Mỹ nay là quốc gia bị nhiễm coronavirus nặng nhất thế giới

Bicyclists and a pedestrian pass through a quiet Manhattan street, Thursday, March 26, 2020, during the coronavirus pandemic in New York.

Bicyclists and a pedestrian pass through a quiet Manhattan street, Thursday, March 26, 2020, during the coronavirus pandemic in New York. Source: AAP Image/AP Photo/Mark Lennihan

Hoa Kỳ tính đến sáng nay thứ Sáu 27/3 đã có ít nhất 83,000 người bị dương tính với coronavirus. Trên thế giới, hơn nửa triệu dân đã bị nhiễm bệnh và ít nhất 23,000 trường hợp tử vong. Giữa lúc đó, các khoa chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện đang đối mặt với khó khăn chồng chất.


Các bệnh nhân của Covid-19 tràn ngập các bệnh viện tại Ý và Tây Ban Nha, khiến cho các bác sỹ phải đưa ra quyết định sống còn là ai được điều trị và ai bị để lại, và nay điều này đã xảy ra cho Hoa Kỳ.

Số liệu mới từ trường đại học John Hopkins tiết lộ Hoa Kỳ đang dẫn đầu số ca nhiễm coronavirus trên thế giới với ít nhất 83,000 ca.

New York đang là tâm điểm của đại dịch với hơn 30,000 ca bị nhiễm và ít nhất 285 trường hợp tử vong.

Bác sĩ Steve Kasspidis thuộc Khoa Chăm sóc Đặc biệt tại bệnh viện Mount Sinai Queens ở vùng Astoria, New York.

Ông nói đại dịch coronavirus còn tồi tệ hơn vụ tấn công khủng bố 11/9/2001.

“Như cảnh địa ngục trong Kinh Thánh. Tôi không nói đùa đâu. Người bệnh đến. Họ được luồn ống thở. Rồi họ chết. Và vòng tròn lại lặp lại”.

“Ông có thấy kiệt sức không?"

"Cả hệ thống đều bị kiệt sức. Ngay cả vụ khủng bố 9/11 cũng không đến nỗi như thế này. Lúc trước chúng tôi mở cửa đợi bệnh nhân thì không thấy ai tới, còn bây giờ người ta đến khám la liệt. Ở tất cả các độ tuổi – đừng ảo tưởng là chỉ người già mới bị nhiễm và tử vong vì virus này. Tuổi nào cũng nguy hiểm cả”.

Thống đốc New York, ông Andrew Cuomo nói bang này đang cố gắng thu thập thêm nhiều máy trợ thở và đã áp dụng những biện pháp hiện có để đáp ứng nhu cầu đang tăng cao.

“Chúng tôi đã phê chuẩn một kỹ thuật y khoa, có thể giúp một máy trợ thở phục vụ được hai bệnh nhân một lúc. Đó là phương cách chia đôi, để bạn có thể kết nối thêm một bộ ống thở vào chiếc máy trợ thở hiện có, để phục vụ được hai bệnh nhân. Đây vẫn chưa là điều kiện lý tưởng, nhưng cách này khá hữu dụng. Chúng tôi cũng chuyển những chiếc máy gây mê thành máy trợ thở. Chúng tôi có vài ngàn chiếc máy gây mê trong các bệnh viện và chúng tôi sửa chức năng của chúng thành những máy trợ thở.”

Còn tại Âu Châu, Ý cho biết có thêm 662 ca tử vong, nhưng chiều hướng tăng cao nhanh chóng những ngày trước đó đã có dấu hiệu chững lại, sau khi toàn bộ quốc gia phong tỏa được hai tuần.   

Tại Tây Ban Nha, hôm nay có thêm 655 ca tử vong mới.

Đại dịch đã khiến hàng triệu người phải nghỉ việc.

Tuần trước, gần 3.3 triệu người Mỹ nộp đơn xin lãnh trợ cấp thất nghiệp.

Con số này cao gấp năm lần kỷ lục thất nghiệp trước đó, là 695,000 người trong cuộc suy thoái năm 1982.

Trong số các nạn nhân của đại dịch có cô Stephanie Myers ở quận Charlotte, Bắc Carolina.

Cô từng làm một lúc hai công việc bồi bàn với chín ca mỗi tuần, và không có thời gian vui chơi.

Nay cô phải cố gắng kiểm soát cuộc sống sau khi cả hai việc làm đều bị mất hết.

Lãnh đạo các quốc gia G-20, trong đó có Úc, đã đề nghị gói kích thích kinh tế 7.5 ngàn tỷ đô la.

Cuộc họp được tổ chức qua một đường link video và cùng ra một tuyên bố chung, cho biết để chống lại coronavirus, cần một kế hoạch khoa học, thiết thực, minh bạch, hợp tác và trên một phạm vi rộng.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đề nghị thiết lập một hành lang xanh, để tự do tiếp liệu và vận chuyển thiết bị kỹ thuật.

“Không gì quan trọng hơn vào thời điểm khủng hoảng này, là phải tạo ra một hành lang xanh, không bị giới hạn bởi chiến tranh thương mại hay các hình phạt kinh tế, để thuốc men, thực phẩm, thiết bị kỹ thuật có thể được tiếp tế hai chiều. Tốt nhất là chúng ta có thể giới thiệu một giai đoạn đình hoãn chung, dựa trên sự đoàn kết, tạm thời xóa bỏ các giới hạn về việc tiếp tế các thực phẩm cần thiết cũng như giới hạn chuyển tiền để mua những nhu yếu phẩm đó.“

Chính phủ các quốc gia tung ra những biện pháp kích thích kinh tế mới gần như mỗi ngày.

Bộ trưởng Tài chánh Vương quốc Anh, ông Rishi Sunak vừa tuyên bố gói giải vây tài chánh cho những người tự kinh doanh.

“Chính phủ sẽ trả cho những người tự kinh doanh bị ảnh hưởng coronavirus một khoản tiền trước thuế, có giá trị bằng 80% thu nhập trung bình hằng tháng của họ, tính trong ba năm qua. Tối đa 2,500 bảng một tháng. Biện pháp này áp dụng với tất cả mọi người tại Vương quốc Anh trong ít nhất là ba tháng tới, và nếu cần thiết, chúng tôi sẽ gia hạn thêm.”

Quý vị có thể thường xuyên cập nhật tin tức về coronavirus bằng ngôn ngữ của cộng đồng mình tại sbs.com.au/coronavirus.

Người Úc phải giữ khoảng cách với người khác ít nhất 1.5 mét. Trong nhà, phải có mật độ không quá một người trên bốn mét vuông không gian sàn.

Nếu bạn tin rằng bạn có thể đã nhiễm virus, hãy gọi cho bác sĩ của bạn (đừng đến phòng mạch) hoặc liên hệ với Đường dây Nóng Thông tin Y tế Quốc gia Coronavirus – Coronavirus Health Information Hotline theo số 1800 020 080.

Nếu bạn đang khó nhọc để thở hoặc trải qua một trường hợp khẩn cấp y tế, hãy gọi 000.

SBS tận lực mang đến tin tức cập nhật giúp bạn nắm bắt thông tin những diễn biến mới nhất của COVID-19 bằng tiếng Việt, xem tại:


Share