Theo phúc trình của các nhà nghiên cứu, đến từ Trung tâm Nghiên cứu Đô thị, trường đại học RMIT, một thành phố đáng sống phải thỏa mãn các điều kiện như giá nhà ở hợp lí và đa dạng; nhà cửa được kết nối thuận tiện với giao thông công cộng, các lối đi dành cho người đi bộ và đi xe đạp; vấn đề giáo dục, việc làm và không gian mở công cộng.
Theo tiêu chí này, Melbourne được đánh giá là thành phố đáng sống nhất trên thế giới. Thế nhưng, năm nay, thành phố này đã trượt mất danh hiệu này sau 7 năm nắm giữ.
Vì sao nên nỗi?
Phúc trình của Đại học RMIT cho rằng, lực lượng lao động đang tập trung rất đông tại trung tâm thành phố, và điều này đã gây áp lực lên hạ tầng cơ sở nói chung. Melbourne không còn đáp ứng đủ tiêu chuẩn "thành phố đi bộ", nơi mọi người có thể dễ dàng đi đến bất cứ địa điểm nào mà không cần sử dụng xe hơi.
Tác giả bản phúc trình, Giáo sư Billie Gilesorti cho rằng, mục tiêu nhà ở của thành phố là 15 căn/hecta, điều này là khá thấp, so với số 25 căn/hecta quy định cho các thành phố đi bộ. Vcậy nên theo giáo sư Billie, thành phố cần phải điều chỉnh lại quy hoạch :
“Những khu vực có thể đi bộ, nên được xem xét để trở thành thành phố đáng sống, bởi vì thành phố đáng sống dựa trên những khu vực có thể đi bộ, nơi mọi người tự do đi lại, đạp xe đạp, và sử dụng các loại phương tiện công cộng. Điều này rất quan trọng. Mức độ xây dựng của chúng ta quá thấp nên không đạt được chỉ tiêu này”Phúc trình cũng kêu gọi chính quyền địa phương mở rộng cơ hội việc làm ra các vùng ngoại ô, để giảm gánh nặng giao thông, giảm thời gian di chuyển và khuyến khích các hoạt động thể chất.
Safest Cities in the World Source: Shutterstock
“Người dân đang di chuyển một quãng đường dài để đến chổ làm. Chúng ta cần phải phân bố lại lực lượng lao động trên khắp thành phố, để giảm thiểu tối đa thời gian đi lại. Bởi khi lao động tập trung vào trung tâm thành phố, lẽ dĩ nhiên sẽ gây tắc nghẽn giao thông, ảnh hưởng đến hoạt động thể chất, một yếu tố dẫn đến rủi ro về sức khỏe”
Bên cạnh đó, phúc trình còn cho thấy, phương tiện giao thông không đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của người dân tại thành phố Melbourne.
Theo quy định về quy hoạch tại tiểu bang Victoria, 95% người dân Melbourne có thể đến các trạm xe bus trong vòng bán kính 400 mét, xe điện 600 mét và xe lửa 800 mét. Thế nhưng chỉ 69% tại các khu vực đô thị là đáp ứng đúng mục tiêu này, trong khi tại các thị trấn vùng ven là 14%.
Chính phủ Victoria: "Nếu tái đắc cử trong cuộc bầu cử tiểu bang sắp tới, tiểu bang sẽ xây dựng một tuyến đường sắt với kinh phí 50 tỉ đô la, nối các thị trấn phía Đông với sân bay Melbourne"
Phát ngôn nhân Hiệp hội Người sử dụng Phương tiện công cộng, Daniel Bowen còn cho biết thêm, thời gian và lịch trình của các phương tiện công công cũng là một vấn đề cần khắc phục.
“Thật không may, ở thời điểm hiện nay, chúng ta không xem xét nhiều đến yếu tố lịch trình của các chuyến xe bus. Ý tôi là nếu như có các trạm xe bus chỉ cách nhà dân chừng trăm mét, điều này tốt, nhưng nếu chỉ chạy mỗi tiếng 1 lượt, và không hoạt động vào cuối tuần. Đây không phải là một giải pháp đối với nhiều người, bởi họ chỉ việc leo lên xe hơi của mình và lái đi. Đây là những tồn tại có thực ở các thị trấn vùng ven Melbourne”
Giải pháp khôi phục thanh danh
Cũng theo ông Bowen, người dân cần được cung cấp những giải pháp thay thế, giúp việc đi lại dễ dàng hơn.
“Chúng ta cần nâng cấp các lối đi bộ và đường dành cho xe đạp. Ở một số nơi còn thiếu lối đi dành cho người đi bộ. Theo tôi, nếu vấn đề này được giải quyết, người dân sẽ lựa chọn giải pháp tốt cho sức khỏe này, thay thế việc tự lái xe hơi của mình”
Theo kế hoạch vừa được Chính phủ tiểu bang Victoria loan báo. Nếu tái đắc cử trong cuộc bầu cử tiểu bang sắp tới, tiểu bang sẽ xây dựng một tuyến đường sắt với kinh phí 50 tỉ đô la, nối các thị trấn phía Đông với sân bay Melbourne và các khu vực phía Bắc thành phố.
Giáo sư Gilescorti đã hoan nghênh kế hoạch này, và cho rằng nếu kế hoạch được triển khai, sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương.
“Tôi nghĩ rằng dự án mới, kết nối các vùng ngoại ô thật sự có tiềm năng lớn. Đặc biệt nếu xây dựng các nút giao thông , hoặc các nhà ga này, mọi người có thể di chuyển dễ dàng đến những vùng xa để làm việc, hoặc sinh sống, góp phần tăng việc làm cho người dân địa phương. Mọi người sẽ sử dụng phương tiện công cộng, và ít dùng xe cá nhân để di chuyển”.