ tại Úc, chính phủ liên bang đặt mục tiêu trước năm 2020, 40% học sinh lớp 12 phải biết một ngoại ngữ.
Một trong những chiến lược chính phủ nhắm đến là sẽ giới thiệu tiếng Arabic, Trung Quốc, Indonesia, tiếng Pháp và Nhật Bản cho các học sinh trước tiểu học thông qua chương trình dạy ngoại ngữ trước tiểu học, còn gọi là ELLA.
Chương trình này sẽ giúp các em nhỏ học ngoại ngữ một cách vui nhộn và dễ dàng tiếp thu nhờ những phần mềm dạy tiếng kết hợp giữa học và chơi trên các thiết bị điện tử.
Chính phủ liên bang cam kết bỏ ra 5.9 triệu Úc kim để khởi động chương trình này vào năm sau.
SBS kết hợp với ban Ngôn ngữ Cộng đồng Úc tổ chức cuộc thi Ngôn ngữ Quốc gia nhằm khuyến khích việc học ngoại ngữ tại Úc. Chi tiết xin tìm hiểu tại .