Đại diện di dân và Thổ dân Úc: Budget 2017 phân biệt đối xử và thiếu công bằng

File Image

File Image Source: AAP

Liên minh các Hội đồng sắc tộc tại Úc (FECCA) lo ngại về các yêu cầu nghiêm ngặt hơn về cư trú khi đăng ký khoản cấp dưỡng cho người cao niên, trong khi cơ quan đại diện cho người Thổ dân và dân đảo Torres Strait cho rằng một số nội dung Bản Ngân Sách tiếp tục đối xử không công bằng với người Úc gốc Thổ dân.


Trong số những mối quan ngoại của Liên minh các Hội đồng Sắc tộc tại Úc (FECCA) đối với Bản Ngân Sách 2017, có tác động tiềm ẩn của việc thay đổi các quy định về cư trú để người lãnh trợ cấp hưu trí và khuyết tật phải đáp ứng trước khi được phục vụ.

FECCA cho rằng việc kéo dài thời gian cư trú liên tục ra 15 năm bao gồm 5 năm làm việc thường xuyên, sẽ ảnh hưởng xấu đến cộng đồng những người di dân và tỵ nạn.

Trong điều khoản này thì chỉ có một điều kiện ngoại lệ là người đó phải sống tại Úc ít nhất là 10 năm mà chưa bao giờ nhận trợ cấp sinh xã hội.

Biện pháp này được áp dụng nhằm tiết kiệm cho chính phủ 119 triệu Đô la trong vòng 5 năm.
“Họ đối xử như thể chúng tôi là trẻ con khi áp dụng biện pháp kiểu như thế này. Tôi nghe là có một người đàn ông đã tuyệt thực ở Kimberley vì ông ấy không đồng ý cái thẻ chi tiêu không cấm rút tiền mặt này,” Bà Jackie Huggins - Đồng chủ tịch Hội đồng Quốc gia đại diện những chủ nhân đầu tiên của Úc
Giải pháp nhẫn tâm?

Chủ tịch của FECCA, Joe Caputo mô tả đây là sự thay đổi đầy nhẫn tâm. 

“Ở góc độ các biện pháp ngân sách thì nó sẽ ảnh hưởng đến những người Úc gốc nhập cư thiệt thòi nhất, bao gồm cả những người làm các công việc trả mức lương còm cõi.”

“Họ là những người chăm sóc thân nhân, người tỵ nạn và nhập cư đặt chân đến Úc khi tuổi đã xế chiều và sắp về hưu.”

“Biện pháp để tiết kiệm ngân sách này thật là vô nghĩa và nó lại đang nhắm vào những người Úc dễ bị tổn thương nhất,” ông Caputo nói.   

FECCA cũng lo lắng về những chi phí liên quan đến các thay đổi đối với visa bảo lãnh cha mẹ tới Úc.

Theo đó, con cái bảo lãnh cha mẹ giờ đây phải chi trả phí bảo hiểm y tế tư nhân và nộp một khoản tiền bão đảm trước khi được cấp visa bảo lãnh tạm thời cho cha mẹ họ.

Thông điệp với lao động di dân là gì?

Về lĩnh vực lao động, theo tu chính về visa nhập cư tay nghề tạm thời, mức phí đăng ký cho visa làm việc tại Úc đối với người lao động ngoại quốc cũng sẽ được tăng lên nhằm thu về cho ngân sách liên bang 1.2 tỷ Đô la.

Kể từ tháng 3 năm tới, các chủ nhân muốn sử dụng lao động ngoại quốc có tay nghề cao sẽ phải trả một khoản thuế đưa vào một quỹ gọi là "Skilling Australians Fund" (Quỹ hỗ trợ đào tạo tay nghề của Úc).

Quỹ này hướng đến việc hỗ trợ cho 300 ngàn lao động thực tập kết hợp làm việc trong các ngành nghề đang có nhu cầu cao tại Úc.

Ông Caputo đã đặt câu hỏi về thông điệp thật sự được gửi đi từ những thay đổi này.

“Chúng tôi thuộc các Liên minh các Hội đồng Sắc tộc tại Úc hoan nghênh các biện pháp hỗ trợ dành cho người dân Úc từ tất cả các nguồn gốc nâng cao kỹ năng tay nghề.”

“Thế nhưng các biện pháp này lại nhập nhằng giữa chuyện người lao động ngoại quốc tới Úc để đáp ứng thiếu hụt lao động tay nghề cao ở đây với chuyện thất nghiệp mà trong đó người lao động nhập cư bị coi là đối tượng phải chịu trách nhiệm.”

“Các lao động ngoại quốc bù đắp vào các vị trí then chốt mà không thể tuyển dụng được từ người lao động địa phương. Ví dụ như là chăm sóc người Úc cao niên, hỗ trợ cho kỹ nghệ nông nghiệp toàn quốc và phát triển công nghệ thông tin và các công ty công nghệ cao tại Úc,” ông Caputo nói.

Skilling Australians Fund gây dựng tương lai cho dân Úc

Trong một cuộc phỏng vấn với SBS, Tổng trưởng Ngân khố Scott Morrison đã lập luận bảo vệ cho biện pháp ngân sách của mình.

“Anh chỉ trả đơn giản là một khoản thuế cho mỗi lao động ngoại quốc trong thời gian mà họ làm việc theo visa tạm thời.”

“Còn nếu anh bảo trợ cho người đó visa thường trú theo diện tay nghề tại Úc thì anh phải trả ngay một lần khoản thuế đúng quy định.”

“Số tiền đó sẽ được đưa vào quỹ hỗ trợ tay nghề của Úc, quỹ này giúp tất cả người dân Úc bất kể nguồn gốc sắc tộc nào, hay bạn đến từ đâu.”

“Vì vậy, mà người dân của chúng ta có thể đạt được trình độ tay nghề cần thiết để tạo dựng một tương lai thành công trên đất Úc này,” ông Morrison nói.

Trong khi đó, việc tư vấn và hỗ trợ cho thanh thiếu niên trong việc tìm kiếm việc làm sau khi thụ án trong tù là một phần trong khoản đầu tư 55 triệu Đô la dành cho các chương trình tạo công ăn việc làm cho người Úc gốc Thổ dân.

Chính phủ liên bang muốn tập trung vào việc tạo chuyển biến tích cực trong lĩnh vực việc làm, phát triển và đầu tư cho người Thổ dân bản địa.

Trong vòng 4 năm tới, gần 147 triệu Đô la từ Cơ quan Quản lý Doanh vụ Thổ dân Úc, thuộc chính phủ, sẽ được chuyển về Bộ Thủ tướng và Nội các để trực tiếp hỗ trợ cho các doanh nghiệp của người Thổ dân Úc.

Chính phủ cũng muốn chi hơn 50 triệu Đô la cho một chiến lược nghiên cứu và đánh giá về các chính sách và chương trình dành cho Thổ dân Úc.

10 triệu trong số đó sẽ được dành riêng cho một Quỹ nghiên cứu Thổ dân mới.

Budget 2017 lãng quên người Thổ dân

Nhóm đại diện cho người Úc gốc Thổ dân và dân đảo Torres Strait, Hội đồng Quốc gia đại diện những chủ nhân đầu tiên của Úc cho hay, Bản Ngân Sách 2017 vẫn không khôi phục lại khoản tiền 540 triệu Đô la đã cắt giảm từ các dịch vụ dành cho Thổ dân hồi năm 2014.

Đồng chủ tịch Hội đồng Quốc gia đại diện những chủ nhân đầu tiên của Úc, Jackie Huggins nói với kênh truyền hình NITV rằng Bản Ngân Sách đã phớt lờ các lĩnh vực vốn rất cần thiết phải quan tâm đến.

“Chúng tôi đã nghe rằng đây là một bản ngân sách tàn nhẫn đối với các dịch vụ dành cho Thổ dân, tôi nghĩ rằng một khi anh muốn siết lại mọi thứ thì đâu thể tránh được những sự thất vọng.”

“Chúng tôi thì không thất vọng đâu vì đó vẫn là các vấn đề trước đây, ngoại trừ lĩnh vực kinh doanh của người Thổ dân đang làm rất tốt.”

“Tuy nhiên, chúng tôi chú ý đến những vấn đề cơ bản, chuyện đời sống kinh tế xã hội của người dân chúng ta đang ở mức thấp thế nào, nghèo khó ra sao, thậm chí vô gia cư.”

“Chúng ta cần phải nhìn vào những vấn đề đó trước khi nghĩ đến chuyện sức mạnh kinh tế,” bà Huggins nói.  

Bà Huggins cũng khẳng định việc mở rộng áp dụng chương trình Thẻ trợ cấp không dùng tiền mặt Cashless Welfare Card program, nhằm kiểm soát các khoản chi phí của người nhận trợ cấp là sự đối xử bất công đối với người Thổ dân bản địa bởi đa số họ là người chịu ảnh hưởng từ việc này.

“Họ đối xử như thể chúng tôi là trẻ con khi áp dụng biện pháp kiểu như thế này. Tôi nghe là có một người đàn ông đã tuyệt thực ở Kimberley vì ông ấy không đồng ý cái thẻ chi tiêu không cấm rút tiền mặt này.”

“Tôi nghĩ rằng khi chương trình này nói là chi ra 18 triệu đô la cho 2 ngàn người, tức là khoảng 10 ngàn đô la cho mỗi thẻ thì chính phủ phải tự xem lại mình về lối chi tiêu như thế,” bà Huggins nói.

 

 


Share