Cuộc khảo sát trên một ngàn người về đạo đức đầu tư của các ngân hàng Úc, cho thấy ba trong bốn người được hỏi phản đối việc ngân hàng cung cấp các khoản vay cho các công ty có hành động phi đạo đức và họ sẽ xem xét việc thay đổi ngân hàng nếu họ phát hiện ra.
Tổ chức cứu trợ Oxfam Australia nói rằng việc này quan trọng bởi vì bốn ngân hàng lớn nhất của Úc đang tiếp tục sử dụng tiền tiết kiệm của người Úc để đầu tư vào những công ty có liên quan đến việc chiếm đất.
"Oxfam đang thực sự gửi đi thông điệp này đến bốn ngân hàng lớn: Quý vị cần phải minh bạch hơn về các hoạt động đầu tư". Helen Szőke
Oxfarm nói rằng hành động chiếm đất này đang khiến người ta không còn nơi để sống mà chỉ đền bù rất ít hoặc hoàn toàn không đền bù.
Giám đốc điều hành Oxfam Australia bà Helen Szőke cho biết nghiên cứu lần này cung cấp các bằng chứng mới cho thấy các ngân hàng NAZ, Commonwealth Bank, Ngân hàng Quốc gia Úc NAB, và Westpac đều có liên quan.
Bà nói, nghiên cứu chỉ ra mối liên kết giữa bốn ngân hàng lớn này với các công ty tại Campuchia, Brazil và Indonesia đã tham gia vào hoạt động khai thác gỗ bất hợp pháp, đuổi chiếm đất, đền bù không thỏa đáng, bỏ đói công nhân và sử dụng lao động trẻ em.
"Oxfam đang thực sự gửi đi thông điệp này đến bốn ngân hàng lớn, ‘Quý vị cần phải minh bạch hơn về các hoạt động đầu tư’.
“Mục đích của nghiên cứu lần này chúng tôi thực hiện không phải là để khách hàng bỏ bốn ngân hàng lớn mà đi.
“Chỉ đơn giản là gửi đi thông điệp này đến bốn ngân hàng lớn: ‘Khách hàng của quý vị quan tâm về điều đó, và nếu họ biết ra rằng các hoạt động đầu tư của quý vị đang làm cho người ta trở thành những người vô gia cư và khiến người ta rơi vào cảnh nghèo đói, chúng tôi nghĩ rằng khách hàng của quý vị quan ngại, và chuyện đó đủ để họ có khả năng chuyển qua ngân hàng khác’." Bà nói.
Oxfam Australia cho biết, mặc dù bốn ngân hàng lớn tuyên bố rằng họ đã giải quyết vấn đề này, nhưng không có ngân hàng nào thực hiện đầy đủ.
Oxfam cho biết vụ cưỡng chiếm đất bị đưa ra ánh sáng hai năm trước đây tiếp tục tàn phá cuộc sống của những người dễ bị tổn thương.
Phúc trình cho biết vụ việc khiến các cộng đồng tan rã, gia tăng số lượng người vô gia cư và nghèo đói, làm giảm đáng kể mức sống của người dân.
Tiến sĩ Szőke nói rằng người Úc đang nhận ra họ có quyền yêu cầu các ngân hàng hoạt động một cách có trách nhiệm.
Bà cho biết trong hai năm qua, 20 ngàn người Úc đã ký thỉnh nguyện thư kêu gọi không khoan dung cho việc chiếm đất, và thêm 18 ngàn trực tiếp viết thư cho các ngân hàng của họ.
"Đây chỉ là những con số tương đối khiêm tốn, trong những diễn biến như thế này, một phần là do khách hàng thực sự không thể nhìn thấy những gì các ngân hàng của họ đang làm, khách hàng không hiểu những gì đang diễn ra trong các bước của hoạt động đầu tư.
“Họ là những con người thật, các cộng đồng tại Campuchia, ở Papua New Guinea, Brazil và Indonesia nói đi cùng một điều: 'Chúng tôi đang phải chịu những ảnh hưởng bất lợi, và khi người Úc bỏ tiền của họ trong bốn ngân hàng lớn nghe những câu chuyện này, chúng tôi cảm thấy họ sẽ gay gắt hơn trong yêu cầu của họ, đòi các ngân hàng của họ phải thực sự cư xử một cách đạo đức."
Simon O'Connor là giám đốc điều hành của Hiệp hội Đầu tư có trách nhiệm Úc (Responsible Investment Association Australasia).
Ông nói rằng gần đây đã có một sự gia tăng về mối quan tâm của người tiêu dùng trong chuyện tiền của họ được gửi ngân hàng và đầu tư ra sao.
“Điều này cụ thể là có liên quan đến ngân hàng và các quỹ hưu trí, vì vậy chúng ta đang nhìn thấy rất nhiều câu hỏi từ khách hàng đặt ra đối với những tổ chức tài chánh này, để hiểu rằng, liệu số tiền tiết kiệm cả đời của họ, hay các khoản tiền gửi của họ, đang tạo ra một tác động tích cực hay tiêu cực đối với xã hội và môi trường.
“Tôi nghĩ rằng, chắc chắn rằng, người Úc đang quan tâm, và ngày càng quan tâm về những vấn đề này."
Ông O'Connor nói rằng mức độ tham gia của người gửi tiền sẽ tiếp tục gia tăng cùng với làn sóng của mạng xã hội.
"Chắc chắn là vậy, chúng tôi biết rằng có rất nhiều tổ chức Phi Chính Phủ đang tạo điều kiện làm điều đó, và có hơn cả triệu người Úc đang là thành viên của những tổ chức này, khoảng 20 tổ chức Phi Chính Phủ hiện đang nhắm mục tiêu vào các tổ chức tài chánh...
“Vì vậy, chúng tôi biết điều đó làm cho việc tìm đến các tỗ chức tài chánh này trở nên dễ dàng hơn. Tôi thực sự nghĩ rằng, đây là một trường hợp, chúng ta sẽ thấy một sự dân chủ hóa ngày càng gia tăng trong nguồn vốn đầu tư, nghĩa là người góp tiền vào đó về căn bản, có sự hiểu biết và tham gia vào việc tiền của họ được sử dụng đầu tư như thế nào.
“Và tôi nghĩ rằng, việc này nhất thiết dẫn đến một sự thay đổi, theo hướng tiếp cận một cách đạo đức hơn cho cả hai hoạt động, tiền được gửi ngân hàng và đầu tư". Ông nói.
Bà Helen Szőke đang kêu gọi các ngân hàng cam kết không khoan dung trước việc chiếm đất.
Bà nói rằng nó bao gồm cả việc minh bạch về liên kết của họ trong những thỏa thuận đất trồng trọt chăn nuôi, cam kết gia tăng sự tích cực, ủng hộ tài chánh có trách nhiệm, và hỗ trợ tư pháp cho các cộng đồng bị ảnh hưởng.
Bà nói rằng mọi chuyện đang bắt đầu khi người Úc nâng cao nhận thức của họ về nơi tiền của họ đi đến và người ta làm gì với đồng tiền đó.
"Tôi nghĩ rằng đây là một bước chuyển đổi lớn, khi người dân Úc quan tâm nhiều hơn đến những gì xảy ra với bốn ngân hàng lớn của họ, đặc biệt là khi quý vị biết rằng có hàng nghìn tỷ đô la của quỹ hưu trí và hàng triệu đô la đầu tư của người dân Úc đang ở trong những ngân hàng này." Bà nói.