Nuôi con ở Úc: Mẹ tự biên soạn sách dạy tiếng Việt cho con

Bộ sách dạy tiếng Việt cho bé do chị Lâm Anh Đào biên soạn

Bộ sách dạy tiếng Việt cho bé do chị Lâm Anh Đào biên soạn Source: Lam Anh Dao

Với ước mong giữ tiếng Việt cho 5 người con của mình, chị Lâm Anh Đào sống tại Melbourne đã biên soạn một cuốn sách dạy tiếng Việt cho con. Đến nay, đây trở thành nguồn tài liệu quý giá cho những người nước ngoài muốn học tiếng Việt một cách hiệu quả.


Sách tiếng Việt cho con

Là tác giả của nhiều cuốn sách dạy nấu ăn được nhiều chị em nội trợ yêu thích tại Việt Nam, ít ai biết chị Lâm Anh Đào còn biên sọan một cuốn sách dạy tiếng Việt tại Úc.

Ban đầu, cuốn sách này là giáo án do chị tổng hợp để tự dạy cho con của mình. Sau đó, chị được nhiều trường học mời hợp tác để sử dụng bộ sách này giảng dạy cho người nước ngoài muốn học tiếng Việt.

Trả lời phỏng vấn với SBS, chị Anh Đào nhấn mạnh dạy tiếng Việt tại Úc là một quá trình gian nan, phụ thuộc vào mối quan hệ và sự ảnh hưởng của một đại gia đình.

Chồng của chị Anh Đào sang Úc khi còn rất nhỏ nên không giỏi tiếng Việt. Nhưng cả hai đều đồng lòng rằng gìn giữ tiếng mẹ đẻ cho con là một lợi thế.

“Chúng ta đang sống trong một đất nước đa sắc tộc. Mình hướng con gìn giữ tiếng Việt để con có thể tận dụng trong cuộc sống, công việc sau này. Mình bắt đầu dạy con một cách bài bản từ khi con 4 tuổi”.

Cả 5 người con của chị Anh Đào đều có thể đọc, nói và viết tiếng Việt rất rành rẽ. Theo chị Anh Đào, cần phải dạy con những kỹ năng căn bản khi học một ngôn ngữ mới.

“Tiếng Việt tay đổi rất nhiều theo thời gian, từ khi hình thành chữ quốc ngữ. Với sự thay đổi đó, mình áp dụng phương pháp cũ và mới. Ngày xưa chỉ có 23 chữ cái nhưng hiện nay có đến 29 chữ cái.”
Một trang trong sách dạy tiếng Việt do chị Lâm Anh Đào biên soạn
Một trang trong sách dạy tiếng Việt do chị Lâm Anh Đào biên soạn Source: Lam Anh Dao
Học sao để không nhàm chán

Xuất phát từ nhu cầu giữ tiếng Việt cho 5 người con của mình, chị Anh Đào tự tạo ra một phương pháp dạy tiếng Việt riêng, mà theo chị là “không nhàm chán, dễ dàng, tạo hứng thú cho con trẻ và giảm đi sự rườm ra”.

“Mình thực hiện bộ sách một cách ngẫu nhiên, lên chương trình từ cách giảng dạy. Các trung tâm dạy tiếng Việt và các trường đại học có môn tiếng Việt mời hợp tác. Do đó, cuốn sách bây giờ không chỉ dừng lại ở việc giúp cho con mình mà còn cho những học sinh quốc tế khác.

Học ngôn ngữ còn là học văn hóa, tìm hiểu di sản và nét đẹp truyền thống của một quốc gia.

“Trong đó, có 100 bài văn mẫu cho 5 thể loại văn khác nhau. Khi các con chọn tiếng Việt để thi VCE, các con có thể học thêm được nhiều kiến thức mới khi đọc các bài văn này với các thể loại khác nhau.

Mình hạ thấp hình thức để con cảm thấy hứng thú khi học. Cho con tham gia các sinh hoạt của cộng đồng người Việt để con có thể giao tiếp thêm”.
Có 100 bài văn mẫu cho 5 thể loại văn khác nhau. Khi các con chọn tiếng Việt để thi VCE, các con có thể học thêm được nhiều kiến thức mới khi đọc các bài văn này với các thể loại khác nhau.
Cuốn sách chia làm nhiều phần, ví dụ từ lớp mẫu giáo đến lớp 2 tập trung vào việc nhìn và nhận biết được mặt chữ.

“Khi các con học đến chữ cái nào thì tập ghép vần với những chữ cái đã biết. Các con không đợi đến lúc học hết 29 chữ cái mà dựa vào các chữ cái đã biết để ghép thành từ. Ví dụ như B với A sẽ có chữ ba, bà, bạ.

Sách học tiếng Việt chú trọng vào việc ghép vần cho trẻ.
Sách học tiếng Việt chú trọng vào việc ghép vần cho trẻ. Source: Lam Anh Dao
Học tiếng Việt: cha mẹ đóng vai trò trung tâm

Các con của chị Lâm Anh Đào ngoài những giờ học tiếng Việt với mẹ, vẫn đến các trường dạy tiếng Việt cộng đồng vào mỗi sáng thứ Bảy hàng tuần. Theo chị Anh Đào đây là môi trường để các con giao tiếp và thực hành những điều đã học

“Đây là cơ hội để các con có thêm bạn bè người Việt và nói chuyện, điều rất quan trọng khi học ngôn ngữ mới”.

Tuy nhiên chị Anh Đào cho rằng chỉ hai tiếng mỗi tuần là không đủ để dùng tiếng Việt rành rẽ.

“Ngôn ngữ tiếng Việt rất phức tạp. Trong 2 tiếng đó, giáo viên không thể dạy tận tình cho 20 em một cách chu đáo hết được. Cha mẹ phải nỗ lực để hỗ trợ cho giáo viên và dạy thêm cho con, dành thời gian để xem bài vở và dạy thêm ở nhà cho con. Quan trọng là cha mẹ phải nhẫn nại”.

Chị Anh Đao chia sẻ các sai lầm thường thấy khi cho con học tiếng Việt.
Trong hai tiếng tại lớp tiếng Việt, giáo viên không thể dạy tận tình cho 20 em một cách chu đáo hết được. Không sống gần cộng đồng người Việt, các con vẫn có thể học tiếng Việt được.
“Nhiều cha mẹ có suy nghĩ là cho con học tiếng Việt sớm thì con sẽ không học được tiếng Anh và quên mất tiếng Anh.

Những gia đình không sống gần các khu có cộng đồng người Việt để tham gia sinh hoạt cộng đồng vẫn có thể dạy cho con tiếng Việt.

Đừng nghĩ rằng không sống gần khu người Việt thì con không biết được tiếng Việt hoặc văn hóa Việt. Mình hãy tạo điều kiện cho con để con có cơ hội học và thực hành. Mình rất hay đưa con trai lớn đến nơi làm việc để con gặp gỡ các sinh viên quốc tế nói tiếng Việt và thực hành.

Mời quý vị nghe phỏng vấn với khách mời trong audio.
Chị Anh Đào chia sẻ việc dạy tiếng Việt cần nhiều nỗ lực của cha mẹ, không thể chỉ phó thác cho các trường ngôn ngữ cộng đồng.
Chị Anh Đào chia sẻ việc dạy tiếng Việt cần nhiều nỗ lực của cha mẹ, không thể chỉ phó thác cho các trường ngôn ngữ cộng đồng. Source: Lam Anh Dao

Share