Từ tháng 2/2018: Muốn mua thuốc có chứa codeine phải có toa bác sĩ

Medication packets are seen in Sydney, September 17, 2008. (AAP Image/Melanie Foster) NO ARCHIVING, EDITORIAL USE ONLY

Medication packets are seen in Sydney. Source: AAP

Từ tháng 2/2018, người dân Úc cần phải có toa bác sĩ để mua thuốc giảm đau có chứa codeine. Nhưng có nhiều lo ngại rằng lệnh cấm này sẽ khiến cho nhiều bệnh nhân tìm đến rượu bia hoặc cần sa như các phương pháp giảm đau thay thế.


Cô Jessica Khachan, một người phụ nữ đang cai nghiện rượu ở Sydney, được kê toa thuốc codeine sau khi phẫu thuật nhổ răng khôn.

"Tôi sử dụng thuốc hydrocodone trong hai tuần, nhưng trước khi phát hiện ra thì tôi đã bị nghiện. Thế nhưng tôi lại không nhận thức được điều đó. Thế là tôi tự động đi đến hiệu thuốc và mua một ít Nurofen Plus. Đó là lúc tôi bắt đầu cơn nghiện, và nó ngày càng trở nên tồi tệ hơn."

Vào cao điểm của cơn nghiện codeine, người phụ nữ ở Sydney này uống đến 96 viên mỗi ngày.

"Quý vị biết đấy, lẽ ra tôi đã chết rồi. Có đôi lúc tôi thức dậy trên giường bệnh, và lần cuối cùng là sau khi tôi bị nghiện codeine. Tôi có cảm tưởng rằng tôi vừa bước ra khỏi một cơn hôn mê, và tôi nghĩ rằng, quý vị biết đấy, tôi sẽ không phí phạm cơ hội thứ hai để hồi phục."

Hiện nay cô Khachan đang giúp đỡ những người nghiện codeine khác, và đã thành lập một nhóm hỗ trợ, cũng như tổ chức chương trình đi bộ thường niên Sydney Recovery Walk, nhằm nâng cao nhận thức về việc lạm dụng chất gây nghiện. Tuy nhiên, nhiều người lại không được may mắn như cô Khachan.

Mỗi năm tại Úc có khoảng 100 người chết vì ngộ độc codeine. Từ ngày 1/2/2018, loại thuốc này sẽ không còn được bán tự do theo dạng over the counter, và người dân Úc sẽ cần phải có toa bác sĩ để mua thuốc có chứa codeine.
"Người ta sẽ không ghé thăm bác sĩ gia đình thường xuyên để mua những loại thuốc này, bởi vì các bác sĩ sẽ không kê toa những loại thuốc kém hiệu quả như vậy." - Giáo sư Brendan Murphy
Cơ quan quản lý dược phẩm TGA nói rằng lệnh cấm này là nhằm bảo vệ cho người dân. Trưởng phòng Y tế chính phủ, Giáo sư Brendan Murphy, cho biết vấn đề lạm dụng thuốc đang trở nên tồi tệ hơn.

"Quan điểm của chúng tôi là loại thuốc này không có nhiều giá trị như là một loại thuốc giảm đau, bởi vì người ta có thể tìm mua những loại thuốc giảm đau khác có hiệu quả tương tự, mà không cần đến toa của bác sĩ."

Theo ước tính, thay đổi này sẽ khiến cho người thọ thuế tiêu tốn thêm 300 triệu Úc kim mỗi năm, bởi vì nhiều bệnh nhân sẽ phải ghé thăm bác sĩ gia đình để xin toa thuốc, và các bác sĩ sẽ phải tiếp thêm khoảng 8,7 triệu bệnh nhân do hệ quả của lệnh cấm này.

Tuy nhiên Giáo sư Murphy nói rằng nhiều người sẽ không cần gặp bác sĩ gia đình của họ nếu cần mua thuốc giảm đau ngắn hạn.

"Người ta sẽ không ghé thăm bác sĩ gia đình thường xuyên để mua những loại thuốc này, bởi vì các bác sĩ sẽ không kê toa những loại thuốc kém hiệu quả như vậy."

Cũng có nhiều lo ngại rằng bệnh nhân sẽ tìm đến những loại thuốc khác, như cần sa hay rượu bia, như một phương pháp giảm đau thay thế.

Cô Jessica Khachan có nhiều cảm xúc lẫn lộn về lệnh cấm này.

"Với những đứa con của tôi thì loại thuốc này không còn được bán tự do nữa, vì thế đó không phải là vấn đề. Thế nhưng với những người đang vật lộn với cơn nghiện trong lúc này, thì đó là một mối lo lớn, bởi vì họ có thể tìm đến những loại thuốc khác mà không tham vấn các chuyên gia y tế. Quý vị biết đấy, một số người rất ngại nói chuyện với gia đình."

Thế nhưng Giáo sư Murphy tin rằng lệnh cấm có thể giúp hạn chế cơn nghiện.

"Nếu việc mua thuốc không còn dễ dàng, thì đó sẽ là một hồi chuông cảnh tỉnh cho họ. Vì thế tôi nghĩ có khả năng là họ sẽ tìm đến những loại thuốc gây nghiện khác, nhưng tôi không nghĩ đó là lý do để chúng ta tiếp tục cung cấp những loại thuốc hợp pháp theo dạng over the counter, vốn không có nhiều giá trị mà lại gây hại."

Các nước như Hoa Kỳ, Nhật Bản và hầu hết các quốc gia Âu Châu đã hạn chế việc bán thuốc codeine tự do và đều yêu cầu có toa bác sĩ.

Thêm thông tin và cập nhật Like 

Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share