Nhà báo độc lập Nguyễn Viện cho SBS biết cả người dân lẫn chính quyền đều "e ngại" lẫn nhau.
Cuộc đối thoại dự kiến giữa nông dân xã Đồng Tâm và chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã không diễn ra theo yêu cầu của ông Chung.
Báo chí Việt Nam cho hay là ông Nguyễn Đức Chung đã gửi giấy mời đến các cán bộ và nông dân xã Đồng Tâm đến trụ sở ủy ban nhân dân huyện Mỹ Đức vào chiều ngày 20 tháng tư, để tìm cách giải quyết vụ khủng hoảng giam giữ con tin từ ngày 15 tháng tư đến nay.
Thành phố Hà Nội đã cho ba chiếc xe xuống xã Đồng Tâm để chở những người đại diện của dân lên gặp chủ tịch Nguyễn Đức Chung tại huyện Mỹ Đức cách đó 20 cây số. Nhưng theo ghi nhận của các phóng viên trong nước thì người dân không chấp nhận mà yêu cầu các lãnh đạo thành phố xuống xã Đồng Tâm gặp họ.
Đến 6h40 chiều thì một quan chức huyện Mỹ Đức xác nhận với báo chí rằng ba chiếc xe của chính quyền đã rời khỏi xã Đồng Tâm mang theo những người đại diện Đồng Tâm.
Theo tin của báo Tuổi trẻ thì ông Chung và các cán bộ xã Đồng Tâm bắt đầu nói chuyện với nhau vào lúc 6h50 chiều. Tuy nhiên trong số những người đến ủy ban huyện Mỹ Đức không có đại diện của nông dân mà chỉ là cán bộ xã mà thôi.
Đến lúc 7:25 phút tối ngày 20 tháng tư, cuộc làm việc giữa chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội- Nguyễn Đức Chung và đại diện lãnh đạo ủy ban nhân dân xã Đồng Tâm kết thúc. Trong cuộc làm việc ông Chung nói sẽ mời người dân Đồng Tâm lên đối thoại trực tiếp với ông vào một lần sau.
Người dân cùng lúc chống cưỡng chế đất, bị đàn áp từ Bắc đến Nam
Không kể vụ chống cưỡng chế đất tại Đồng Tâm, thành phố Hà Nội kéo dài gần môt tuần lễ chưa có hồi kết, ba vụ chống cưỡng chế đất khác đang diễn ra từ Bắc đến Nam và người dân bị đàn áp, bắt giữ.
Buổi sáng 20 Tháng Tư 2017, khoảng 100 người gồm cảnh sát, công an và các thành phần của nhà cầm quyền ở Phú Quốc (Kiên Giang) đã đến nhà ông Lê Văn Bé, 43 tuổi, ngụ tại xã Gành Dầu, để cưỡng chế, thu hồi đất của gia đình này ở ven biển Bãi Dài.
Theo tin báo điện tử Zing, lực lượng cưỡng chế của nhà cầm quyền đã gặp phải sự phản ứng của gia đình ông Bé. Họ ném về phía đoàn người cưỡng chế "nhiều vật cứng và chai thủy tinh chứa xăng được người trong nhà đốt cháy".
Nguyên nhân chống đối được mô tả là nhà cầm quyền địa phương muốn lấy lại đất của gia đình ông để giao cho một công ty đầu tư làm "khu du lịch sinh thái ven biển". Việc bồi thường cho ông quá thấp so với trị giá thị trường. Đáng nói là nhà cầm quyền cho người khác kinh doanh thu lợi lại ép gia đình ông Bé phải nhận thua thiệt.
Zing dẫn lời bà vợ của ông Bé cho biết "Vợ chồng tôi gầy dựng sự nghiệp, ở ổn định trên 20 năm nhưng chỉ được hỗ trợ 300 triệu. Đối với đất bị thu hồi cũng chỉ được hỗ trợ 60% giá trị".
Cũng trong buổi sáng 20 Tháng Tư 2017, nhà cầm quyền tỉnh Bắc Ninh đưa hàng trăm người gồm Công an, Cảnh Sát Cơ động đến khu vực thôn Vọng Đông, xã Yên Trung huyện Yên Phong, Bắc Ninh để cưỡng chế thu hồi 14 ha đất mà người dân cho biết trái với Luật Đất Đai hiện hành.
Không thấy báo chính chính thống của nhà nước loan tải gì về vụ cưỡng chế này như video clip và hình ảnh cuộc cưỡng chế ở thôn Vọng Đông được một số nhà báo công dân đưa lên YouTube, Facebook và cho biết một số người dân đã bị bắt với lý do "quay phim, chụp hình" trong khi người dân vẫn quyết không giao đất.
Một facebooker tên Nguyễn Chương viết trên trang cá nhân về nguyên nhân thúc đẩy người dân chống cưỡng chế ở Bắc Ninh như sau:
"Thôn Vọng Đông chúng tôi có khu ruộng có tên là đồng Cốc, nơi người dẫn đã trồng trọt canh tác bao đời nay. Với diện tích là 14 mẫu (tương ứng 5,040 m2). Đây là khu ruộng tốt nhất của thôn - nơi mang về sản lượng tốt nhất so với các khu ruộng khác. Số ruộng này theo luật đất đai thì là ruộng lâu dài của dân chứ không phải là ruộng công ích. Người dân thôn Vọng Đông vẫn đóng thuế, sản lượng đầy đủ.
Năm 2014, khu trường mẫu giáo của thôn bị dột nát, ông trưởng thôn và bí thư (từ đây gọi là "kẻ hại dân") họp dân mượn khu đất đồng Cốc bán thầu 3 năm lấy tiền sửa chữa. Theo nghị quyết họp dân, trong quá trình bán thầu, nếu khu công nghiệp về thì phải trả lại cho dân."