Trong suốt 22 năm nắm quyền, cựu thủ tướng Mahathir Mohamad đã để lại nhiều di sản cho thế hệ sau, một trong số đó là dự án rất được ông yêu thích, tòa tháp đôi Petronas, biểu tượng của Kuala Lumpur.
Trong một bài phỏng vấn độc quyền với SBS, vị cựu thủ tướng nay đã 91 tuổi nói rằng, ông đang lo ngại về những loại hình đầu tư gần đây, cụ thể đó là đầu tư từ Trung Quốc.
“Thế nào gọi là xâm lăng? Đó là khi quốc gia đi kiểm soát một quốc gia khác, điều đó gọi là xâm lăng. Xâm lăng có thể bằng hình thức chiến tranh, nhưng ở đây, nhưng ở đây người ta dùng tiền. Họ có tiền. Họ có điều kiện để đầu tư, để mua bất động sản, mua đất đai và xây nhiều thành phố cho họ ngay tại Malaysia. Cho nên, những kiểu đầu tư như vậy chính là một cuộc xâm lăng, một kiểu thuộc địa hóa.”
Năm ngoái, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã tịch thu nhiều tài sản thuộc quyền sở hữu của những người thân cận và họ hàng của Thủ tướng Najib Razak, liên quan đến một vụ bê bối tham nhũng.
Sau đợt bắt bớ này, thủ tướng Najib đã chuyển hướng kết giao thân cận hơn với Trung Quốc, dù Malaysia vốn là đồng minh lâu năm với Hoa Kỳ.
"Xâm lăng có thể bằng hình thức chiến tranh, nhưng ở đây, nhưng ở đây người ta dùng tiền. Họ có tiền. Họ có điều kiện để đầu tư, để mua bất động sản, mua đất đai và xây nhiều thành phố cho họ ngay tại Malaysia. Cho nên, những kiểu đầu tư như vậy chính là một cuộc xâm lăng, một kiểu thuộc địa hóa," Mahathir Mohamad.
Cựu thủ tướng, tiến sĩ Mahathir đã lên tiếng phê phán dự án đầu tư trị giá $100 tỷ của Trung Quốc. Đây là một dự án xây dựng một thành phố mới trên những đảo nhân tạo thuộc tiểu bang Johor của Malaysia, nằm gần biên giới với Singapore.
Mục tiêu tham vọng của dự án này là tạo ra một chốn ở cho 700,000 người, và rất nhiều căn hộ ở đây đang được bán cho người mua Trung Quốc.
“Không quốc gia nào trên thế giới lại muốn có sự di dân ồ ạt như vậy. Người ta chỉ muốn chào đón khách du lịch, chào đón việc đầu tư có hiệu quả cho quốc gia. Nhưng đến đây và sống luôn ở đây thì chúng tôi không chào đón chuyện đó, hay bất cứ quốc gia nào khác cũng thế thôi, tôi tin chắc là vậy. Nếu Anh quốc hay Úc đồng ý nhận 3 triệu người Trung Quốc một lúc, tôi nghĩ người ta sẽ phản đối gay gắt.”
Trong khoảng thời gian từ năm 2002 đến năm 2016, chỉ có 8,000 công dân Trung Quốc đến Malaysia bằng chương trình thường trú nhân của chính phủ.
Thế nhưng Thủ tướng Najib Razak đã lên tiếng bác bỏ những thông tin của cựu thủ tướng Mahathir về di dân Trung Quốc khi cho rằng họ sẽ được cấp quốc tịch.
“Tôi gọi ông ấy là ông Mahathir ‘quay đầu’, bởi vì rất nhiều lần ông ấy lật ngược câu chuyện. Ông ấy có rất nhiều tuyên bố không đúng sự thật, một lời buộc tội trắng trợn đối với chính phủ tiểu bang Johor cũng như chính phủ Malaysia.”
Sự bất đồng trong chuyện đầu tư của Trung Quốc chỉ là một phần của cuộc chiến giữa hai ông Mahathir và Najib.
Ông Najib trước đây đã được chính cựu thủ tướng Mahathir lựa chọn làm người kế nhiệm, sau khi ông Mahathir có mâu thuẫn với lựa chọn số một của mình.
Vào năm ngoái, ông Mahathir đã rời đảng của ông và lập ra một đảng mới đối lập với chính phủ và cũng sẽ tranh cử trong cuộc bầu cử dự kiến vào cuối năm nay.
Vị cựu thủ tướng giờ đây đã đứng cùng chiến tuyến với người từng một thời là kẻ thù không đội trời chung, Anwar Ibrahim.
Ông Anwar từng là phó thủ tướng đồng thời là người được ông Mahathir bảo trợ mãi cho đến khi mối quan hệ của hai người tan rã vào năm 1998. Ông Anwar lúc đó đã yêu cầu ông Mahathir từ chức.
Ngay sau đó, phó thủ tướng Anwar đã bị tống giam vì những cáo buộc tham nhũng và quan hệ tình dục đồng giới.
“Trong chính trị, không ai là bạn bè mãi mãi và cũng không ai làm kẻ thù của nhau suốt đời. Tôi cho rằng trường hợp của ông Anwar và Mahathir là như vậy. Cả hai đều có mục tiêu chung đó là lật đổ đảng Barisan Nasional của đương kim thủ tướng Najib Razak," Tiến sĩ Faisal Hazis.
Ông Anwar đã được phóng thích sau khi ông Mahathir từ nhiệm chức thủ tướng vào năm 2003, nhưng hiện tại, ông lại đang thọ một bản án 5 năm vì một vụ quan hệ tình dục đồng giới khác.
Quan hệ tình dục đồng giới là bất hợp pháp ở Malaysia, nhưng hiếm khi nào luật pháp được thi hành cho tội này.
Ông Anwar thì luôn bác bỏ những cáo buộc và nói rằng đây chỉ hoàn toàn là động cơ chính trị.
Tiến sĩ Faisal Hazis, một nhà phân tích chính trị của Đại học Quốc gia Malaysia cho biết, sự hợp tác của cựu thủ tướng Mahathir và ông Anwar hiện nay chỉ là một sự dàn xếp có mục đích.
“Trong chính trị, không ai là bạn bè mãi mãi và cũng không ai làm kẻ thù của nhau suốt đời. Tôi cho rằng trường hợp của ông Anwar và Mahathir là như vậy. Cả hai đều có mục tiêu chung đó là lật đổ đảng Barisan Nasional của đương kim thủ tướng Najib Razak. Một đảng mới như đảng Bersatu của ông Mahathir cần phải thành lập một liên minh với các đảng đối lập khác, và ông Anwar lại là một nhân vật rất quan trọng của tất cả các đảng đối lập còn lại.”
Thế nhưng dù cho đã có sự hợp nhất giữa ông Mahathir và ông Anwar, thì vị cựu thủ tướng cũng không thừa nhận mình có sai phạm gì.
“Tôi không xin lỗi ông Anwar vì bất cứ điều gì. Đó là chuyện của quá khứ rồi. Chúng ta không thể xin lỗi vì những chuyện trong quá khứ. Liên đảng của chúng tôi là những đảng đối lập, được thành lập bởi hầu hết là những người từng chống đối tôi trước đây, chúng tôi đã quyết định rằng sẽ chỉ tập trung vào những vấn đề quan trọng, lật đổ chính phủ thối nát hiện thời. Cho nên, chúng tôi đã sẵn sàng bỏ qua những gì trong quá khứ.”
Ở tuổi 91, những nỗ lực của ông Mahathir để lật đổ ông Najib có thể là một nước cờ chính trị cuối cùng của một nhân vật luôn nổi tiếng với khả năng chiến thắng trước những kẻ thù chính trị.
“Hiện tại, tất nhiên là ông Najib đang vượt trội tôi. Nhưng tôi hi vọng cuộc bầu cử sắp tới đây sẽ là một cuộc bầu cử công bằng. Tôi thấy người dân ở bất kỳ nơi nào tôi đến nói chuyện, tất thảy đều ghét ông ta. Cho nên, nếu đây là ước muốn của người dân trong một quốc gia dân chủ, nơi có những cuộc bầu cử công bằng, thì tôi rất tự tin ông ấy sẽ không thể nhận được sự ủng hộ hơn tôi.”