Tiến sĩ Cường Lã là một chuyên gia nghiên cứu xã hội, anh có nhiều nghiên cứu về vấn đề bình đẳng giới và đang hỗ trợ 'phái mạnh' thay đổi bản thân để trở thành người chồng tốt, cha hiền sau các mối quan hệ bạo hành.
Bài viết chia sẻ quan điểm của anh về vấn đề Bình đẳng giới trong các gia đình Việt di dân tại Úc.
Đàn ông gốc Việt có còn gia trưởng?
Theo một số nguồn tham khảo, trước 1975, số người gốc Việt sinh sống tại Úc khoảng 2 ngàn người. Trong vòng hai thập kỷ tiếp theo 1975-1995, số người tới định cư tại Úc (chủ yếu là những người tầm trú tới Úc theo diện tị nạn) lên tới 90 nghìn người.
Tới nay 2021, có 270 ngàn người Úc sinh ra tại Việt Nam, là cộng đồng dân nhập cư lớn thứ 6 tại Úc (sau Anh, New Zealand, Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines), chiếm khoảng 1% dân số Úc. Họ Nguyễn phổ biến thứ 13 tại Úc.
Đó là những người sinh ra tại Việt Nam mà chưa tính tới những người gốc Việt, hoặc lai Việt được sinh ra tại Úc, tới nay chúng ta đã có 3 thế hệ người gốc Việt trên đất Úc.
Chúng ta cần có cái nhìn đa chiều về chủ đề bình đẳng giới đặt trong những bối cảnh, không gian và thời gian dưới sự giao thoa với văn hóa chính mạch, sự mặc cả với giá trị mang theo về văn hóa, tập quán, niềm tin của mỗi cá nhân, về sự khác biệt biệt của mỗi thế hệ, trong đó có cả các thực hành về quan hệ giới nam-nữ đã ăn sâu hay phai nhạt trong nếp nghĩ, nếp sinh hoạt.
Có nghĩa là không có trải nghiệm chung mang tính phổ quát cho đàn ông di cư gốc Việt, mà nó tùy thuộc vào trải nghiệm của mỗi người, dưới sự tác động của hoàn cảnh khác nhau tạo ra một phiên bản khác nhau trong mối quan hệ giữa hai giới nam-nữ.
Chồng và vợ cùng đóng góp, bình đẳng trong việc gia đình. Credit: annushka-ahuja-Unsplash
Khi người đàn ông Việt sang tới Úc, họ va đập vào một hệ quy chuẩn, giá trị, tương tác giữa nam - nữ hoàn toàn khác với hệ quy chiếu của họ dẫn tới những xung đột trong tư tưởng.
Theo đó, giá trị nam nữ bình quyền được hình thành sớm, được đưa vào giáo dục trong nhà trường từ rất sớm, được thể chế, luật pháp bảo vệ, được tôn vinh và cổ súy qua các định chế xã hội. Vì vậy giá trị bình quyền đã đi sâu vào đời sống xã hội Úc.
Nói như vậy không có nghĩa là cứ là đàn ông Úc, đàn ông da trắng thì mặc định họ cư xử công bình hơn với phụ nữ. Nhiều ông cũng còn thủ cựu hơn cả đàn ông Việt, tuy nhiên xét trên phạm vi rộng, thì con số đó nhỏ hơn so với đàn ông Việt chúng ta.
Để thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi liên quan tới lề lối ứng xử với phụ nữ là một quá trình, mà đường đi của mỗi người là khác nhau. Có nhiều ông nhìn thấy cách đàn ông chính mạch cư xử với phụ nữ Úc bình đẳng, tôn trọng, chia sẻ việc nhà, cùng đồng thuận trong mọi quyết định thì đã ngộ ra và bắt đầu có ý thức, nỗ lực thay đổi bản mình theo chiều hướng này.
Chẳng hạn, xung quanh tôi, không thiếu gì người đàn ông hết lòng yêu chiều vợ, bình đẳng và mẫu mực hơn cả nhiều đàn ông da trắng, nhiều ông còn chịu làm người chăm sóc chính con cái, nhường sân kiếm tiền chính cho bà xã.
Cái giá phải trả là họ bị đám đàn ông chụp mũ là “đội vợ lên đầu”, sợ vợ, nể vợ, hoặc có hiếu với vợ, núp váy vợ, hoặc gần đây có từ là nhà không có nóc, như là cách hạ thấp uy tín, phân biệt đối xử trước những thay đổi theo chiều hướng bình đẳng. Đó chính là rào cản lớn để một số đàn ông Việt muốn trở thành phiên bản tốt hơn trong cư xử công bằng hơn với phụ nữ.
Tuy vậy, không thiếu trường hợp vẫn còn mang nặng tư tưởng đàn ông Việt gia trưởng, bảo thủ, vẫn giữ lề thói chồng chúa, vợ tôi. Điều này một phần phụ thuộc vào nền tảng của giáo dục, nhận thức, thành phần kinh tế xã hội, khác biệt về thế hệ.
Theo quan sát của tôi, những tư tưởng trọng nam-khinh nữ này tồn tại nhiều hơn ở lớp đàn ông thế hệ trước, những người chịu ảnh hưởng lớn từ lối suy nghĩ và hành xử của người đàn ông truyền thống. Trong khi lớp trẻ có xu hướng cởi mở hơn, dễ chấp nhận thay đổi hơn.
Nói tóm lại là mỗi cây, mỗi hoa, mỗi nhà, mỗi cảnh. Cách cư xử với vợ của mỗi đàn ông Úc gốc Việt là khác nhau tùy thuộc vào sự giao thoa của họ với văn hóa truyền thống bên quê nhà, với quá trình hội nhập, khác biệt thế hệ, và lựa chọn cá nhân. Vậy nên cần có góc nhìn đa chiều cạnh để tránh vơ đũa cả nắm.
Tiến sĩ Cường Lã.
Thế nào là một gia đình hài hòa và cân bằng?
Một gia đình có sự hài hòa và cân bằng trong quan hệ giữa vợ chồng (hoặc trong mối quan hệ giữa hai đối tác trong mối quan hệ đồng tính) đó là sự cân bằng, bình đẳng về quyền lợi, trách nhiệm, quyền đưa ra quyết định giữa các thành viên bất kể giới tính là nam hay nữ.
Có nghĩa là phải tạo ra môi trường để phụ nữ và nam giới có cơ hội bình đẳng như nhau được sống cuộc sống mình mong muốn, được lựa chọn, đóng góp vào sự bình an, hạnh phúc của gia đình.
Sau đây là một vài những nét chính góp phần làm nên một gia đình hài hòa và cân bằng:
1. Bình đẳng quyền ra quyết định: khi đưa ra các quyết định phải có ý kiến của tất cả các thành viên trong gia đình (ở đây chú trọng vợ chồng, con cái khi đủ tuổi) trong mọi khâu của quá trình đó, trong đó xem xét tới ý kiến, nhu cầu, mong muốn của mỗi thành viên để đưa ra quyết định đồng thuận.
2. Bình đẳng trong phân công công việc: bao gồm làm việc nhà, trách nhiệm chăm sóc con cái, người thân, chợ búa, nội trợ nấu nướng. Như vậy cả vợ và chồng cùng có thời gian, cơ hội để phát triển bản thân, nghề nghiệp, nghỉ ngơi thư giãn.
3. Tôn trọng và Giao tiếp cởi mở: phải tạo ra môi trường sống có sự tin tưởng, tôn trọng nhau và cởi mở trong giao tiếp. Điều này đòi hỏi mỗi bên phải học cách lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, nghe thấy tiếng lòng sâu thẳm trong người kia.
Khi nghe đối phương nói quan điểm có thể trái chiều với mình, hãy lắng nghe với tâm thế cởi mở rằng quan điểm của mình luôn có thể sai, nghe với sự cầu thị, có như vậy mới tìm ra những giải pháp khi xung đột nổ ra.
4. Bình đẳng trong giáo dục: Tạo cơ hội học tập bình đẳng cho con trẻ bất kể là bé trai hay bé gái. Khi những đứa con (dù trai hay gái) đều được hỗ trợ tối đa trong học tập cũng là cách sửa chữa, vá lại lỗi bất bình đẳng và tạo ra cơ hội tươi sáng cho thành công của thế hệ kế tiếp.
5. Lên án trước bất công bằng giới: Khi nhận ra lối hành xử bất bình đẳng, cần dũng cảm nói ra điều đó.
Ví dụ về những câu chuyện cười ví phụ nữ với cái xe đạp, với cái bơm, rồi đàn ông xôm tụ hùa vào cười. Đó là cách tốt nhất tiếp tục nuôi dưỡng những giá trị bất bình đẳng. Trong trường hợp này, tốt nhất là không vào hùa, nếu thấy có thể thì nên gặp người đưa ra câu chuyện đó vào thời điểm thích hợp để nói cho họ biết những lời bông đùa tưởng chừng vô hại lại có hại đến mức nào.
Bên cạnh đó, khi thấy có những ông chồng biết tôn trọng vợ, hãy khen ngợi, thay vì vào hùa với đám đông coi họ là sợ vợ.
6. Độc lập về tiền bạc, tài chính: ở đó cả vợ lẫn chồng đều bình đẳng được tiếp cận tiên bạc trong gia đình, tạo điều kiện cả hai cùng tham gia lao động việc làm, ủng hộ, động viên, tạo cơ hội cho cả hai, nhất là vợ, phát triển, thăng tiến trong nghề nghiệp.
7. Làm gương: Con cái sẽ nhìn vào cha mẹ chúng mà học hỏi cách chúng cư xử với bạn đời của chúng sau này. Vậy nên cha mẹ thực hành bình đẳng trong mối quan hệ vợ chồng, bình đẳng trong trách nhiệm, quyết định sẽ tạo ra một tấm gương sáng để trẻ noi theo.
Nói tóm lại, đây chỉ là những gợi ý, tùy theo hoàn cảnh mỗi gia đình chúng ta có thể tham khảo. Tựu chung lại, để có một gia đình bình đẳng cần phải nỗ lực không ngừng nghỉ, luôn có đầu óc cởi mở (mình luôn có thể sai, có chỗ để học hỏi, tiến bộ, không khư khư giữ lấy quan điểm của riêng mình) và cam kết chống lại những hệ tư tưởng cũ trọng nam, khinh nữ, đổi mới bản thân giúp thay đổi mình và thế hệ kế tiếp.
Bình đẳng trong phân công công việc, bao gồm làm việc nhà, trách nhiệm chăm sóc con cái, người thân, chợ búa,nội trợ nấu nướng. Như vậy cả vợ và chồng cùng có thời gian, cơ hội để phát triển bản thân, nghề nghiệp, nghỉ ngơi thư giãn. Credit: Trần Long- Pexels
Vai trò của người chồng/người cha trong xã hội Úc được thể hiện như thế nào?
Đây là câu hỏi mang tính khái quát nên đương nhiên câu trả lời không thể đúng cho mọi đối tượng được, tùy thuộc theo hoàn cảnh của mỗi cá nhân, nền văn hóa (có hơn 278 nhóm văn hóa và sắc tộc khác nhau trên xứ Úc) và tính đa dạng trong cách tổ chức gia đình (có những gia đình đơn thân, đồng tính, song tính, đại gia đình ở chung).
Vậy nên ở đây tôi xin nêu lên những nét khái quát phản ánh những mong đợi/kỳ vọng, trách nhiệm gắn với vai trò làm chồng, làm cha ở xã hội Úc và cũng xin lưu ý là những điểm nêu ra sau đây cũng biến đổi qua từng thời kỳ.
1. Làm bạn đời, là người song hành: là người chồng, một trong những vai trò chủ chốt là đồng hành với người bạn đời của mình đi qua mọi thăng trầm, buồn vui, khổ đau và thách thức trong đời sống.
Để làm được điều này, người chồng cần có được kết nối sâu sắc và có sự đồng điều về tâm hồn, tâm tư tình cảm, biết hỗ trợ, tạo điều kiện cho bạn đời thăng tiến, biết duy trì mối giao tiếp cởi mở và hợp tác chân thành trong mọi mặt của mối quan hệ
2. Đồng thuận trong các quyết định: người chồng cần chủ động phối hợp cùng người bạn đời/phối ngẫu trong quá trình ra quyết định về mọi mặt trong gia đình bao gồm cả tiền bạn, cách nuôi dạy con cái, chuyện nhà cửa, đối nội-đối ngoại với gia đình hai bên, với bạn bè…
3. Hỗ trợ tài chính: Theo truyền thống, người chồng được xem như là người trụ cột kiếm tiền để đảm bảo đời sống gia đình được bảo đảm. Việc này bao gồm kiếm thu nhập, quản lý tài chính để làm sao tiền bạc trong gia đình được duy trì ổn định
4. Chăm sóc và giáo dục con cái một cách chủ động và tích cực, bao gồm dành thời gian xứng đáng để chơi với con, chăm sóc con, dạy dỗ, hướng dẫn chúng lớn khôn, là chỗ dựa tinh thần nâng đỡ con (love = time + attention).
5. Chăm sóc tình cảm: người chồng, người cha là suối nguồn tưới mát cho tình cảm gia đình. Phải biết quan tâm trước những nhu cầu về tình cảm của vợ con, biết cảm thông, động viên, khích lệ, tương trợ mỗi khi vợ con gặp phải sóng gió, thăng trầm trong tâm tư, tình cảm.
6. Làm gương: người chồng, người cha là những tấm gương cho con cái noi theo, vậy nên người chồng người cha cần tu thân, tích đức để thực hành những giá trị sống cao đẹp, với thái độ và lối sống đúng đắn.
Người chồng, người cha còn phải biết đối xử công bằng với phụ nữ, trẻ em gái, biết tôn trọng và gìn giữ một mối quan hệ lành mạnh trong gia đình, đồng thời là người ảnh hưởng tới nhân sinh quan của con cái giúp chúng trở thành những công dân tương lai có trách nhiệm và hiểu biết sâu sắc về bình đẳng nam-nữ.
7. Biết làm việc nhà: trong một gia đình hiện đại, người chồng biết đảm đương, sẻ chia, quán xuyến trách nhiệm làm việc nhà bao gồm nấu ăn, dọn vệ sinh nhà cửa, đi chợ, làm những việc trong nhà cần và thúc đẩy phân công bình đẳng giữa các thành viên gia đình.
Nên nhớ là 7 vai trò kể trên không phải cố định hoặc áp dụng máy móc vào mọi gia đình ở Úc. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, vậy nên mỗi cá nhân nên có sự phối hợp, thảo luận cởi mở, thương lượng sao cho phù hợp với giá trị, lựa chọn và hoàn cảnh của mỗi cá nhân.
Hơn nữa, những thay đổi trong xã hội văn minh ở phương Tây về bình đẳng, bình quyền nam-nữ là nền tảng cho việc chia sẻ trách nhiệm trọng các mối quan hệ và trong gia đình.
Mời quý vị nghe toàn bộ nội dung cuộc trò chuyện với khách mời trong Audio.