Trên lý thuyết, việc tăng thuế, đồng nghĩa với tăng giá bán nước ngọt có ga sẽ khiến người mua chần chừ hơn, từ đó cắt giảm lượng tiêu thụ thứ thức uống dẫn đến béo phì này. Trước đây, đã có nhiều nhà hoạt động kêu gọi áp thuế lên các sản phẩm có đường, nhưng nước ngọt hiện đang là tâm điểm của công luận.
Bà Jane Martin, đến từ Liên minh phòng chống béo phì Obesity Policy Coalition, đang dẫn đầu một chiến dịch kêu gọi áp dụng thuế 20% đối với các thức uống có đường. Bà viện dẫn tác động của đường đối với chỉ số trọng lượng cơ thể Body Mass Index, gọi tắt là BMI.
Chỉ số trọng lượng cơ thể cho biết mối tương quan giữa trọng lượng và chiều cao của một người, và thường được dùng để xác định xem cơ thể người đó mập, ốm hay vừa cân.
"Việc đánh thuế sẽ nhanh chóng tác động đến thói quen tiêu thụ đường, từ đó dẫn đến những thay đổi tích cực lên chỉ số trọng lượng cơ thể (BMI). Điều này rất quan trọng vì nó sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ mắc một số bệnh."
Ý tưởng về loại thuế này đã có từ trước, nhưng phúc trình này dẫn ra một số dữ liệu mới.
Nghiên cứu được đồng thực hiện bởi Đại học Queensland và Liên minh phòng chống béo phì, cho thấy, trong vòng 25 năm, thuế tiêu thụ nước ngọt sẽ làm giảm ít nhất 1,000 trường hợp đột quỵ, 4,500 trường hợp bệnh tim và 1,600 trường hợp tử vong. Đồng thời, loại thuế này sẽ đóng góp cho hệ thống y tế Úc số tiền lên đến 30 triệu đô la.
Tiền đề đằng sau nghiên cứu này là, đường có mức độ gây nghiện rất cao, nhưng nếu thức uống có đường trở nên đắt đỏ hơn, người tiêu dùng sẽ mua ít đi.
Bà Nicole Dynan là một chuyên gia dinh dưỡng được công nhận. Bà gợi ý rằng đánh thuế lên nước ngọt không chỉ là biện pháp duy nhất.
"Tôi nghĩ chúng ta phải nhìn rộng ra toàn cảnh, và không chỉ đánh thuế nước ngọt mà cả bánh kẹo, đồ ngọt và tất cả những loại đường được thêm vào trong thực phẩm chế biến và tinh chế sẵn."
Tại một cửa hàng bánh kẹo tên là Candybar ở Sydney, một bé gái 10 tuổi tên là Zeinab nói rằng kẹo và nước ngọt là dành cho những dịp quan trọng. Cô đang lên kế hoạch cho buổi tiệc kỷ niệm năm đầu tiên cô đeo mạng che mặt hijab.
"Chị cháu cũng tham gia nữa, và buổi tiệc sẽ có rất nhiều kẹo ngọt."
Và rất nhiều nước ngọt nữa.
Chủ nhân của Candybar là ông Thomas Mitchell, chuyên bán sỉ các món ăn vặt có đường. Ông cho rằng việc đánh thuế là một động thái quá đáng.
"Tôi nghĩ đây là lối hành xử của chính phủ hiện tại. Họ tước đi trách nhiệm khỏi tay người tiêu dùng và dường như đang nói rằng, họ không tin chúng ta có thể tự đưa ra những quyết định tiêu dùng đúng đắn."
Zeinab và chị của cô đang mua kẹo, nhưng cô cũng đã được mẹ dạy cho biết điều gì sẽ xảy ra khi ăn quá nhiều kẹo.
"Cháu sẽ bị bệnh. Răng của cháu sẽ rụng cả. Cháu sẽ rất... rất là đau bụng, và có thể cháu sẽ nôn mửa."