Hồi tuần qua chính phủ liên bang hứa hẹn cấp một ngân khoản là 4 triệu đô la để nghiên cứu về tính khả thi, trong việc thiết lập một nhà máy điện chạy bằng than đá, tại Collinsville thuộc phía bắc Queensland.
Việc nầy nêu bật những chia rẻ trong Liên đảng, với một số chính trị gia đảng Quốc gia đẩy mạnh việc quan tâm nhiều hơn đến than đá, trong khi các đảng viên ôn hòa của đảng Tự do, muốn có hành động mạnh mẽ hơn về năng lượng tái tạo.
Các nhà phân tích cho rằng, nước Úc là một trong các quốc gia phát triển sau cùng, có những cuộc tranh luận như vậy.
“Trong số các quốc gia phát triển, nước Úc là một trong số các nước muốn tự mình xây dựng các nhà máy phát điện chạy bằng than đá, trong khi hầu hết các quốc gia khác đều đi theo một con đường khác”, Simon Nicholas.
Đó là ông Simon Nicholas, một phân tích gia thuộc Viện Phân tích Tài chính và Kinh tế về Năng lượng, gọi tắt là EEFA.
Theo các dữ liệu của trang mạng Theo dõi các Nhà máy điện Than Đá Toàn cầu, thì nước Úc có 19 nhà máy đang hoạt động và không có nhà máy nào đang xây dựng.
Trang mạng nói trên cho thấy, chỉ có 4 quốc gia được Liên hiệp quốc định nghĩa là có nền kinh tế phát triển, hiện có các dự án nhà máy điện chạy bằng than đá đang được xây dựng, đó là Nhật bản với 14 nhà máy, Ba Lan 4, Nam hàn 4 và Đức có 1.
Ông Nicholas nói rằng kỹ nghệ than đá của Úc, có nhiều ảnh hưởng về mặt chính trị.
“Nước Úc là quốc gia xuất cảng quan trọng về than đá, đứng hàng thứ hai trên thế giới sau Indonesia".
"Kỹ nghệ khai thác than đá có nhiều ảnh hưởng lên các chính phủ tại đất nước nầy".
"Nhiều chuyện vận động xảy ra ở hậu trường chính trị, trong khi đó, nếu chúng ta nhìn vào Anh quốc, thì có ít áp lực lên các chính phủ để giữ cho kỹ nghệ nầy sống còn”, Simon Nicholas.
Việc loại trừ năng lượng than đá được xem là quan trọng, trong việc hạn chế hiện tượng nóng ấm toàn cầu xuống dưới 1,5 độ bách phân.
Các mục tiêu trong Hiệp định Khí Hậu Paris của Úc đã bị chỉ trích vì quá thấp, từ 26 đến 28 phần trăm thải khí, so với mức độ cuả năm 2005 và sẽ đạt được vào năm 2030.
Việc do dự của Úc trong việc giảm bớt xuất cảng than đá, cũng đi ngược lại các nền kinh tế phát triển khác như Đức, Pháp, Anh và Tây ban Nha, mỗi nước đã cam kết loại bỏ than đá chậm nhất là vào năm 2038.
Ông Martin Zavan là một nhà vận động thuộc nhóm Greenpeace, tại Thái bình Dương của Úc.
“Xây dựng một nhà máy điện chạy bằng than đá là hoàn toàn không thể so sánh được, với những cam kết của Úc theo Hiệp định Paris".
"Chúng ta đều biết than đá là hình thức số 1 của biến đổi khí hậu và cũng bị xem là góp phần vào cuộc khủng hoảng cháy rừng, đã có quá nhiều người Úc trên khắp nước đã trải qua muà hè kinh khủng nầy".
"Than đá là một tác nhân gây tổn hại không chỉ về khí hậu, mà còn về phẩm chất không khí của cuộc sống, qua nạn ô nhiễm không khí trầm trọng vừa qua”, Martin Zavan.
Nước Úc chỉ chiếm 1,3 phần trăm trong lượng thải khí toàn cầu, thế nhưng các cuộc phân tích khác nhau ước lượng con số đó gia tăng tại bất cứ nơi nào, từ 3,3 cho đến 5 phần trăm, một khi việc thải khí từ xuất cảng được tính đến.
Theo công ty tham vấn về năng lượng toàn cầu Enerdata, thì Úc là quốc gia sản xuất than đá đứng hàng thứ tư trên thế giới, vào năm 2018.
Mức sản xuất trong năm đó chỉ bị đánh bại, do các nước như Trung quốc, Ấn độ và Hoa kỳ, trong khi chẳng có nhà máy điện chạy bằng than đá mới nào được xây dựng tại Mỹ.
Bất chấp việc Tổng thống Donald Trump trở thành ủng hộ viên nhiệt thành cho kỹ nghệ than đá, có 8 công ty than đá tại Mỹ đã phá sản năm 2019 và ít nhất 50 nhà máy đã đóng cửa, kể từ khi ông Trump lên nhậm chức hồi năm 2017.
Cũng ông Simon Nicholas cho biết.
“Các nhà máy điện chạy bằng than đá tại Mỹ đang bị đóng cửa, theo một mức độ hoàn toàn không thể tưởng được".
"Trong khi đó, có nhiều ngành năng lượng tái tạo đang được xây dựng và nguồn cung cấp khí đốt nội địa rất rẻ, sẵn sàng qua mặt các nhà máy điện chạy bằng than đá, vốn không còn có thể sống còn về mặt kinh tế được nữa”, Simon Nicholas.
"Điều đó có nghĩa là chi phí cho việc tài trợ các nhà máy điện đó hiện tăng giá thêm nữa”, Simon Nicholas.
Trong khi đó, các quốc gia có nhiều dự án về mỏ than đá hiện được xây dựng là Trung quốc với 105 mỏ, Ấn độ 31, Indonesia 14 và Việt Nam là 8.
Mỗi nước nói trên trừ Nhật bản, đều có nguồn tài nguyên lớn lao về than đá và được Liên hiệp quốc xem là các nước đang mở mang.
Ông Martin Zavan thuộc nhóm Greenspeace nói rằng, nước Úc tỏ ra lỗi thời so với các nước phát triển khác trên thế giới.
“Nước Úc là một quốc gia phát triển và chúng ta nên so sánh với các quốc gia phát triển tương tự".
"Nước Mỹ nơi Tổng thống Donald Trump cỗ võ cho than đá một cách mạnh mẽ, thế nhưng không xây dựng một nhà máy phát điện bằng than đá nào cả, trong thời gian ông cầm quyền".
"Than đá là đắt đỏ và không thể lệ thuộc vào được. Các mỏ than cũ kỷ của chúng ta bị hư hại dưới sức nóng và với khí hậu được tiên đoán sẽ nóng hơn, khi thời tiết nầy sẽ trở nên thường xuyên hơn”, Martin Zavan.
Trong khi đó, chính phủ liên bang do dự trong việc cắt đứt các quan hệ với kỹ nghệ than đá, do vai trò của nó trong nền kinh tế.
Nước Úc xuất cảng 210 triệu tấn than trong năm tài chính 2018-2019, trị giá đến 26 tỷ đô la.
Thủ tướng Scott Morrison lập luận rằng, ông không muốn cắt giảm quan trọng trong kỹ nghệ than đá, vốn sử dụng đến 50,400 nhân công vào tháng 11 năm 2019.
“Những gì chúng ta cam kết là phải thực hiện, đó là giảm bớt thải khí và giảm theo cách thức như tôi đã trình bày, đó là bảo đảm rằng chúng ta bảo vệ người dân Úc khỏi các mục tiêu đầy nguy hiểm, từ cách chính sách liều lĩnh có thể phá hủy cuộc sống, lợi tức, các thị trấn và vùng miền của chúng ta”, Scott Morrison.
Các quốc gia mua phần lớn số than xuất cảng của Úc trong năm 2018-2019 là Nhật bản 45 phần trăm, Trung quốc 16 phần trăm và Nam hàn 15 phần trăm, theo phúc trình của chính phủ liên bang.
Thế nhưng với các nước nói trên tìm cách gia tăng mức sản xuất than nội địa của họ, người ta cho rằng họ sẽ mua ít than đá của Úc hơn trong tương lai.
Ông Nicholas cho biết, các doanh nghiệp lớn cùng những nhà quản lý trên thế giới cũng bắt đầu tránh né than đá, khiến cho các công ty trong ngành nầy cảm thấy khó khăn để tài trợ các dự án mới.
“Tại Viện Phân tích về Tài chính và Kinh tế cùa Năng lượng gọi tắt là IEEFA, chúng ta có một danh sách hiện nay gồm 126 cơ sở tài chính quan trọng, hiện không còn tài trợ hay bảo hiểm cho than đá và con số nầy gia tăng hầu như trên căn bản hàng tuần".
"Việc nầy gây thêm khó khăn và vì vậy thêm đắt đỏ, để bảo hiểm cho mỏ than hay một nhà máy điện chạy bằng than đá".
"Điều đó có nghĩa là chi phí cho việc tài trợ các nhà máy điện đó hiện tăng giá thêm nữa”, Simon Nicholas.
Trong khi đó, tân Tổng trưởng về Năng lượng là ông Keith Pitt hồi tuần qua cho rằng, cuộc nghiên cứu tính khả thi trị giá 4 triệu đô la, đối với dự án nhà máy điện chạy bằng than đá tại Collinsville, là số tiền chi tiêu đúng đắn.
Chính phủ mô tả nhà máy được đề nghị là rất hữu hiệu, nhưng lại ít thải khí.
Thêm thông tin và cập nhật Like
Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại
Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại