Hoa kỳ cảnh báo rằng các phi đạn của chế độ Bình Nhưỡng ngoan cố sẽ sớm có thể tấn công mọi nơi trên thế giới bằng nguyên tử.
.Diễn biến vụ thử nghiệm hỏa tiễn của Bắc hàn ra sao?
-Vào sáng sớm nay giờ Đông bộ Úc châu, Bắc hàn đã bắn một hỏa tiễn liên lục địa bay về hướng Nhật bản trong gần một tiếng đồng hồ và sau đó rơi vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật.
Hỏa tiễn nói trên có lẽ bắn từ một dàn phóng lưu động gần Bình Nhưởng và là vụ phóng đầu tiên của Bắc hàn, sau vụ bắn hỏa tiễn qua biển Nhật bản hồi giữa tháng 9 vừa qua.
Sau khi Bắc hàn bắn hỏa tiễn với nhịp độ khoảng 2 hay 3 hỏa tiễn một tháng hồi tháng 4 năm nay, Bắc hàn ngưng lại vào cuối tháng 9, sau khi đã bắn một hỏa tiễn bay ngang hòn đảo Hokkaido phía bắc Nhật bản, vào ngày 15 tháng 9.
Được biết hỏa tiễn sáng nay đã lên cao độ 4 ngàn kí lô mét và đây là độ cao nhất của bất cứ hỏa tiễn của Bắc hàn nào từ trước đến nay và bay trong 50 phút, trước khi rơi xuống vùng biển phía tây của Nhật.
.Phản ứng của Hoa kỳ ra sao trước việc nầy?
-Bộ trưởng Quốc phòng Hoa kỳ, ông James Mattis cho biết, hỏa tiễn bay cao hơn bất cứ hỏa tiễn nào mà họ phóng từ trước đến nay. Đó là một nỗ lực nghiên cứu và phát triển của Bắc hàn nhằm tiếp tục chế tạo các hỏa tiễn liên lục địa một cách căn bản, có thể đe dọa khắp nơi trên thế giới. Cuối cùng thì Bắc hàn vẫn tiếp tục tạo ra nguy cơ, khi xây dựng hỏa tiễn liên lục địa có thể gây nguy cơ cho nền hoà bình thế giới".
Tổng thống Hoa kỳ Donald Trump được thuyết trình trong khi hỏa tiễn vẫn còn trên không trung và sau đó ông cho các ký giả biết, Hoa kỳ sẽ lo lắng về chuyện nầy.
Ông cũng cho rằng, vụ phóng hỏa tiễn mới nhất nầy không làm thay đổi đường lối của Mỹ đối với Bắc hàn.
"Một số quí vị tường thuật rằng, một hỏa tiễn đã được Bắc hàn phóng lên một lúc trước".
"Tôi chỉ có thể cho quí vị biết rằng chúng tôi sẽ lo lắng về chuyện nầy. Chúng ta có tướng Mattis, Bộ trưởng quốc phòng có mặt trong phòng nầy với chúng ta và chúng tôi đã có cuộc thảo luận rất lâu về chuyện nầy, đó là một tình thế mà chúng tôi sẽ đảm trách", Donald Trump.
Còn Ngoại trưởng Mỹ, ông Rex Tillerson nêu ý kiến phong tỏa vùng biển Nhật bản. Ông cũng thúc giục cộng đồng quốc tế hãy có những bước mới, nhằm tạo áp lực lên Bình Nhưởng, để họ ngưng các vụ phát triển vũ khí nguyên tử.
.Nhật bản và Nam hàn phản ứng như thế nào?
-Quân đội Nam hàn đã thực tập ngay việc bắn hỏa tiễn chống hỏa tiễn, nhằm chống lại sự khiêu khích từ Bắc hàn và trong trường hợp tự vệ.
Còn Thủ tướng Nhật bản Shinzo Abe lôi kéo các Bộ trưởng từ phòng ngủ, để tham dự cuộc họp khẩn cấp vào lúc 3 giờ rưỡi sáng nay, giờ địa phương.
Ông Abe cũng yêu cầu có phiên họp khẩn cấp với Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa kỳ và nói rằng, Nhật bản không thể dung thứ cho hành động liều lĩnh của Bắc hàn.
Nhật bản cũng yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhóm họp vào hôm nay thứ tư giờ New York, để thảo luận về việc phóng hỏa tiễn của Bắc hàn
"Chúng ta phải hết sức cẩn thận về giải pháp quân sự, bởi vì những hậu quả về việc nầy sẽ rất lớn lao, tuy nhiên điều quan trọng là chúng ta phải lên án về chuyện nầy", Richard Marles.
.Nước Úc đối phó với tình hình nầy ra sao?
-Ngoại trưởng Úc, bà Julie Bishop cũng góp tiếng, lên án vụ thử nghiệm hỏa tiễn của Bắc hàn. Bà cho rằng, mức độ phát triển về chương trình hỏa tiễn của Bắc hàn thật đáng quan ngại.
"Tham vọng của Bắc hàn nhằm đạt đến khả năng phóng một hỏa tiễn đạn đạo với đầu đạn nguyên tử cỡ nhỏ, có thể bắn tới Nhật và lục địa Mỹ. Bắc hàn là một mối đe dọa cho các nước lân bang, một mối lo cho toàn vùng và cũng là một hiểm họa cho an ninh toàn cầu".
Trong khi đó, phát ngôn nhân Lao động đối lập về quốc phòng là ông Richard Marles cũng lên án vụ phóng hỏa tiễn mới nhất của Bắc hàn.
Ông cho đài Sky News biết rằng, phản ứng của toàn cầu nên được cân nhắc một cách thận trọng.
"Chúng ta phải hết sức cẩn thận về giải pháp quân sự, bởi vì những hậu quả về việc nầy sẽ rất lớn lao, tuy nhiên điều quan trọng là chúng ta phải lên án về chuyện nầy".
.Hỏa tiễn của Bắc hàn có thể bắn đến những nơi nào?
.Bắc hàn đã đe dọa Úc sẽ hứng chịu các thảm họa, nếu liên kết với Mỹ chống lại chế độ độc tài Bắc hàn.
Ngoại trưởng Úc, bà Julie Bishop nhấn mạnh rằng, nước Úc không phải là một mục tiêu chính yếu, thế nhưng Hoa kỳ không phải là quốc gia duy nhất bị nguy hiểm, trước thái độ gây hấn của quốc gia biệt lập Bắc hàn, vốn rõ ràng đã có những bước phát triển nhảy vọt về khả năng hỏa tiễn.
Được biết Bắc hàn có một loạt các hỏa tiễn tầm ngắn rất nguy hiểm, mà họ đã thử nghiệm đến 50 lần loại hỏa tiễn nầy.
Loại ER Scud có tầm xa nhất là 1 ngàn kí lô mét, khiến cho Nam hàn nằm trong tầm bắn của hỏa tiễn nầy, cũng như thành phố Osaka của Nhật bản.
Các hỏa tiễn nầy được biết, có khả năng tự vận hành đến mục tiêu trong giai đoạn sau cùng và như vậy, có thể tránh được hệ thống phòng thủ hỏa tiễn tầm cao mà Hoa kỳ thiết kế tại Nam hàn.
Tầm xa nhất của hỏa tiễn tầm trung của Bắc hàn là 2 ngàn kí lô mét và khiến cho hầu hết các thành phố Nhật bản kể cả thủ đô Tokyo, đều nằm trong tầm bắn của hỏa tiễn tầm trung.
Bắc hàn cũng phát triển khả năng phóng hỏa tiễn từ tầu ngầm, thế nhưng kỷ thuật nầy dường như chưa được phát triển đầy đủ, với chỉ có 3 trong 6 lần thử nghiệm thành công.
Hiện tại hỏa tiễn phóng từ tiềm thủy đỉnh có tầm bắn đến 1200 kí lô mét, loại tàu ngầm Sinpo, có thể hoạt động xa căn cứ đến 2800 kí lô mét trong Thái bình Dương, khiến cho hiểm họa nầy khó lường được.
Còn loại hỏa tiễn liên lục địa tầm trung của Bắc hàn có tầm tối đa là 4500 kí lô mét, khiến cho đảo Guam và các nước Đông Nam Á, đều nằm trong tầm bắn của hỏa tiễn nầy.
Thế nhưng loại hỏa tiễn Hwasong 14, có tầm bắn đến 8500 kí lô mét, khiến tiểu bang Alaska của Hoa kỳ nằm trong tầm của hỏa tiễn nầy, cũng như nhiều nơi ở Úc nữa.
Tuy nhiên với vụ phóng hỏa tiễn mới nhất lên cao độ cao nhất, nhiều người ước lượng tầm bắn của hỏa tiễn nầy, có thể lên đến 10 ngàn kí lô mét và với tầm bắn nầy, mọi nơi trên nước Úc đều nằm trong tầm bắn của loại hỏa tiễn nầy, kể cả thành phố Los Angeles, Âu châu và Tân tây Lan nữa.
Tuy nhiên New York và Washington dường như nằm ngoài tầm bắn của loại hỏa tiễn nói trên, thế nhưng các chuyên gia nhận xét rằng, do chuyển động của trái đất khiến cho tầm bắn của hỏa tiễn về phía đông, sẽ gia tăng đáng kể.
Người ta còn tin rằng, Bắc hàn cũng phát triển kho vũ khí sinh học và hóa học, vốn có thể gắn vào đầu của hỏa tiễn.
Với việc phóng hỏa tiễn mới nhất nầy và sự phát triển hỏa tiễn của Bắc hàn, người ta không hiểu Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc có thể làm gì hơn, để ngăn chận tham vọng của Bắc hàn, ngoài các biện pháp cấm vận dường như không mấy hữu hiệu đối với Bắc hàn.
Thêm thông tin và cập nhật Like
Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại
Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại