Sau khi chỉ bị khiển trách nhẹ nhàng dưới thời Tổng thống Donal Trump, Nga nay phải đối đầu với những hành động mạnh mẽ hơn của chính phủ Tổng thống Joe Biden.
Tòa Bạch Ốc đã ban hành lệnh trừng phạt đối với 32 công ty và cá nhân của Nga.
Họ bị cáo buộc đã cung cấp thông tin sai lệch cho cử tri Mỹ trong cuộc bầu cử năm 2020 và xâm nhập vào máy tính của Chính phủ Hoa Kỳ thông qua công ty an ninh mạng SolarWinds.
Mười nhà ngoại giao Nga, bị cáo buộc là gián điệp đã bị trục xuất khỏi Washington.
Tuy nhiên Tổng thống Biden khẳng định ông không muốn căng thẳng giữa hai nước leo thang.
"Chúng ta muốn có một mối quan hệ ổn định và có thể đoán trước được. Nếu Nga tiếp tục can thiệp vào nền dân chủ của chúng ta, tôi sẵn sàng thực hiện các hành động tiếp theo để đáp trả. Với tư cách là Tổng thống Hoa Kỳ, tôi có trách nhiệm phải làm như vậy."
"Trong suốt lịch sử cạnh tranh lâu dài của hai nước, chúng ta đã cố gắng tìm cách để kiềm chế căng thẳng và giữ cho chúng không leo thang ngoài tầm kiểm soát."
"Ngoài ra còn có những lĩnh vực mà Nga và Hoa Kỳ có thể và nên làm việc cùng nhau. Ví dụ, trong những ngày đầu tiên của chính phủ của tôi, chúng ta đã có thể nhanh chóng di chuyển và gia hạn thêm năm năm hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược START mới và duy trì yếu tố quan trọng của sự ổn định hạt nhân giữa hai quốc gia chúng ta.”
Các công ty và cá nhân Nga bị cáo buộc can thiệp vào chuyện bầu cử của Mỹ phải chịu các biện pháp chế tài, ngăn không cho họ hoạt động ngân hàng ở Mỹ.
Tổng thống Biden cũng đã cấm các tổ chức tài chính Mỹ đầu tư vào Trái phiếu Chính phủ Nga.
Tổng thống Vladimir Putin của Nga phủ nhận tất cả các cáo buộc can thiệp và nói rằng Nga sẽ đáp trả tương xứng.
Động thái này diễn ra vào thời điểm căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước.
Tháng trước, Tổng thống Biden gọi Nhà lãnh đạo Nga là "kẻ giết người" và tiếp tục kêu gọi thả nhân vật đối kháng Alexei Navalny hiện đang bị giam giữ.
Nhưng trong số những cáo buộc và lệnh trừng phạt gay gắt Tổng thống Biden đề nghị gặp gỡ với nhà lãnh đạo Nga.
"Tôi đề xuất rằng chúng ta gặp nhau trực tiếp vào mùa hè này tại Châu Âu cho một hội nghị thượng đỉnh nhằm giải quyết một loạt các vấn đề mà cả hai quốc gia chúng ta đang phải đối mặt."
"Người của chúng tôi đang thảo luận về khả năng đó ngay bây giờ. Và ngoài hội nghị thượng đỉnh đó, dù nó có diễn ra hay không, tôi tin rằng Hoa Kỳ và Nga sẽ khởi động một cuộc đối thoại ổn định chiến lược để theo đuổi hợp tác trong việc kiểm soát vũ khí và an ninh."
Người Nga trên đường phố tỏ ra không quan tâm đến trừng phạt của Mỹ.
"Nó sẽ không thay đổi bất cứ điều gì. Chúng tôi sẽ tiếp tục sống như lâu nay thôi. Trong nhiều năm, hơn 70 năm, tôi đã nghe những tin thế này và tất cả đều giống nhau. Chúng ta tiếp tục sống, và chúng ta sẽ sống."
Bộ trưởng Ngoại giao Úc Marise Payne đã đưa ra một tuyên bố cho biết Úc ủng hộ các hành động của Mỹ. Trong thông cáo bà Payne nói:
"Trong 12 tháng qua, Úc đã chứng kiến Nga sử dụng hoạt động ác ý để phá hoại sự ổn định quốc tế, an ninh và an toàn công cộng. Úc lên án hành vi như vậy".
Nhưng một số chuyên gia tin rằng khó có thể kết luận chính xác ai đứng sau một cuộc tấn công mạng và rằng các biện pháp trừng phạt này là một phản ứng khá nhẹ.
Leonid Petrov là giảng viên cao cấp tại Trường Cao đẳng Quản lý Quốc tế ở Sydney nghĩ rằng Tổng thống Putin sẽ hoan nghênh một số biện pháp trừng phạt của Mỹ.
"Ông ấy chỉ đơn giản là không muốn nhiều cộng sự của mình mở bất kỳ tài khoản ngân hàng nào hoặc tiến hành hoạt động kinh tế bên ngoài nước Nga, vì vậy Nga lúc này đang cố gắng giữ kín hơn cả về thông tin và các hoạt động kinh tế."
"Đang nói về việc ngắt kết nối Internet hoặc ít nhất là một số nền tảng truyền thông xã hội như Facebook, Youtube. LinkedIn đã bị ngắt kết nối ở Nga rồi. Nga đang đi trên con đường mà Triều Tiên, Trung Quốc và Iran đã làm và các lệnh trừng phạt này chỉ đơn giản là phản ánh tình hình hiện tại."
"Tôi không nghĩ rằng các biện pháp của Mỹ sẽ ngăn cản chính phủ Nga làm điều gì đó hoàn toàn liều lĩnh," ông Petrov nói.
Liên minh Âu Châu EU, Khối Phòng Thủ Bắc Đại Tây Dương NATO và Anh Quốc đều đã đưa ra tuyên bố ủng hộ các biện pháp của Mỹ.