Vanessa ở tuổi 60 khi bà rơi vào tình trạng vô gia cư.
Sau khi hôn nhân tan vỡ, bà đã đi ra nước ngoài để giúp chăm sóc một thành viên trong gia đình bị bệnh.
Thế nhưng khi trở về nước, bà không thể tìm việc làm.
Tôi quay trở lại đây nghĩ rằng tôi sẽ kiếm được một công việc, tôi vẫn còn trẻ khỏe, nhưng mà khi tôi trở lại tôi không có việc làm, không có chỗ nào để đi.
"Bạn biết đấy, tôi phụ giúp chỗ này chỗ kia, loanh quanh trong nhà của người ta, đó là tất cả những gì mà tôi làm lúc đó.”
Bà rơi vào cuộc sống bên lề phố, và cảm thấy quá xấu hổ để có thể bộc bạch với gia đình hay bạn bè về tình cảnh của mình.
“Tin tôi đi, ở tuổi 60 bạn không hề muốn ở trên đường phố, không muốn sống ở trước nhà người khác, bạn không bao giờ muốn sống một cuộc sống như vậy, đó là điều buồn nhất. Tôi có một đứa con trai, nhưng tôi quá xấu hổ để nói với nó về điều mà tôi đang trải qua. Con trai tôi cũng có cuộc sống riêng và những vấn đề riêng của chính nó, với gia đình và con cái - vì vậy tôi không muốn tạo thêm gánh nặng cho con, dù gì thì đó là vấn đề của tôi và tôi phải tự giải quyết.”
Đáng tiếc là câu chuyện của Vanessa không phải là chuyện hiếm.
Những phụ nữ trên 55 tuổi như bà hiện chiếm 6% tổng số người vô gia cư ở Úc.
Trước bối cảnh này, nhà trú ẩn Gardenhouse đã được lập nên tại Melbourne, chỉ dành cho phụ nữ trên 50 tuổi. Đây cũng được cho là cơ sở đầu tiên tại Úc hoạt động theo hướng này.
Chủ tịch Hội đồng Gia cư trên toàn nước Úc, Louise Rutten cho biết nhiều phụ nữ có thể dành đến 18 tháng trong tình trạng vô gia cư hoặc đi ở nhờ trước khi yêu cầu sự giúp đỡ.
“Đối với chúng tôi, chúng tôi mong muốn có thể cung cấp một không gian, để họ có thể nghỉ ngơi lấy sức, ngừng ở trong trạng thái sinh tồn."
Họ được đi vào một ngôi nhà mà tại đó họ có thể cảm thấy như ở nhà, cảm nhận được tình yêu và sự thoải mái, để có một thời gian cần thiết chuẩn bị cho việc bước trở lại vào thế giới.
Ngôi nhà bị bỏ trống trước đây ở vùng ngoại ô phía đông của Melbourne nay đã được khôi phục, và có thể cung cấp nơi ở cho tối đa sáu phụ nữ cùng một lúc, với các phòng ngủ riêng biệt và tiện nghi bếp dùng chung.
Dự án đã mất gần 12 tháng để hoàn thành, với phần lớn nhân công và vật dụng được quyên góp.
Căn nhà là sự hợp tác giữa một số nhóm vận động, những người nhận thấy nhu cầu ngày càng tăng về nhà ở giá phải chăng, đặc biệt là cho những phụ nữ thoát khỏi bạo lực gia đình.
Tổng Giám đốc về Nhà ở Cộng đồng Y-W-C-A Charlotte Dillon cho biết chỗ ở khẩn cấp sẽ không chỉ cung cấp cho phụ nữ một nơi trú ẩn an toàn, mà họ còn được kết nối với một số dịch vụ khác để giúp xây dựng lại cuộc sống.
Nó sẽ cung cấp một nền tảng ổn định, và từ đây một khi phụ nữ tìm lại được đôi chân của mình, họ có thể bắt đầu xây dựng lại cuộc sống.
"Để rồi sau đó họ có thể trở lại lực lượng lao động, tham gia các khóa đào tạo, kết nối lại với gia đình và bạn bè, và sau đó có thể chuyển sang một trạng thái độc lập hơn và trong dài hạn.”
Bà Rutten nói rằng nhu cầu về những chỗ ở như vậy phản ánh một cuộc khủng hoảng rộng lớn hơn xung quanh vấn đề nhà ở giá rẻ.
“Chúng ta cần kỳ vọng và yêu cầu sự hỗ trợ không chỉ thông qua chính phủ, hiện tại phải chờ đợi rất lâu. Do đó quan điểm của chúng tôi luôn là liên minh với phía doanh nghiệp, chúng tôi sẽ có thể mang lĩnh vực tư nhân đến với nhiệm vụ này, điều sẽ giúp chúng tôi cung cấp được các nguồn lực quan trọng mà không phải đợi chờ từ phía chính phủ.”
Bây giờ ở tuổi 67, Vanessa cho biết cuộc sống của bà đang đi đúng hướng và bà có thể giúp đỡ những người phụ nữ khác.
Bà nói rằng trong khi một số người có thể cảm thấy xấu hổ hoặc ngại ngùng về việc trở thành người vô gia cư, luôn có những dịch vụ sẵn sàng giúp đỡ, và bản thân bà là minh chứng cho việc bạn hoàn toàn có thể xoay chuyển cuộc sống của mình.
Tôi hy vọng rằng mọi người có thể thấy những điều này và nói rằng ‘nhìn cô ấy kìa - cô ấy đã làm được điều gì đó, tôi cũng làm được thôi.