Học sinh Úc cần chú trọng học ngoại ngữ

Primary school students in Brisbane

Primary school students in Brisbane. Source: SBS

Học sinh Úc đang tụt hậu xét về kỹ năng sử dụng ngoại ngữ. Đây là một điểm yếu về lực lượng lao động trong thời đại toàn cầu hóa. Chẳng thế mà, gần đây, một chuyên gia nổi tiếng về giáo dục của Phần Lan khi đến thăm Úc đã nói rằng, bên cạnh 23 khuyến nghị thay đổi đã có trong phúc trình Gonski, Úc nên có thêm một thay đổi nữa, đó là nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc học thêm một ngôn ngữ thứ hai, ngoài tiếng Anh đối với học sinh. Khuyến nghị này nhận được nhiều đồng thuận của các chuyên gia về giáo dục của Úc.


Phúc trình về hệ thống giáo dục của Úc, do doanh nhân David Gonski chủ trì, đã đưa ra một số khuyến nghị chi tiết, ngõ hầu giải quyết một thực trạng buồn là kết quả của học sinh Úc thể hiện qua các kỳ thi đang ngày thêm đi xuống.

Tuy nhiên, chuyên gia giáo dục nổi tiếng của Phần Lan, ông Pasi Sahlberg, gần đây đến thăm Úc đã đưa thêm một khuyến nghị quan trọng mà ông cho là đã bị bỏ qua trong phúc trình Gonski. Đó là cần chú trọng hơn vào việc dạy ngoại ngữ cho học sinh.

Giáo sư Sahlberg viện dẫn bảng xếp hạng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (viết tắt theo tiếng Anh là OECD). Theo bảng xếp hạng này thì Úc nằm dưới cùng trong 34 quốc gia về khả năng học sinh tốt nghiệp trung học nói một ngôn ngữ thứ hai.

Ông Hamish Curry, Giám đốc điều hành Quỹ Giáo dục châu Á, đồng ý với nhận định rằng, phúc trình Gonski đã bỏ qua vấn đề học ngôn ngữ thứ hai.

Ông Curry nói: “Ông ấy bình luận rằng, phúc trình Gonski đã để lỡ một cơ hội trong việc tái nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học ngôn ngữ thứ hai. Tôi nghĩ, quả là Úc đang tụt hậu so với phần còn lại của thế giới về chuyện này. Ở các trường tiểu học, điều đó chắc chắn đã được cải thiện phần nào. Tuy nhiên, theo tôi, thách thức là ở giai đoạn cuối của thời trung học. Các em học sinh vẫn chưa thấy ham mê trong việc học ngôn ngữ mới. Cũng cần có sự khuyến khích, để thúc đẩy các em nhìn ra những mục tiêu lớn hơn, để hiểu vì sao học một ngôn ngữ thứ hai lại trở nên quan trọng đến vậy”.

Ông Curry cũng nói rằng, có một số ích lợi tiềm tàng khác của việc học thêm một ngôn ngữ mới: “Rất nhiều lợi ích khác liên quan đến ngôn ngữ, nằm ở khía cạnh tinh thần. Tôi nghĩ, lợi ích lớn lao hơn cả là sự thấu cảm của chúng ta với các nền văn hóa khác và những quan điểm khác nhau trên thế giới. Ngôn ngữ là cầu nối giúp chúng ta đồng cảm hơn, cho phép chúng ta vượt qua những rào cản mà có thể chỉ là hậu quả của sự hiểu nhầm”.

Số người Úc nói được hai thứ tiếng đang ở mức rất đáng lưu ý. Số liệu từ cuộc điều tra dân số năm 2016 cho thấy, số người chỉ nói tiếng Anh tại nhà đã tăng hơn nửa triệu so với số liệu năm 2011.

Còn theo báo cáo của Quỹ Thanh niên Úc cùng năm 2016, qua khảo sát trên hơn 4 triệu quảng cáo về việc làm cho thấy, nhu cầu về kỹ năng sử dụng song ngữ đã tăng 181%.

Annette Cairnduff, đến từ Quỹ Thanh niên Úc, cho biết rằng, sử dụng được nhiều ngôn ngữ mang lại lợi thế không nhỏ khi tìm việc. “Thực vậy, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng, các nhà tuyển dụng sẵn sàng chi trả nhiều tiền hơn cho những người trẻ tuổi, nhân viên có kỹ năng sử dụng được hai thứ tiếng. Công việc của chúng ta ngày càng gắn bó hơn với thế giới rộng lớn. Chúng ta đang đi nhiều hơn hay sống ở nước ngoài nhiều hơn. Bởi thế, kỹ năng này thực sự cần thiết và được đặt ra bởi các tổ chức, công ty một khi họ bước chân tham gia vào nền kinh tế toàn cầu”.

Tuy nhiên, vẫn có một số ý kiến tranh luận liên quan đến việc dạy trẻ học thêm ngoại ngữ. Một trong những luận điểm phổ biến nhất là, trẻ cần có thêm thời gian để học toán và kỹ năng đọc viết bằng tiếng Anh. Đây cũng chính là hai lĩnh vực được xác định là cần cải thiện theo phúc trình Gonski 2.0.

Một lập điểm khác là trẻ em chưa cần sử dụng thêm một ngôn ngữ khác. Các em chỉ cần nó về sau này hoặc có khi cả đời cũng chẳng cần đến.

Hiện tại, học sinh ở tiểu bang New South Wales được yêu cầu học 100 giờ ngoại ngữ trong những năm đầu trung học. Còn tại tiểu bang Victoria, môn ngoại ngữ được dạy từ mẫu giáo đến năm lớp 6.

Bà Alice Chik, giảng viên cao cấp về ngôn ngữ học và giáo dục ứng dụng, tại Đại học Macquarie ở Sydney, nói rằng dẫu cho các em học sinh chưa thể nhìn ra những lợi ích của việc học thêm một ngôn ngữ khác ngay từ giờ, các em sẽ nhận được nhiều quả ngọt về sau.

TS Chik nói: “Học ngôn ngữ là một dự án dài hạn. Quý vị không thể nào dùng được một ngôn ngữ mới chỉ trong vòng chưa tới 100 giờ học, cho dù đây là yêu cầu của tiểu bang New South Wales với học sinh lớp 7 và lớp 8. Liệu có thể học được bao nhiêu trong chỉ 100 giờ? Vậy nên, chúng ta cần bắt đầu dạy ngoại ngữ cho các em từ khi còn nhỏ, từ cấp tiểu học”

Chính phủ Liên đảng từ lâu đã ủng hộ việc người nhập cư cần học hoặc cải thiện kỹ năng tiếng Anh. Ngân sách liên bang năm nay đưa ra yêu cầu những người mới nhập cư nếu đang nhận trợ cấp xã hội hoặc nếu tiếng Anh ở mức thấp phải đợi lâu hơn trước khi có thể nhận được giúp đỡ trong tìm kiếm việc làm. Chính phủ cho biết thời gian chờ đợi bổ sung như vậy sẽ giúp người di cư cải thiện trình độ tiếng Anh của họ.

TS Chik nói rằng, cần yêu cầu ngay với những người sinh ra ở Úc biết thêm một ngôn ngữ khác. “Chính phủ Úc nhấn mạnh rằng, nền kinh tế của chúng ta hưởng lợi rất nhiều từ lực lượng lao động đa văn hóa, đa ngôn ngữ. Điều đó là hoàn toàn chính xác. Nhưng hiện tại, chúng ta vẫn chỉ đang dựa vào những người nhập cư mới, chẳng hạn, đưa ra những yêu cầu khắt khe hơn với lực lượng lao động đa văn hóa và đa ngôn ngữ đó”.

Phúc trình Gonski 2.0 đã nhận được gần 300 đệ trình từ những người đang làm việc trong ngành giáo dục và cuối cùng, đã đưa ra 23 đề xuất. Phúc trình này cho rằng, Úc nên hướng tới một cách tiếp cận cá nhân hóa giáo dục và hiện đại hóa hệ thống giáo dục nhằm đáp ứng với một thế giới toàn cầu hóa đang thay đổi một cách chóng mặt.


Share