Tương lai của trung tâm tạm giam di trú Manus vẫn còn mờ mịt

Những người bị giam giữ trong trung tâm Manus

Những người bị giam giữ trong trung tâm Manus Source: AAP

Papua tân Guine loan báo sẽ đóng cửa trung tâm giam giữ trên đảo Manus, và việc nầy tạo nên một khó khăn lớn lao cho chính phủ Úc, trước cuộc bầu cử sắp tới.


Quyết định nói trên theo sau một phán quyết của Tối cao Pháp viện Papua tân Guine, là trung tâm nầy bất hợp pháp.

Tương lai của hàng trăm người tầm trú, bị giam giữ trong trung tâm tạm giam di trú của đảo Manus, vẫn chưa rõ.

Thủ tướng Papua tân Guine loan báo, trung tâm nầy sẽ bị đóng cửa, theo sau phán quyết của Tối cao Pháp viện nước nầy cho rằng, đó là chuyện bất hợp pháp, thế nhưng ngày đóng cửa trung tâm vẫn chưa được xác định.

Tổng trưởng Di trú, ông  Peter Dutton cho biết, cuộc thương thảo với chính phủ Papua tân Guine đang tiếp tục, thế nhưng ông cho biết, mang những người tầm trú trở về Úc không phải là một chọn lựa.

"Lập trường của chính phủ rất rõ ràng, đó là chúng ta không chấp nhận bất cứ ai đến đất nước nầy bất hợp pháp bằng thuyền, họ sẽ không định cư vĩnh viễn trên nước Úc".

"Phán quyết của tòa án tối cao rõ ràng là một vấn đề của chính phủ Papua tân Guine và dĩ nhiên ràng buộc chính phủ nước nầy, chứ không phải chính phủ Úc".

"Chúng tôi sẽ cùng cộng tác với chính phủ Papua tân Guine, để xem xét tình hình và cung cấp những trợ giúp, thế nhưng chúng tôi sẽ không cho phép những kẻ buôn người trở lại công việc của chúng".

Ông Dutton cũng cho biết, có những nơi cho người tầm trú được di chuyển đến những cơ sở khác ở Nauru, thế nhưng việc nầy vẫn chưa được quyết định, trong các cuộc hội đàm với Papua tân Guine.

Người ta cũng đề nghị, họ có thể được mang trở lại trung tâm giam giữ trên đảo Christmas, thế nhưng Thủ tướng Malcolm Turnbull bác bỏ ý kiến nầy.

Phát ngôn nhân đối lập về di trú của Lao động, ông Richard Marles cho đài ABC biết rằng, chính phủ liên bang cần xem xét vấn đề một cách nghiêm trọng.

"Việc nầy không thể chờ đợi 2 hay 3 tháng".

"Ông  Peter Dutton phải sang Port Moreby ngay tức khắc".

"Đây là một quốc gia mà tôi biết khá rõ ràng và đối với tôi từ lúc tòa án tối cao ra quyết định, thì chỉ có một nơi cho ông Peter Dutton cần đến, đó là Port Moresby, thay vì ông chọn đến Melbourne để họp báo và tìm cách đổ lỗi cho Lao động".

Trong khi đó, Ủy hội Nhân quyền Úc châu nói rằng, phán quyết có thể khiến cho nước Úc vi phạm nghĩa vụ về mặt luật pháp quốc tế.

"Nước Úc nay ở trong một vị thế, là nếu họ không đến Úc, họ phải tìm các chính phủ khác sẵn lòng nhận họ". Ông Paul Power thuộc Hội đồng Tỵ nạn Úc châu.


Chủ tịch của Ủy hội là bà Gillian Triggs, trong quá khứ đã chỉ trích hệ thống giam giữ ở hải ngoại, cho biết phán quyết  xác nhận chính sách giam giữ của Úc ngày càng xa rời các tiêu chuẩn quốc tế.

"Chiến thắng" không phải là một lời nói mà tôi được phép xử dụng, đó không phải là những gì chúng ta sẽ làm, cũng chẳng phải là vấn đề để hãnh diện nói rằng, " Tôi đúng, tôi chỉ muốn công chúng Úc hiểu rằng, Papua tân Guine có một phán quyết về Hiến Pháp, bảo vệ tự do cá nhân và quyền tự do, của những người bị giam giữ trong nhiều năm mà không bị truy tố".

"Chúng tôi tại Ủy ban Nhân quyền Úc châu đã lập lại điểm nầy nhiều lần, nó trái ngược với những gì được xem là nguyên tắc căn bản nhất ".

Ông David Manne thuộc Trung tâm Luật pháp về Người tỵ nạn và Di trú cho đài ABC biết rằng, nay có một hậu quả rõ ràng về mặt luật pháp và thực tế đối với chính phủ Úc, để bảo đảm rằng người tầm trú và tỵ nạn trên đảo Manus sớm được tự do.

Ông cho biết phán quyết của tòa án là rất quan trọng.

Thế nhưng ông cho biết, phán quyết vẫn không giải quyết vấn đề căn bản trước mặt, đối với những người tìm được an toàn tại Úc.

"Bất cứ giải pháp nào cũng phải giải quyết vấn đề căn bản, đó là bảo đảm một nơi chốn an toàn để họ có thể tái lập cuộc sống, thế nhưng Papua tân Guine không phải là một nơi như vậy".

"Đáng buồn thay, đó không phải là một nơi có thể cung cấp sự an toàn cho người tỵ nạn, đó không phải là một nơi mà con người có thể sống được và câu hỏi vẫn còn đó là: chính phủ tìm ra ở đâu an toàn và an ninh cho tương lai của họ".

"Câu hỏi lớn ở đây, là chính phủ có một kế hoạch hay không?"

"Họ chưa vạch ra một kế hoạch và trách nhiệm là ở phía họ, bởi vì trách nhiệm căn bản về số phận của những người nầy, thuộc về chính phủ Úc".

Còn Cao Ủy Papua tân Guine tại Úc là ông Charles Lepani nói rằng các cuộc hội đàm thêm nữa dự trù sẽ diễn ra vào đầu tuần tới.

Thế nhưng ông cho đài ABC biết rằng, các cơ sở sẽ không đóng cửa ngay.

"Vâng đây là chủ đề của cuộc thảo luận, giữa các viên chức vào đầu tuần tới".

"Trại sẽ không đóng cửa ngay tức khắc, bởi vì hãy còn gần 700 người tầm trú vẫn còn ở đó, và chúng ta cần phải tìm cách xúc tiến vấn đề nầy một cách cẩn thận".

Được biết trung tâm Manus được mở cửa lại hồi năm 2012, dưới thởi chính phủ Lao động của bà Julia Gillard và đếnnăm 2014, Papua tân Guine đồng ý tu chính Hiến Pháp về vấn đề tự do cá nhân, để cho phép việc giam giữ người trong cơ sở đó.

Việc tu chính Hiến Pháp, nay được tòa án tối cao xem là trái với luật pháp tại Papua tân Guine.

Các nhóm tranh đấu cho người tỵ nạn đã phản ứng tích cực, đối với lời loan báo của chính phủ nước nầy khi đóng cửa trung tâm giam giữ.

Ông Paul Power thuộc Hội đồng Tỵ nạn cho đài ABC biết rằng, quyết định nầy là một điều ngạc nhiên, khiến cho chính phủ Úc không biết phải làm gì, đối với những người tầm trú trên đảo Manus.

"Việc nầy thực sự nằm trong tay của các chính phủ khác, nếu nước Úc không muốn 500 người được xem là người tỵ nạn và gần 500 người hiện ở trong các giai đoạn khác nhau, với hồ sơ của họ được xem xét và tái xét".

"Nước Úc nay ở trong một vị thế, là nếu họ không đến Úc, họ phải tìm các chính phủ khác sẵn lòng nhận họ".

Papua tân Guine nói rằng, việc đóng cửa sẽ được tính toán cẩn thận, cùng với các doanh nghiệp địa phương và chính phủ Úc.

Chính phủ Turnbull có thể ở trong tình trạng xử lý thường vụ vào cuối tuần tới và sẽ giới hạn các quyết định của mình.




Share