Một phát ngôn nhân cho ông Dutton xác nhận các tiêu chuẩn sẽ không được áp dụng ví dụ tính đến ngày nộp đơn đã phải sống ở Úc 4 năm thay vì 1 năm, và phải qua được bài thi tiếng Anh ở trình độ đại học.
Trước đó Chính phủ đã hy vọng có thể áp dụng những thay đổi này kể từ 1/7/2018. Điều đó có nghĩa là những ai nộp đơn trước ngày 1/7/2018 thì vẫn sẽ được cứu xét theo luật hiện hành.
Thượng Nghị sỹ Đảng Xanh Nick McKim đã vận dụng một lỗi về thủ tục để gạt bỏ dự luật này khi chính phủ không trình bày cho Thượng viện trước 7g20 tối hôm qua.
"Hàng ngàn người có cuộc sống dậm chân tại chỗ bởi vì ông Peter Dutton, nhưng kể từ hôm nay những người đó có thể tiếp tục cuộc sống của họ, có thể chọn lựa tương lai cho họ và tin tưởng rằng đơn của họ sẽ được cứu xét theo luật hiện hành, chứ không theo luật Da trắng của ông Peter Dutton mà Thượng Viện đã bác bỏ."
Nhiều người đã hoang mang khi chính phủ công bố những thay đổi hồi tháng Tư, mà qua đó quyền hạn của tổng trưởng di trú cũng được gia tăng đáng kể.
Chủ tịch liên minh người Úc gốc Á tại Victoria, bà Molina Asthana nói nhiều di dân cảm thấy họ bị cho ra rìa.
"Tôi tin rằng những gì chính phủ đề nghị có tính cách phân biệt và áp đặt lên những người kém tiếng Anh."
"Có rất nhiều người dù không có nguồn gốc từ một nước nói tiếng Anh nhưng đã đóng góp thật đáng kể cho xã hội Úc, về mặt tài chánh, xã hội lẫn văn hóa," bà Asthana nói.
Chủ tịch các cộng đồng sắc tộc ở Victoria, Eddie Micallef nói chính di dân đã tạo nên nền tảng của nước Úc.
"Hãy nhìn vào những đóng góp của di dân cho đất nước này. Rất nhiều người đã có những đóng góp đáng kể nhưng có lẽ sẽ không thi đậu bài thi tiếng Anh mà chính phủ đề nghị."
"Đất nước này được xây dựng nhờ bàn tay của di dân và người tị nạn. Tôi nghĩ chúng ta không bao giờ nên xem nhẹ những đóng góp đó," ông Micahhef nói.
Phát ngôn nhân về di trú của Đảng Lao Động, Tony Burke nói đây là chiến thắng của một nước Úc đa văn hóa hiện đại.
"Đây là thắng lợi to lớn cho những ai muốn trung thành với đất nước này và muốn đóng góp cho đất nước này nhưng bị chính phủ ngăn cản."
"Thời gian thay đổi trong dự luật có nghĩa là nhiều người sẽ phải chờ đợi trên 10 năm mới có thể thề trung thành với nước Úc. Điều đó đã bị bác bỏ. Yêu cầu thi tiếng Anh trình độ đại học cũng đã bị bác bỏ."
Di dân đến từ Ireland, Peter Moloney và vợ sống ở Nam Úc trong 5 năm qua nhưng chỉ mới trở thành thường trú nhân cách đây 2 năm, vẫn lo lắng vì sợ chính phủ vẫn tiếp tục tìm cách thông qua luật mới.
"Tôi chỉ lo lắng không biết điều gì xảy ra trong tương lai mặc dù bây giờ tôi rất vui khi biết Thượng viện bác bỏ dự luật quốc tịch của chính phủ."
"Và chúng ta cũng phải ghi nhận đây là kết quả của rất nhiều người, người dân cũng như các chính trị gia. Vì vậy hôm nay là một ngày tốt cho nước Úc, nhưng tôi nghĩ chuyện chưa kết thúc ở đây."
Chính phủ có thể đệ trình trở lại dự luật quốc tịch, nhưng sẽ phải có được sự ủng hộ trên Thượng viện.
Một phát ngôn nhân của ông Dutton nói chính phủ quyết tâm củng cố luật quốc tịch và sẽ tiếp tục đàm phán với các TNS trung lập.