Nam Úc muốn liên bang hỗ trợ để thu hút di dân tay nghề

Glenelg Beach

Nam Úc nổi tiếng với rượu ngon, giáo dục tốt và giá nhà cửa phải chăng. Source: AAP

Ông Nigel McBride thuộc Phòng Thương Mại Nam Úc nói tuy không thể bắt buộc người ta được, nhưng nếu chính phủ liên bang có viễn kiến và mạnh dạn tạo cơ hội cho di dân tay nghề và du học sinh thì người ta sẽ chọn đến những vùng xa xôi.


McBride: Tăng trưởng dân số trong tiểu bang và di dân tay nghề có liên quan mật thiết với nhau. Chúng tôi đã làm khảo sát tại các trung tâm thương mại ở vùng quê của tiểu bang và tìm thấy 70 phần trăm các doanh nghiệp đang thiếu hụt lao động có tay nghề. Đó là họ đã trả lương trên tiêu chuẩn với các điều kiện hậu hỉ nhưng đơn giản là không tìm đâu ra lao động có tay nghề. Hai phần ba các doanh nghiệm cấp vùng trong tiểu bang Nam Úc ủng hộ việc chính phủ tiểu bang vận động liên bang tìm cách giải quyết tình trạng này. Chúng ta đừng quên rằng vùng nông thôn của Nam Úc đóng góp 30 phần trăm lợi nhuận của xuất khẩu trên cả nước, cho nên kinh tế của Nam Úc có tần quan trọng đáng kể.

Nhưng chính phủ liên bang chỉ mới nói đến việc cân bằng số lượng di dân khi mà đa số định cư tại các thành phố dọc theo duyên hải phía Đông của nước Úc mà thôi?

McBride: Đúng vậy chúng ta không thể chỉ chú trọng đến di dân ở hai thành phố lớn Sydney và Melbourne. Chúng ta có thể nhìn thấy trước được những vấn đề nãy sinh do hạ tầng cơ sở không đáp ứng nỗi dân số gia tăng quá nhanh tại hai thành phố đó. Có một vài con số khiến chúng ta phải suy nghĩ đó là dân số Victoria tăng trong 20 ngày bằng với ở Nam Úc trong 1 năm. Đó không chỉ là thiếu cân đối mà còn là một vấn đề nghiêm trọng khi mà dân chúng ở Melbounre đã bắt đầu than rằng thành phố này không còn như trước nữa rồi.

Nhưng làm sao chúng ta thu hút được di dân tay nghề đến những vùng xa xôi như là Nam Úc, phải có những ưu đãi và điều kiện gì bây giờ?

McBride: Nam Úc nổi tiếng là một trong những thành phố đáng sống, với rượu ngon, giáo dục tốt, nhà cửa giá phải chăng. Nam Úc cũng đã được chọn để sản xuất các tàu chiến cho hải quân, và cả trung tâm nghiên cứu không gian. Nhưng chúng tôi sẽ không tìm đủ lực lượng lao động có tay nghề cao cho các dự án này vì vậy chúng tôi cần phải thúc giục chính phủ liên bang tạo điều kiện dễ dàng hơn để thu hút lao động tay nghề đến Nam Úc. Bên cạnh đó cần phải quảng cáo thêm bởi vì trên thế giới khi nghe đến Úc không nhiều người biết Nam Úc, họ thường chỉ biết Sydney hay Melbourne mà thôi. Tôi nghĩ không riêng gì Nam Úc mà các tiểu bang và lãnh thổ khác nữa, như Tasmania, Bắc Úc, chúng ta phải quảng cáo nhiều hơn cho các thành phố xa xôi của nước Úc cũng là những điểm đến có nhiều hứa hẹn cho di dân.

Chính phủ tiểu bang đang kêu gọi liên bang ban hành những loại visa đặc biệt cho những nơi như Nam Úc, cụ thể loại visa này hoạt động như thế nào?

McBride: Hiện tại chúng tôi đang rất cần lao động tay nghề trong khu vực xe hơi, xây dựng, kỹ sư và y tế. Chúng ta sẽ nói cho di dân biết nếu họ muốn qua Úc theo diện này, họ bắt buộc phải bắt đầu ở một vùng xa xôi và phải ở lại đó trong một thời gian nhất định, ví dụ như trong 3 năm, thì mới được quyền xin vào quốc tịch Úc nếu muốn. Những gì chúng tôi biết là một khi dọn đến những vùng xa xôi trong tiểu bang người ta sẽ thích, chúng tôi đã hỏi chuyện những người đến lập nghiệp ở Port Augusta và họ đều cho biết họ rất thích những nơi này, hay là cộng đồng người Philipines ơđã lập nghiệp từ 3 thế hệ nay ở Wyola. Nói chung nếu di dân đã chọn đến đây, họ sẽ ở lại, và chúng tôi ở tiểu bang Nam Úc sẽ không gặp vấn đề gì trong việc giữ chân các lao động có tay nghề khi họ đã đến đây.

Nhưng làm sao chúng ta có thể thuyết phục được di dân chọn Nam Úc trong khi thân nhân và bạn bè của họ đa số sống ở Sydney hay Melbourne?

McBride: Đúng vậy chúng ta không thể bắt buộc người ta được, nhưng nếu chính phủ có viễn kiến và mạnh dạn tạo cơ hội cho di dân thi tôi nghĩ người ta sẽ cân nhắc, bởi có một sự thật là đối với nhiều người trên thế giới, có cơ hội đến Úc sinh sống, không cần biết là định cư ở đâu, đối với họ cũng giống như là trúng số độc đắc vậy. Tôi cũng nghĩ rằng về phần chúng ta, chúng ta cũng cần thay đổi quan niệm về những vùng xa xôi nữa mới được.


Share