Chị Sophia, một người mẹ gốc Việt ở Sydney, đã từng mắc phải và sớm vượt qua được chứng trầm cảm sau sinh bằng nỗ lực của bản thân và sự giúp đỡ của người thân cũng như bác sĩ tâm lý.
Để chuẩn bị sinh con đầu lòng vào năm 35 tuổi, chị Sophia tự trang bị cho mình một lượng kiến thức khá đầy đủ về việc mang thai và sinh con. Bản thân chị cảm thấy tự tin về sức khỏe và tâm lý của mình, nên chị chưa từng nghĩ rằng mình sẽ mắc chứng trầm cảm sau sinh.
Vì muốn sinh con ở quê nhà và được mẹ ruột chăm sóc, nên chị Sophia được chồng đưa về Việt Nam trước khi chị sinh. Hai ngày sau khi đón thiên thần nhỏ của mình chào đời bằng phương pháp sinh mổ, chị vẫn chưa có sữa cho con. Kể từ lúc đó chị đã bắt đầu trở nên buồn bã vì cảm thấy bản thân vô dụng, cảm thấy có lỗi với con, vì sinh con mà không có sữa để nuôi con.
Tuy nhiên cảm giác u buồn của chị không quá nhiều và chị được chồng cũng như người thân chăm sóc rất chu đáo. Đến khi chị ra viện thì mọi việc vẫn diễn ra bình thường, nhưng chị cảm thấy mất tự tin hơn trước rất nhiều. Chị thực sự không dám bước ra khỏi nhà. Chị sợ gặp cả những người hàng xóm và không dám giao tiếp với bạn bè. Đó là những dấu hiệu đầu tiên khiến chị thoáng nghĩ đến khả năng bị trầm cảm sau sinh.
Khi đó gia đình chị cứ nghĩ rằng tâm trạng buồn chán của người mẹ mới sinh con có thể là điều bình thường, và không ai nói gì về vấn đề đó.
Đến khi em bé tròn 1 tháng tuổi thì chồng chị Sophia phải trở về Úc để tiếp tục công việc. Chị và con trai ở lại quê nhà để mẹ ruột chăm sóc đến khi cứng cáp hơn. Đó cũng là lúc trạng thái u buồn và chán ghét bản thân của chị trở nên trầm trọng hơn. Chị cảm thấy suy sụp và bắt đầu khóc không thể kiểm soát được, khóc mọi lúc mọi nơi, khóc mà không biết lý do tại sao khóc.
Gia đình chị bắt đầu cảm thấy sự bất thường ở chị, và càng quan tâm chị nhiều hơn. Vào những lúc tâm trạng bình ổn, chị suy nghĩ về những biểu hiện của mình và so sánh với những gì đã đọc qua sách báo. Chị quyết định nói chuyện với gia đình và nhờ gia đình giúp đỡ. Người thân của chị khi đó chưa biết nhiều về chứng trầm cảm sau sinh, nhưng vẫn luôn ở bên cạnh để ủng hộ, an ủi, chia sẻ và luôn tìm cách để thấu hiểu chị.
Chị Sophia biết rằng mỗi người phụ nữ có thể biểu hiện trầm cảm sau sinh ở những mức độ khác nhau. Và chị cảm thấy may mắn vì chị không hề có ý muốn hoặc là có dấu hiệu làm hại con. Chính vì tình thương con mà chị quyết định tìm đến bác sĩ tâm lý.
Sau khi xác định là chị đã mắc chứng trầm cảm sau sinh, bác sĩ hướng dẫn chị phương pháp trị liệu tại nhà. Vì biểu hiện bệnh của chị chưa đến mức trầm trọng, nên chị chưa cần dùng thuốc. Lời khuyên của bác sĩ là là tất cả phụ nữ trong trường hợp này đều phải phấn đấu tự vượt qua, bản thân nỗ lực là chính, chứ không thể dựa hoàn toàn vào bác sĩ hoặc là gia đình.
Quá trình vượt qua trầm cảm sau sinh của chị kéo dài khoảng 6 tháng. Trong suốt thời gian đó, chị luôn có người thân ở bên cạnh, vừa để trông chừng chị, vừa để động viên, giúp đỡ chị. Mỗi khi khóc, mẹ chị vẫn ngồi bên cạnh để nhìn chị khóc, cứ để chị khóc cho thỏa lòng. Chồng chị từ xa gọi điện về mỗi ngày hai, ba lần để an ủi, nói chuyện với chị rằng chị phải cố gắng sống, phải thương con, phải phấn đấu vì con.
Theo lời khuyên của bác sĩ, chị làm tất cả những việc gì khiến bản thân cảm thấy vui, chẳng hạn như buổi sáng ra sân ngắm một bông hoa, nghe một bản nhạc yêu thích, vẽ những gì mình thích, hoặc là ăn món ưa thích. Tất cả những điều nhỏ đó góp nhặt lại đã giúp chị dần dần trở nên phấn chấn hơn, yêu bản thân mình hơn.Để giúp chị tập tiếp xúc trở lại với thế giới bên ngoài, gia đình đã giúp chị giữ em bé, để chị có ít thời gian cho ra ngoài gặp bạn bè, hoặc là đưa cả hai mẹ con đi chơi ở công viên, đi mua sắm… Gia đình tạo mọi điều kiện để chị có thể lấy lại tinh thần, mặc dù lần đầu tiên ra ngoài thì chị cảm thấy rất sợ mà không rõ nguyên nhân.
Chị Sophia bên cạnh chồng và con trai. Source: Supplied
Sau khoảng 3 tháng, chị dần dần lấy lại được cân bằng. Việc chăm sóc con hàng ngày cũng đem lại cho chị niềm vui lớn, khi em bé bắt đầu cười và bập bẹ phát ra những âm thanh đầu đời. Con của chị chính là động lực để chị vượt qua trầm cảm, bởi vì chị luôn mong muốn con có được môi trường sống tốt, có tâm lý phát triển tốt.
Nhờ sự động viên, giúp đỡ của người thân, và quan trọng là nhờ nỗ lực của bản thân mà chị Sophia đã cố gắng vượt qua cơn trầm cảm. Khi em bé được khoảng 6 tháng tuổi thì chị gần như hồi phục hoàn toàn. Chị nhận thấy rằng trong giai đoạn trầm cảm sau sinh thì sự thấu hiểu của những người thân bên cạnh là vô cùng quan trọng.
Chia sẻ về trải nghiệm của mình, chị Sophia nói rằng trước khi mang thai hoặc trong lúc mang thai thì các bà mẹ nên tìm hiểu trước về trầm cảm sau sinh. Điều đó sẽ giúp những người mẹ mới sinh con nếu chẳng may bị trầm cảm thì sẽ có thể phát hiện sớm, chữa trị sớm để tránh những hậu quả đáng tiếc và cơ hội hồi phục sẽ nhanh hơn.
Mời quý vị nghe thêm chia sẻ của chị Sophia trong phần Audio.