Ông Louis J. Freeh làm giám đốc FBI từ năm 1993 cho đến năm 2001 và về hưu 3 tháng trước khi xảy ra vụ tấn công khủng bố 11 tháng 9.
Phát biểu tại một diễn đàn của Phòng Thương Mại và Kỹ Nghệ Úc, ông Freech nói phối hợp với khu vực tư nhân trong việc chống khủng bố là một sáng kiến hay của chính phủ Úc.
"Một trong những điểm đáng nói của mô hình Úc là chính phủ đem kinh nghiệm của có từ hơn 1 thế kỷ qua đưa vào áp dụng trong khu vực tư để giải quyết các vấn đề."
"Nhưng cái hay là khi làm như vậy đã dẫn đến những cái lợi cho chính phủ trong khía cạnh thực thi chính sách và các nguyên tắc của các nhân viên công lực."
Tiếp lời tại cùng diễn đàn, Bộ trưởng Nội Vụ Peter Dutton nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự cộng tác giữa công chúng và các cơ quan an ninh và cảnh sát.
"Thật sự là chúng ta cần phải nương vào cộng đồng, từ sự điềm chỉ của một người vợ, một người anh em, một giáo sĩ, hay một ai đó trong cộng đồng. Đó là cách thực tế nhất để phát hiện, ngoại trừ là chúng ta có thể theo dõi 24/24."
"Trong nhiều trường hợp khả năng theo dõi, nghe lén, thu thập tin tình báo theo cách cổ điển chỉ được áp dụng trong những vụ tấn công có kế hoạch, chứ còn những vụ tấn công đơn lẻ như ở Melbourne gần đây thì không.”
Ông Dutton muốn nói đến vụ tấn công trên đường Bourke St hôm 9 tháng 11, khi người đàn ông 30 tuổi gốc Somali Hassan Khalif Shire Ali lái xe chở các bình ga vào trung tâm thành phố và mồi lữa.
Sau đó ông ta dùng dao rượt đâm những người chung quanh, giết chết Sisto Malaspina, chủ quán ăn Ý, trước khi bị cảnh sát bắn chết.
Ông Dutton bênh vực cho quan điểm của thủ tướng chính phủ khi đã không ngần ngại mô tả đây là một vụ tấn công khủng bố.
"Chúng ta biết rằng phủ nhận một sự thật là các vụ khủng bố hồi giáo do những người có cách hiểu sai về Hồi giáo là chúng ta phủ nhận một thực tế. Và phủ nhận thực tế đó là chúng ta đã tránh không giải quyết vấn đề. "
"Công chúng Úc muốn thấy các nhà lãnh đạo nói lên sự thật đó và cho họ biết sự thật. Đó là lý do tại sao chính phủ này sẽ tiếp tục làm như vậy. Chính phủ sẽ không từ nan những vấn đề hóc búa chỉ vì sợ làm mất lòng một số người."
Cả hai ông Dutton và ông Freeh nói rằng tiền tuyến mới trong cuộc chiến chống khủng bố sẽ là kỹ thuật bởi vì những kẻ khủng bố ngày càng sử dụng các phương tiện liên lạc được mã hóa như là Whatsapp để lên kế hoạch tấn công. B
Bộ trưởng Nội vụ Peter Dutton nói điều quan trọng là dự thảo luật Hỗ trợ Chính phủ phải được quốc hội thông qua để giúp cho các cơ quan tình báo liên bang và cảnh sát liên bang có thể ngăn chặn được các vụ tấn công khủng bố.
"Tin nhắn thư từ được mã hóa đã được bọn khủng bố sử dụng để che dấu việc liên lạc và địa điểm của chúng, đặc biệt là để lên kế hoạch và tiến hành các vụ khủng bố."
"Chúng tôi hy vọng rồi tất cả mọi liên hệ của bọn khủng bố và tội phạm sẽ được giải mã. Đối với các cơ quan tình báo, và các cơ quan công lực, điều đó tương đương với việc chặn đứng các giao tiếp trên mạng."
"Chưa bao giờ quan trọng hơn lúc này đó là chúng ta cần có kỹ thuật của thế kỷ 21 để đối phó với những mối đe dọa của thế kỷ 21," ông Dutton nói.
Ông Dutton quả quyết dự luật này không làm suy yếu các quyền dân sự khi mà mọi hoạt động tình báo đều phải tiến hành theo đúng luật định.
"Với trát lệnh của tòa án, chúng tôi sẽ thu thập mọi bằng chứng trong mọi bộ phận công chúng để có được thông tin dùng để chống tội phạm không để cho chúng xảy ra."
Cựu giám đốc FBI ông Freeh nói rằng các chính phủ cần phải giỏi hơn trong việc sử dụng kỹ thuật giải mã để vừa bảo vệ cho sự an toàn vừa bảo vệ an ninh cho công chúng.
Trong lãnh vực này, ông Freech nói khu vực kinh doanh đóng vai trò lớn.
"Chúng ta không những phải cải tiến kỹ thuật giải mã mà phải tạo dựng niềm tin trong công chúng."
"Chúng ta cũng cần điều chỉnh kỹ thuật giải mã và quan điểm để khu vực tư nhân có thể yên tâm chuyển thông tin cho các các cơ quan công lực nhưng đồng thời bảo đảm an toàn cho những thông tin và những bí mật kinh doanh của các công ty. Chúng ta cũng cần xây dựng cầu nối giữa chính phủ và khu vực công.”