Kids Helpline: hơn 3,500 cuộc gọi tố cáo hành vi bắt nạt trong năm 2017

Stop bullying

Stop bullying Source: bullyout

5 trong số 6 cuộc điện thoại là có liên quan tình trạng bắt nạt ở trường học, nhiều lời kêu gọi cần phải nghiên cứu thêm về nguyên nhân đằng sau hành vi bắt nạt và thay đổi cách nhìn nhận trọng tâm của vấn đề này. Nếu bị bắt nạt gọi ngay Kids Helpline 1 800 55 1800.


Trong những năm gần đây, một số chương trình đã được áp dụng tập trung vào việc giúp trẻ em đối phó với tình trạng bắt nạt trên mạng trực tuyến (Cyber Bullying).
“Các em phải ứng xử thế nào với vấn đề, và làm thế nào để trở nên kiên cường sau khi gặp vấn đề. Chúng tôi rất khuyến khích việc trẻ em lên tiếng về hành động bắt nạt,” bà Fiona Maelasi - Người phụ trách vấn đề Đa dạng sắc tộc và An sinh cho học sinh tại Trường Tiểu Học Saint John XXIII ở Melbourne.
Thế nhưng, Kids Helpline cho biết, 73% số cuộc gọi mà họ nhận được liên quan đến hành vi bắt nạt, xảy ra trong cuộc sống chứ không phải trên mạng internet hay tin nhắn điện thoại.

Do đó, đường dây trợ giúp này đang kêu gọi tăng cường tập trung tìm hiểu lý do tại sao trẻ em lại bắt nạt các bạn khác thay vì cách chúng sử dung công nghệ số để thực hiện hành vi.

Nguyên nhân khiến trẻ bắt nạn bạn bè

Giám đốc điều hành Kids Helpline, Tracy Adams cho rằng xã hội chúng ta cần phải tìm hiểu xem trẻ em đang học cách bắt nạt người khác từ đâu.

"Tôi nghĩ rằng đó là vấn đề của trẻ em, không nhất thiết phải hiểu được hành vi của chúng với những đứa trẻ khác.”

“Tôi nghĩ chúng ta phải tự hỏi bản thân mình chứ đừng hỏi vì sao nhiều trẻ lại đi bắt nạt những trẻ khác.”

“Tại sao chúng ta với tư cách là một cộng đồng, có những mối quan hệ thế nào mà để dẫn đến những hành vi của bọn trẻ như thế.”

“Vì vậy, nếu chúng ta vẫn đang có những mối quan hệ khiến cho chúng ta không được tôn trọng và không hề thể hiện ra được thế nào mới là cách quan hệ với người khác cho tử tế thì đừng đòi hỏi bọn trẻ có thể hiểu được chúng đang làm gì với các bạn khác.”

“Và khi những thứ đó dẫn đến hành động bắt nạt thì có thể người ta đã phóng đại vấn đề.”

“Làm cha làm mẹ thì chúng ta phải hiểu rằng hành động của trẻ thường là sự phản ánh những điều mà chúng ta vẫn làm thôi,” bà Adams nói.  

Các dữ liệu được công bố đúng dịp Ngày quốc gia Hành động chống hành vi bắt nạt và bạo lực (16/2).

Ngày này là lúc để hàng trăm trường học, học sinh và giáo viên trên khắp đất nước cố gắng giúp tìm giải pháp đối phó với bạo lực và bắt nạt ở trường học.

Thủ tướng Malcom Turnbull đã ủng hộ chiến dịch quốc gia và các chiến lược khác để giải quyết vấn đề.

"Các trường học và học sinh đang gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng tình trạng bắt nạt và bạo lực không thể tồn tại ở nước Úc này.”

“Tôi xin chúc mừng và cảm ơn tất cả các trường học đã lên tiếng và đi đầu trong vấn đề này cho dù là xảy ra ngay ở trường hay trên mạng trực tuyền.”

“Sát cánh bên nhau chúng ta sẽ tìm ra giải pháp đối phó tình trạng bắt nạt và bạo lực," ông Turnbull nói.

Thế nào là Bullying? 

Dữ liệu từ Đường dây trợ giúp của Trẻ em cho thấy hình thức bắt nạt phổ biến nhất là dùng lời nói, tẩy chay hoặc lan truyền tin đồn về nạn nhân.

Cứ 20 thanh thiếu niên được khảo sát thì có một em nói rằng đã phải chịu đựng việc hăm dọa, đe dọa gây tổn hại cho cá nhân hoặc tống tiền, 5 phần trăm trong số này bị hành hung.

Một nhóm trẻ em ở bậc tiểu học tại Melbourne đã đưa ra một số giải thích về lý do tụi trẻ bắt nạt bạn cùng lứa.

“Bởi vì các bạn ấy muốn có bạn bè, có lẽ là các bạn thấy mình lẻ loi.”

“Trẻ con bắt nạn những đứa trẻ khác là vì chúng thấy thích thú khi áp đặt quyền lực của mình lên những đứa khác.”

"Tụi trẻ bắt nạt các bạn cùng trang lứa bởi vì chúng muốn lấy mọi thứ của những đứa trẻ khác, từ đó mà chúng thấy mình nổi trội hơn và có nhiều bạn bè hơn."

Em Thomas Dimovski, 10 tuổi ở Melbourne cho biết, một nhóm trẻ em thường gọi em bằng các biệt danh khác nhau và tẩy chay em khỏi các hoạt động chung.

Em nói ban đầu đã cố gắng để lờ đi chuyện đó, nhưng nó tiếp tục xảy ra.

"Em không muốn đi học, chỉ muốn ở lại trong phòng mình, muốn có thời gian cho chính mình. Em không muốn nghĩ về những đứa bạn đó, em chỉ muốn có thời gian cho bản thân mình thôi.”

“Thậm chí em không muốn gặp đứa bạn thân nhất của mình nữa, em giận dữ lắm. Em thấy ghét mọi thứ. Không muốn nhìn thấy tụi nó, thậm chí em không thể chợp mắt được.”

“Hậu quả tệ đến như thế đấy, em đã cố gắng để lờ đi tất cả trong khoảng một tháng. Nhưng rồi em phải đối diện với vấn đề, đến gặp giáo viên để được giúp đỡ và tư vấn.”

“Giáo viên đã gọi cho cha mẹ em để bàn thảo về chuyện đó. Họ đã gặp nhau và giải quyết vấn đề,” Dimovski nói.

Giải pháp

Sau đó giáo viên đã sắp xếp một cuộc gặp với em và bọn trẻ bắt nạt em.

Giáo viên yêu cầu bọn trẻ dừng lại, thế nhưng cậu bé nói rằng, hành động bắt nạt tiếp tục xảy ra một thời gian sau đó.

Sau cùng thì mọi thứ bắt đầu thay đổi.

"Họ thực sự là bạn của em. Một trong số họ thực sự đã mua cho em một ly Icy Pole tuần trước.”

“Em đã chơi bóng rổ và rất nhiều trò chơi với các bạn. Có một hôm, họ bắt đầu nói chuyện với em.”

“Vì vậy, đó là cách em kết bạn với họ. Em biết, điều đó thật đáng ngạc nhiên khi mà giờ đây em là bạn của chính những đứa đã bắt nạt mình,” Dimovski nói.

Fiona Maelasi là người phụ trách vấn đề Đa dạng sắc tộc và An sinh cho học sinh tại Trường Tiểu Học Saint John XXIII ở Melbourne.

Bà nói trẻ em cần phải sớm học được rằng xung đột là một phần của cuộc sống và hiểu cách tốt nhất để giải quyết vấn đề.

"Trong suốt cuộc đời của chúng, chúng sẽ phải giải quyết những vấn đề có liên quan đến xung đột.”

“Vì vậy, trừ khi được dạy dỗ cho rõ ràng từ khi còn nhỏ, nếu không trẻ em thường phải vật lộn để tìm cách giải quyết vấn đề đó.”

“Các em phải ứng xử thế nào với vấn đề, và làm thế nào để trở nên kiên cường sau khi gặp vấn đề. Chúng tôi rất khuyến khích việc trẻ em lên tiếng về hành động bắt nạt.”

“Chúng tôi đã giảng dạy nhiều về việc này trong chương trình của chúng tôi ở đây, ngay tại trường, để bảo đảm rằng các em đang được trang bị những kỹ năng chúng cần, rồi việc phải làm gì, làm thế nào để nhận ra tình trạng bắt nạt.”

“Các em cần biết rằng đó là hành vi lặp đi lặp lại chứ không phải chỉ là vô tình xảy ra. Đó là một thách thức thực lớn, bởi vì đôi khi cha mẹ cũng không có sự hiểu biết về vấn đề.”

“Điều quan trọng là các em hiểu biết vấn đề và chúng biết cách xử lý những tình huống đó," bà Maelasi nói.

 

 

 


Share