Một nhóm các nhà điều tra quốc tế về vụ chiếc máy bay MH 17 của Malaysia Airlines bị bắn hạ trên bầu trờ miền đông Ukraine cho biết, có bằng chứng mới cho thấy mối liên hệ giữa Nga và phe ly khai trong khu vực này và mối liên hệ này gần hơn so với những suy đoán trước kia.
Nhóm điều tra chung (Joint Investigation Team- JIT) đã phát lời kêu gọi mới tới các nhân chứng cũng như họ tiết lộ chi tiết liên lạc bí mật giữa các quan chức Nga và phiến quân tại Donetsk Nhóm phiến quân Cộng hòa Dân tộc ở miền đông Ukraine.
Andy Kraag là Trưởng phòng Điều tra Tội phạm Trung ương của Cảnh sát Hà Lan.
"Chúng tôi chắc chắn rằng nhóm vũ trang ở Donetsk đã liên lạc với các quan chức chính phủ Nga về việc hỗ trợ quân sự. Phân tích gần đây về các nhân chứng và các thông tin khác cho thấy ảnh hưởng của Nga đối với nhóm phiến quân Cộng hòa Dân tộc Donetsk DPR đã đi xa hơn là hỗ trợ quân sự. Mối quan hệ giữa các quan chức Nga và các nhà lãnh đạo DPR dường như gần giũ hơn chúng tôi nghĩ rất nhiều. Hôm nay, Nhóm điều tra chung (JIT) cho công bố một loạt các cuộc hội thoại được ghi lại."
Ông cũng nói thêm về các vụ truy tố vắng mặt bốn nghi phạm vào hồi tháng Sáu, cuộc điều tra đang tiếp tục xem xét những người khác có liên quan.
"Nhóm điều tra chung (JIT) đưa ra lời kêu gọi mới cho các nhân chứng trong cuộc điều tra hình sự về việc chuyến bay MH17 bị bắn hạ vào ngày 17 tháng 7 năm 2014. JIT muốn biết ai đã ra lệnh cho lãnh đạo phiến quân ở Donetsk, và chỉ huy việc cho bắn hỏa tiễn Buk Telar do Nga sản xuất nhắm vào chiếc MH17."
David Nelson, Chuyên viên điều tra cấp cao tại Cảnh sát Liên bang Úc, cho biết các liên hệ giữa Nga và phiến quân đã gia tăng thấy rõ trong nửa đầu tháng 7 năm 2014.
"Ngoài điện thoại thông thường, phiến quân còn sử dụng các phương tiện liên lạc an toàn.
Một số các phương tiện này dường như được Liên bang Nga cung cấp, và hơn nữa, được sử dụng bởi các quan chức hàng đầu của Nga khi liên lạc với máy bay chiến đấu.
Trên trang web của chúng tôi 'jitmh17.com' bạn sẽ tìm thấy một chuỗi các số hiệu mà họ đã sử dụng.
Và chúng tôi đã công bố các cuộn băng ghi âm lại các cuộc nói chuyện của họ về các vấn đề hành chính, tài chính và quân sự."
Trong một bản ghi âm, ghi lại lời của cựu lãnh đạo quân ly khai Alexander Borodai nói rằng: "Tôi là người thực hiện mệnh lệnh và bảo vệ lợi ích của một và chỉ một nhà nước, Liên bang Nga".
Nhóm nghiên cứu cho biết những dấu hiệu này cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa các quan chức chính phủ Nga và các lãnh đạo của nhóm phiến quân Công hòa Dân Tộc DPR và nó cũng đặt ra câu hỏi về khả năng liên quan đến việc triển khai Buk Telar, chiếc tên lửa đã hạ sát chuyến bay MH17 vào ngày 17 tháng 7 năm 2014.
David Nelson cũng kêu gọi các nhân chứng nên liên lạc với Nhóm Điều tra chung JIT, và nói rằng trang web của JIT có chi tiết về cách liên hệ với chương trình bảo vệ nhân chứng của mình.
"JIT đang tìm kiếm các nhân chứng - những người có thể chia sẻ thông tin về các nhân vật đã ra lệnh cho các lãnh đạo phiến quân ở Donetsk và chỉ huy việc khai triển Buk Telar. Tất nhiên, chúng tôi còn quan tâm đến việc thu thập thêm nhiều thông tin hơn nữa về danh tính của nhóm điều khiển giàn tên lửa Buk Telar và khai hỏa nó."
Nga đã nhiều lần phủ nhận mọi liên quan đến vụ việc chiếc máy bay MH17 bị bắn hạ khiến 193 công dân Hà Lan đã thiệt mạng, cùng với 43 người Malaysia và 27 người Úc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã bác bỏ bằng chứng của Đội điều tra chung.
"Phán quyết này, bản án này đã được đưa ra cấp kỳ, và phần còn lại chỉ là điều chỉnh sao cho bằng chứng phù hợp với những gì đã được đề cập để có lợi cho các chiến thuật truy tố của quý vị."
Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung