Nghiên cứu phát hiện COVID-19 gây tổn thương não

A technician looking at an MRI scan of a human brain

A technician looking at an MRI scan of a human brain. Source: Getty Images

Một nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng ngay cả một trường hợp nhiễm COVID-19 nhẹ cũng có thể gây tổn thương não đáng kể, cụ thể, não của những người bị nhiễm virus bị thu hẹp ở những khu vực quan trọng chi phối khứu giác, trí nhớ, chức năng nhận thức và cảm xúc.


Cameron Dale đã bị nhiễm COVID-19 trong khoảng thời gian cuối Giáng sinh đầu Năm mới, anh có những triệu chứng thường thấy ở những người bị nhiễm vi-rút, như mệt mỏi, đau họng. Anh nói:

“Tôi bị đổ mồ hôi kéo dài từ 2 đến 3 ngày và kiểu đau rát cổ họng ... người cứ lờ đờ, thiếu sinh lực. Những loại triệu chứng điển hình như mọi người.”

Nhưng điều khiến cầu thủ 33 tuổi này ngạc nhiên là tình trạng ‘sương mù não’ vẫn còn kéo dài hơn hai tháng sau đó.

“Nó giống như có một đám mây mù che phủ tâm trí, giống như bạn cảm thấy khó khăn để xâu chuỗi các suy nghĩ của mình lại với nhau và bạn bị mất tập trung vào công việc đang làm.”

‘Sương mù não’ là thuật ngữ chỉ tình trạng ảnh hưởng đến trí nhớ và suy nghĩ, những người mắc thường cảm thấy khó tập trung, thiếu minh mẫn, lơ mơ về tinh thần và có thể kéo dài, ảnh hưởng đến khả năng thực hiện các công việc hàng ngày.

Tình trạng này gây ra một thách thức đặc biệt cho những người ham đọc sách như anh Cameron.

“Tôi cố gắng chọn một cuốn sách và duy trì sự tập trung để đọc hết một trang, rồi cố gắng đọc hết một chương, và rồi tôi chỉ có thể tập trung một cách chung chung, chẳng hạn cố gắng nhớ lại những gì mình đã làm từ lúc thức dậy.”

Giáo sư Ashley Bush, thuộc Viện Khoa học Thần kinh và Sức khỏe Tâm thần Florey của Melbourne, cho biết những phát hiện của một nghiên cứu đột phá ở Anh quốc đã khẳng định điều mà nhiều người vốn nghi ngờ lâu nay, đó là COVID-19 thực sự có ảnh hưởng đến chức năng não.

“Những người bị nhiễm COVID trong giai đoạn này thực sự có nhận thức kém hơn những người không bị nhiễm COVID. Vì vậy, chức năng não thực sự có suy giảm do bị nhiễm COVID.”

Trong vòng ba năm, nghiên cứu này đã tiến hành trên não của 785 người tham gia - hơn một nửa trong số đó đã bị nhiễm COVID-19 trong thời gian đó.

Tiến sĩ Maithili Sashindranath đến từ Đại học Monash cho biết nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí Nature, là một nghiên cứu rất quan trọng vì các nhà nghiên cứu đã thực sự nghiên cứu dữ liệu từ cơ sở dữ liệu hình ảnh sinh học não tại Anh quốc.

“Họ nói rằng khu vực não bị ảnh hưởng là khu vực chi phối cơ quan khứu giác - vì vậy nó liên quan đến khứu giác. Và như chúng ta đã biết rằng hầu hết các trường hợp nhiễm COVID-19 đều bắt đầu bằng việc mất khứu giác và đôi khi mất vị giác, và phía nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng những khu vực não đó đã bị ảnh hưởng. Và sau đó với phần nghiên cứu về nhận thức, họ cũng có thể tìm ra bằng chứng hỗ trợ cho thấy các phần của tiểu não bị ảnh hưởng và đó là lý do tại sao người bị nhiễm COVID có những thay đổi trong nhận thức.”

Mặc dù giáo sư Bush nói rằng sự ảnh hưởng của COVID lên não là tương đối nhỏ, nhưng nó cũng gây ra tác động tương tự như các bệnh thường xảy ra ở người già như Alzheimer và Parkinson.

“Kết quả này đặt ra câu hỏi liệu COVID có gây nên ảnh hưởng tương tự như bệnh Alzheimer và Parkinson hay không, và chúng ta cần nghiên cứu thêm ngay bây giờ để tìm hiểu xem liệu viễn cảnh đáng sợ đó có phải là sự thật hay không. Tôi không muốn dọa mọi người nghĩ rằng não bị tổn thương nghiêm trọng do COVID ... nhưng nếu đã biết rằng não sẽ bị suy yếu do COVID, thì chúng tôi phải có trách nhiệm tìm hiểu xem hậu quả lâu dài là gì và mức độ nghiêm trọng của nó có thể xảy ra là gì.”

Và chắc chắn sẽ cần thêm nhiều cuộc nghiên cứu để giải mã các bí ẩn của loại virus đang gây ra sự hỗn loạn trên toàn cầu này.


Share