Di trú và mậu dịch nằm trong chương trình nghị sự của APEC

Tổng trưởng Di Trú lắng nghe Thủ Tướng nói

Tổng trưởng Di Trú lắng nghe Thủ Tướng nói Source: AAP

Phe đối lập liên bang hiện cáo buộc chính phủ là đạo đức giả, giữa lúc có tin tức có thể có một thỏa thuận về định cư người tỵ nạn với Mã Lai.


Lao động hiện nhắc nhở Liên đảng về việc Liên đảng đã phản đối đề nghị nầy, khi Lao động đầu tiên giới thiệu i hồi 5 năm trước.

Việc nầy diễn ra khi các nhà lãnh đạo tham dự tại Peru, để xem xét về tương lai các thỏa ước mậu dịch khi có một nền hành chính mới tại Mỹ.

Thủ tướng Malcolm Turnbull gặp gỡ với người đồng nhiệm Mã Lai là ông Najib Razak, bên lề cuộc họp thượng đỉnh APEC tại Peru.

Người ta được biết, cả hai ông thảo luận về vấn đề di trú trong số các chủ đề khác, như mậu dịch, an ninh khu vực, các tranh chấp tại Trung đông và ở Biển Đông.

Ông Turnbull từ chối bình luận gì về tin tức cho biết, một thỏa thuận có lẽ đã đạt được với Mã Lai, nhằm định cư người tỵ nạn từ trung tâm thanh lọc di trú, trên đảo Manus của Papua tân Guine và ở Nauru.

Có những vấn đề đặt ra như liệu Tổng thống tân cử Donald Trump, sẽ tôn trọng Hiệp định do chính quyền hiện tại cam kết, để nhận những người tỵ nạn từ các trại giam giữ ở ngoài nước Úc, hay không.

Tổng trưởng Di trú, ông Peter Dutton cho đài Sky News biết rằng, chính phủ sẽ không báo trước bất cứ thỏa hiệp nào, có thể đạt được với Mã Lai.

"Tôi nghĩ chúng tôi đã kiên nhẫn khi thảo luận đàng sau hội nghị, để đưa ra các loan báo đang xảy ra".

"Thế nhưng ước muốn tối hậu của chúng tôi, là đưa mọi trẻ em ra khỏi nơi giam giữ trên nước Úc và đóng cửa 17 trung tâm tạm giam di trú, để phụ nữ và trẻ em cùng các gia đình ra khỏi Nauru là một ưu tiên, sau đó nếu có thể được là những người còn ở lại ra khỏi Nauru và Manus".

"Đó là những gì mà chúng tôi hướng đến". Tổng trưởng Di trú Peter Dutton nói.

Trong khi đó, phe đối lập tại Úc cáo buộc chính phủ là đạo đức giả, khi chính phủ nay ủng hộ một chính sách mà Liên đảng đã từng chống lại, khi chính phủ Lao động đề ra hồi năm 2011.

Trước khi thỏa hiệp cuối cùng bị tòa án tối cao hủy bỏ, Liên đảng đã ngăn cản thỏa ước trao đổi người tỵ nạn với nhà cầm quyền Mã Lai của chính phủ Gillard, khi Liên đảng nêu lên các quan ngại về nhân quyền.

Phó lãnh tụ đảng Lao động là bà Tanya Plibersek cho biết, một thỏa ước mới với Mã Lai sẽ được hoan nghênh, thế nhưng chính phủ nên xin lỗi về sự thay đổi rõ ràng, trong lập trường của mình.
 
"Với những người đã bỏ phiếu chống lại Giải pháp Mã Lai là một quốc gia định cư khi Lao động nắm quyền, họ cần giải thích tại sao họ lại theo đuổi giải pháp nầy. Nó cho thấy một thái độ đạo đức giả và không thích hợp của một chính phủ".

Trong khi đó, tương lai của Hiệp định Tự do Mậu dịch xuyên Thái bình Dương TPP, đã chiếm hầu hết các cuộc hội đàm giữa các quốc gia hội viên của TPP tại Peru.

Hiệp định nầy nếu được chấp thuận, sẽ là hiệp ước tự do mậu dịch lớn nhất thế giới, do Hoa kỳ hướng dẫn và chiếm đến 40 phần trăm nền kinh tế thế giới, với Hoa kỳ phải phê chuẩn hiệp định, để nó có hiệu lực.
"Tử quan điểm của chúng tôi của nước Úc, càng gia nhập thì chúng ta càng có nhiều thị trường, việc nầy lại càng tốt hơn". Thủ tướng Malcolm Turnbull nói.


Thế nhưng Tổng thống đắc cử Donald Trump, đã chỉ trích các thỏa ước tự do mậu dịch, trong đó bao gồm TPP và gọi đó là một thảm kịch giết chết các công việc.

Tổng thống Hoa kỳ sắp mãn nhiệm Barack Obama, Thủ tướng Malcolm Turnbull và các Thủ tướng Canada, Tân tây Lan và những vị khác đều mong muốn TPP, cuối cùng sẽ nhận được mọi sự ủng hộ cần đến.

Họ tổ chức cuộc họp dưới khẩu hiệu TPP và được Tổng thống Obama hoan nghênh.

"Sẽ có các căng thẳng gia tăng, có thể về mặt mậu dịch hơn là các vấn đề khác, bởi vì vị Tổng thống đắc cử đã vận động tranh cử khi nhắm đến mọi thỏa ước mậu dịch và có thể đảo ngược một số chính sách đó".

"Thế nhưng một khi họ nhìn vào việc hiệp định nầy hoạt động như thế nào, tôi nghĩ họ sẽ cho rằng, nó sẽ tốt đẹp cho nước Mỹ và các các đối tác thương mại khác". Tổng thống Hoa kỳ sắp mãn nhiệm Barack Obama tuyên bố.

Hiệp định bị kẹt tại Quốc hội Mỹ và dường như sẽ không thể thông qua, dưới thời chính phủ của ông Donald Trump.

Thế nhưng ông Turnbull cho biết, ông sẽ không bỏ cuộc.

"Hiệp định có thể sẽ tốt đẹp qua thời gian, TPP sẽ được Hoa kỳ qua Quốc hội tái cam kết, hay thực sự do vị Tổng thống thực hiện điều nầy".

"Có thể trong hình thức như trong hiện tại, hay có lẽ dưới một dạng khác".

"Thế nhưng điều quan trọng là duy trì sự cam kết đối với các dàn xếp, với tự do mậu dịch và thị trường tự do đang mang lại công việc tại nước Úc". Thủ tướng Malcolm Turnbull nói.

Trong khi đó, Trung quốc hiện đẩy mạnh một hiệp ước tự do mậu dịch thay thế, đó là Hiệp ước Hợp tác Kinh tế Toàn diện Trong Vùng, gọi tắt là R-CEP, giữa 10 quốc gia Đông Nam Á, nhưng loại trừ Hoa kỳ.

Chủ tịch Trung quốc Tập cận Bình cho rằng, một hiệp ước hợp tác như vậy sẽ mang lại lợi ích cho các quốc gia tham dự.

"Chúng tôi phải tự cam kết trong việc xây dựng một cộng đồng, với tương lai được chia xẻ với nhau, điều đó bó buộc chúng ta lại gần nhau, hơn là tách xa ra".

"Chúng ta phải tiếp tục thắt chặt và nới rộng sự cộng tác trong vùng, chúng ta phải thiết lập một diễn đàn chung, thiết lập các qui tắc chung và chia xẻ những kết quả về sự phát triển của chúng ta. Bất cứ âm mưu nào, nhằm loại trừ những ai trong chúng ta sẽ bị bác bỏ". Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói.

So với Hiệp định TPP, Hiệp ước R-CEP cũng nhắm vào việc cắt giảm thuế quan và các rào cản quan thuế, thế nhưng có những lời kêu gọi giảm bớt và giới hạn về tiêu chuẩn điều hành.

Thủ tướng Malcolm Turnbull cho biết, ông để ngõ trước ý kiến như vậy.

"Đó là một thỏa ước mậu dịch có tính cách truyền thống hơn, khi giảm bớt quan thuế đánh trên hàng hóa và dịch vụ, thế nhưng nó không đi xa như TPP và không có nhiều tham vọng như vậy, tuy vậy đó cũng là một bước tiến rất tốt".

"Tôi muốn nói là, quí vị không thể mong cầu sự vẹn toàn luôn ngăn trở chúng ta".

"Tử quan điểm của chúng tôi của nước Úc, càng gia nhập thì chúng ta càng có nhiều thị trường, việc nầy lại càng tốt hơn". Thủ tướng Malcolm Turnbull nói.





 


Share