Victoria đã bị chia cách với phần còn lại của nước Úc, sau khi ghi nhận số ca nhiễm kỷ lục. NSW sẽ đóng cửa biên giới với Victoria lần đần tiên sau một thế kỷ vào đêm nay thứ Ba, lúc 11.59 phút.
Quá trình quản lý việc đóng cửa biên giới do phía NSW thực hiện, để không làm hao tổn nhân lực của tiểu bang Victoria, vốn đang dồn hết sức để chống trả coronavirus khỏi bị lan rộng thêm nữa.
Hành khách này đã đến Sydney trên chuyến tàu XPT – chuyến cuối cùng nối giữa Melbourne và Sydney, trước khi bị ngưng hoạt động vào đêm nay.
‘Tôi đã ở đây bởi vì tôi thật sự gặp may, tôi đặt vé từ trước đó rất lâu, trước khi biết về lệnh phong tỏa, nhưng tôi vẫn lo lắng lắm vì sau khi xong việc tôi cần phải quay trở về Melbourne, mà tôi không biết tôi có thể quay về được không nữa.’
Có nhiều câu hỏi đặt ra liệu việc đóng cửa biên giới giữa các tiểu bang có hợp hiến không.
Điều 92 của Hiến pháp Úc vốn ủng hộ sự đi lại tự do giữa các tiểu bang, tuy nhiên vẫn có các trường hợp ngoại lệ, một trong số đó là bảo vệ sức khoẻ cộng đồng. Phó giáo sư Luke Beck, thuộc Khoa Luật tại trường đại học Monash nói:
‘Có một điều khoản trong hiến pháp Úc nói rằng việc giao lưu giữa các tiểu bang là hoàn toàn tự do, giao lưu ở đây có nghĩa là tự do đi lại giữa các tiểu bang của Úc. Tuy nhiên tòa án tối cao nói rằng những từ trong hiến pháp như “hoàn toàn tự do” không phải thật sự là tự do 100%. Mà tòa án tối cao chấp nhận trong một vài trường hợp, sự ngăn sông cấm chợ có thể xảy ra ở các biên giới. Tuy nhiên để sự phong tỏa được hợp hiến, thì các giới hạn đi lại này cần phải đạt được lý do pháp lý rõ ràng, đó là thực sự cần thiết để bảo vệ sức khỏe cộng đồng’.
Giáo sư Beck nói kể từ khi Hiến pháp Úc được soạn vào năm 1901, từng có vài trường hợp liên quan đến Điều 92, tuy nhiên tính chất của chúng ít phức tạp hơn lần này, chủ yếu các trường hợp trong quá khứ liên quan đến vấn đề thương mại và áp dụng phí lưu thông biên giới.
Giáo sư Beck nói chưa có trường hợp nào đệ lên tòa án tối cao từng có liên quan tới một đại dịch toàn cầu, và vì vậy lần này tòa án tối ao có toàn quyền phán quyết liệu việc đóng cửa biên giới có cần thiết hay không, tuy nhiên đến lúc mà vụ việc này đến tay tòa án tối cao, thì có lẽ các giới hạn Covid-19 đã được dở bõ mất rồi.
Ông nói có rất ít nghi ngờ rằng tòa án tối cao sẽ chấp nhận mối đe dọa sức khỏe cộng đồng, đại dịch toàn cầu luôn là một nguyên nhân hợp lý để các tiểu bang thực thi các biện pháp phong tỏa biên giới.
‘Mọi hành động lần này được thực thi theo luật tiểu bang, và dường như không có luật pháp liên bang nào cho phép chính phủ liên bang có thể can thiệp và thay đổi các quy tắc do tiểu bang đặt ra. Có lẽ đến lúc này quốc hội liên bang sẽ cố gắng thông qua một đạo luật nhằm thay đổi quy định này, nhưng trước khi luật mới được áp dụng, thì có lẽ chúng ta đã đi qua chuyện này rồi. Trong điều kiện thực tế, nếu chính phủ liên bang có vấn đề gì với những quy định do tiểu bang đặt ra, thì tốt hơn là nên giải quyết thông qua một quy trình của nội các quốc gia, thông qua các cuộc thảo luận và tham vấn thay vì đe dọa rằng liên bang chúng tôi sẽ thiết kế một đạo luật để vượt qua quý vị. Mà dù sao thì để làm xong cũng mất rất nhiều thời gian’.
Đã xảy ra tranh chấp giữa chính phủ tiểu bang và liên bang về việc một vài nơi đóng cửa biên giới có thật sự cần thiết không.
Giám đốc điều hành Tập đoàn Kỹ nghệ Úc Innes Willox nói việc đóng cửa biên giới giữa NSW và Victoria sẽ dẫn đến sự hỗn loạn và khiến kinh tế Úc càng khó phục hồi sau đại dịch.
Ý kiến này đưa ra sau khi chính phủ liên bang lo ngại về việc các tiểu bang liên tiếp đóng cửa biên giới của mình. Biên giới Queensland ngăn cấm người từ NSW đi vào, bị dư luận chỉ trích là vô lý vì không cần thiết. Những hậu quả chính trị lâu dài liên quan tới quyết định đóng cửa biên giới đến nay vẫn chưa xác định.
Tuy nhiên theo tiến sĩ Zareh Ghazarian, giảng viên Chính trị học thuộc trường đại học Monash, thì điều nổi lên trong cuộc khủng hoảng các đường biên giới lần này chính là vấn đề các tiểu bang và liên bang kết hợp chặt chẽ đến đâu để chiến đấu với dịch bệnh.
‘Tôi cho rằng họ không còn lựa chọn nào khác, hoặc có rất ít sự lựa chọn. Điều này càng thấy rõ hơn trong những phúc trình và tuyên bố của các Thủ hiến. Quyết định này do chính Thủ tướng và hai Thủ hiến cùng lập ra. Vì vậy có lẽ đây là hành động họ cùng nhau thực hiện nhằm ngăn chặn sự lây lan của coronavirus. Tôi nghĩ tương lai sau này chính trị Úc sẽ dựa vào các quyết định trên tinh thần hợp tác mà không phải là những hành động pháp lý áp đảo, làm những gì họ muốn bằng mọi giá.’
Và quý vị có thể cập nhận tin tức mới nhất về coronavirus bằng tiếng việt tại sbs.com.au/coronavirus