Anh quốc đòi bầu cử sớm để đàm phán về Brexit

Theresa May

Theresa May Source: AAP

Thủ tướng Anh Therese May nói bà đang kêu gọi một cuộc bầu cử sớm vào ngày 8 tháng Sáu nhằm tìm kiếm sự ổn định hơn trong bối cảnh Anh quốc đang đàm phán về việc rút khỏi Liên Âu.


Trong suốt 279 ngày nắm giữ văn phòng, thủ tướng Anh Theresa May đã luôn từ chối ý kiến về một cuộc bầu cử sớm, bà cho rằng điều đó chỉ làm xao nhãng công việc.

Nhưng giờ đây phát biểu trước cử tri, bà lại thay đổi quyết định.

“Tôi cũng khá do dự và chỉ mới có kết luận gần đây. Kể từ ngày trở thành Thủ tướng, tôi đã luôn nói là sẽ không có bầu cử cho đến năm 2020. Nhưng giờ tôi đã quyết định, để bảo đảm sự ổn định và vững chắc cho những năm về sau thì chỉ bằng cách bầu cử, và tôi cần sự ủng hộ của mọi người cho quyết định này.”

Bà May đang giữ vị trí dẫn đầu trong cuộc thăm dò công luận và bà hi vọng việc này sẽ giúp làm gia tăng đa số trong Quốc hội, bà nói bà cần điều đó để tăng cường vị thế đàm phán về Brexit của nước Anh.

Bà cũng nói rằng cuộc bầu cử này rất cần thiết nhằm giảm thiểu những trở ngại bà phải đối mặt trong Quốc hội.

“Đảng dân chủ tự do nói họ muốn công việc của Chính phủ phải dậm chân tại chỗ. Đảng Dân tộc Scotland thì nói họ sẽ bỏ phiếu chống lại những điều luật giúp loại bỏ chính thức tư cách thành viên Liên Âu của Anh quốc. Và những thành viên của Viện quý tộc đã thề sẽ chống lại chúng ta trên mỗi chặng đường. Phe đối lập thì cho rằng, bởi vì đa số Chính phủ là khá nhỏ, nên ý kiến của chúng ta sẽ yếu và đó là lý do họ nghĩ có thể buộc chúng ta phải thay đổi đường lối. Nếu họ nghĩ vậy thì sai rồi.”

Phe đối lập vẫn đang trong tình trạng xáo trộn sau cuộc bỏ phiếu Brexit, nhưng thủ lãnh Lao động Jeremy Corbyn nói ông thấy cuộc bầu cử là cơ hội để cho thấy một cái nhìn khác trong việc vận hành đất nước.

Ông lên kế hoạch tập trung vào những lĩnh vực như chương trình Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS)

“Tôi hoan nghênh cơ hội này, đối với tôi, đây là cơ hội để người dân Anh đứng lên chống lại Chính phủ và đường lối kinh tế thất bại của họ, đã khiến cho chương trình Dịch vụ Y tế Quốc gia gặp nhiều vấn đề, khiến trường học không được cấp đủ ngân sách, nhiều người sống trong tình cảnh không chắc chắn. Chúng tôi muốn dành cơ hội này cho người dân Anh, để có được một xã hội vì dân, một nền kinh tế phù hợp và một Brexit cũng hiệu quả với mọi người.”

Anh quốc đã trải qua hai cuộc trưng cầu dân ý lịch sử, một là cuộc trưng cầu dân ý Brexit, và thứ hai là cuộc trưng cầu dân ý về độc lập của Scotland, ngoài ra còn có việc từ chức của Thủ tướng gần đây.

Một cuộc bầu cử sớm có thể là cuộc bầu cử lớn thứ tư trong bốn năm qua.

Ba cử tri trả lời phỏng vấn đài BBC nói họ cảm thấy tệ hại

“Ông đùa à, một cuộc bầu cử nữa? ôi lạy Chúa, tôi không thể chịu nổi việc này. Qúa nhiều chính trị trong thời gian gần đây, tại sao bà ấy lại cần bầu cử để làm gì?”

“Tốt hơn hết là nên có sự minh bạch về những chuyện đang diễn ra, hiện đã có quá nhiều thông tin nhiễu loạn rồi.”

“Tôi thấy Brexit là điều quá chán nản, cho nên bất cứ thứ gì thay đổi chuyện đó đều tốt, đó là ý kiến của tôi. Nhưng một cuộc bầu cử thì không thấy có gì hay ho cả.”

Thủ hiến của Scotland, bà Nicola Sturgeon, nói bà sẽ nhờ cuộc bầu cử này là cơ hội để Scotland được phép chọn lựa tương lai cho chính mình trong thời điểm Anh quốc rút khỏi Liên Âu.

Bà nói sẽ rất là đạo đức giả khi bà Theresa May kêu gọi một cuộc thăm dò công luận sớm trong khi trước đó lại từ chối yêu cầu tổ chức trưng cầu dân ý độc lập cho Scotland với lý do phải tập trung vào đàm phán Brexit.

“Rõ ràng là bà ấy thấy đây là cơ hội, để xáo trộn hàng ngũ của đảng Lao động, để dẹp bỏ tất cả những gì đối nghịch với bà ấy, để loại bỏ những người bất đồng với bà và để cho bà rảnh tay điều khiển đất nước đi theo hướng cánh hữu mà bà ấy mong muốn. Và điều đó có nghĩa là, không chỉ đàm phán Brexit trở nên khó khăn hơn, mà sẽ còn nhiều chia rẽ sâu sắc hơn. Cho nên đã đến lúc Scotland phải lên tiếng và người dân Scotland phải đứng lên vì một đất nước Scotland mà chúng ta mong muốn.”

Cuộc bầu cử Anh quốc sẽ diễn ra vào tháng Sáu, ngoài ra còn có bầu cử Pháp sẽ bắt đầu với vòng bỏ phiếu đầu tiên cuối tuần này và cuộc bầu cử Đức sẽ diễn ra vào tháng Chín.

Tất cả các cuộc bầu cử đều được dự kiến sẽ tác động đến việc Anh quốc rút khỏi Liên Âu, và các cuộc đàm phán có vẻ cũng sẽ diễn ra vào tháng Sáu.

Các nhà lãnh đạo châu Âu đã bày tỏ sự bất ngờ về thông báo bầu cử.

Ngoại trưởng Đức Sigma Gabriel nói bà hi vọng những cuộc bầu cử này sẽ dẫn đến việc minh bạch hơn và rõ ràng hơn trong các cuộc đàm phán ở Liên Âu.


Share