Cuối cùng cũng về lại được chiến địa Long Tân, dù muộn màng!

Defence Force personnel at a ceremony to mark the 50th anniversary of the Battle of Long Tan at the Australian War Memorial in Canberra, Thursday, Aug. 18, 2016 (AAP)

Defence Force personnel at a ceremony to mark the 50th anniversary of the Battle of Long Tan at the Australian War Memorial in Canberra, Thursday, Aug. 18, 2016 Source: AAP

Cuối cùng thì các cựu chiến binh Úc cũng được đến Long Tân để tưởng niệm những đồng đội của họ đã ngã xuống trong trận đánh 50 năm trước; trong khi tại Úc, lễ kỷ niệm trận Long Tân và ngày Cựu Chiến binh Việt Nam được cử hành long trọng tại Canberra.


Long Tân là tên của một đồn điền cao su ở Núi Đất, thuộc tỉnh Phước Tuy, tức là Bà Rịa-Vũng Tàu ngày nay.

Nơi đây, đúng 50 năm trước, ngày 18/8 /1966, một đại đội Úc đã bị du kích Việt Cộng và quân Cộng sản Bắc Việt phục kích tấn công, mở hết đợt tấn công biển người này đến đợt khác. 

Dưới những cơn mưa rừng nhiệt đới và mưa đạn, đại đội 108 người này chống trả mãnh liệt. Đến khi pháo binh và thiết giáp cứu viện, thì 18 binh sĩ Úc thiệt mạng, 24 người bị thương. 

Trận Long Tân đã đi vào lịch sử chiến tranh của Úc, là trận đánh mà Úc bị thương vong nhiều nhất kể từ sau Thế chiến thứ nhì.

Phía Cộng sản để lại 245 xác trên chiến trường.

Nói về những chiến binh Úc trong trận đánh ấy, Tổng Toàn Quyền Sir Peter Cosgrove, cũng là một cựu chiến binh Việt Nam, đã mô tả những đồng đội của ông ngày ấy bằng những từ “can trường, kiên cường chiến đấu bất chấp thương vong nặng nề.

50 năm qua, bãi chiến trường xưa nay mọc cây cối xanh um. Một nghĩa trang nhỏ, một cây thánh giá trắng đơn sơ trầm mặc giữa rừng cao su để đánh dấu nơi các chiến binh Úc đã ngã xuống .

"Cú đá thốc vào bụng!"

Năm nay, hơn 1.00 người Úc, gồm cựu chiến binh, thân nhân họ và các gia đình tử sĩ đã đến dây, chuẩn bị cho ngày kỷ niệm trọng đại.

Nhưng bất ngờ hôm thứ ba, phía Việt nam loan báo không cho phép buổi lễ được tiến hành, mặc dù đôi bên đã bàn bạc chuyện này 18 tháng qua.

Thủ tướng Malcolm Turnbull bày tỏ sự thất vọng và bực tức của ông

"Úc đã làm việc chặt chẽ với Việt Nam trong 18 tháng qua để chuẩn bị cho sự kiện này.

"Chúng tôi đã yêu cầu và đã được chính quyền địa phương ở Việt Nam cam kết, giống như mọi năm trước, rằng lễ tưởng niệm Long Tân sẽ được tiến hành.

"Nay thì chúng ta biết chính phủ Việt Nam coi đây là chuyện họ có quyền quyết định cho lễ kỷ niệm nào được phép tổ chức tại đất nước họ.

"Tuy nhiên, quyết định này, và đặc biệt là thời điểm họ loan báo, cho thấy họ xem thường những người Úc đã tin vào họ mà  đến Việt Nam để tham gia vào những buổi lễ tuần này. "

Tổng trưởng Cựu chiến binh Úc Dan Tehan mô tả quyết định giờ chót đó của nhà cầm quyề Việt Nam là một cú đá thốc vào bụng đối với Úc, một quyết định mà ông cho rằng Việt Nam không nên đưa ra.

Thủ tướng Malcolm Turnbull gọi điện thoại khẩn cấp nói chuyện với Thủ tướng Việt Nam và rồi cuối cùng nhà cầm quyền Hà nội chịu cho buổi lễ kỷ niệm được tiến hành ở Long Tân.

Thế nhưng họ đặt ra khá nhiều cấm cản đối với phía Úc.

Nhà cầm quyền Việt nam chỉ cho từng nhóm nhỏ -không quá 100 người- đến địa điểm nghĩa trang.

Những người này không được trương quốc kỳ Úc, không được hát quốc ca Úc, không ai được mặc quân phục hay đeo bất cứ huy chương nào.

Sẽ không có diễn văn hay quay phim hay tường thuật, hay tiệc tùng gì cả...

"Lest we forget"

Nhưng tại Canberra hôm nay, buổi lễ đã diễn ra với tất cả lễ nghi quân cách tại đài Tưởng niệm Tử sĩ chiến tranh Việt Nam, với sự tham dự của Tống Tòan Quyền Sir Peter Cosgrove, Thủ tướng và các chính khách, đại diện các nước đồng minh từng chiến đấu bên cạnh Úc tại Việt Nam, như Tân Tây Lan và Hoa Kỳ.

Và dĩ nhiên, có đại diện các chi hội cựu quân nhân Việt Nam Cộng hòa.
"Nhiều cựu chiến binh từ Việt nam về đã cảm thấy bị cộng đồng nơi mình xuất thân xa lánh, và trong nhiều trường hợp, bị ruồng bỏ bởi chính cái chính phủ đã đẩy họ vào cuộc chiến; và đáng buồn nhất là cả những tổ chức cựu chiến binh xem ra cũng không mở vòng tay đón nhận họ."
Tổng Toàn quyền Peter Cosgrove dịp này đã nhắc lại sự bất công mà các cựu chiến binh trở về từ Việt Nam đã phải gánh chịu trong nhiều năm dài.

Điều này đã khoét sâu thêm những vết thương trên thân thể và trong tâm hồn của họ và gia đình họ.  Ông nói:

"Tôi cho rằng mình đủ thẩm quyền để đưa ra nhận xét rằng dân Úc chúng ta  khá kỳ quặc.

"Trước đó và sau này, không có mấy cựu chiến binh lại bị đả đảo, có khi còn bị đồng bào của mình chửi rủa như vậy.

"Nhiều cựu chiến binh từ Việt nam về đã cảm thấy bị cộng đồng nơi mình xuất thân xa lánh, và trong nhiều trường hợp, bị ruồng bỏ bởi chính cái chính phủ đã đẩy họ vào cuộc chiến; và đáng buồn nhất là cả những tổ chức cựu chiến binh xem ra cũng không mở vòng tay đón nhận họ."

Giám đốc Đài Tưởng niệm Tử sĩ chiến tranh Úc, Brendan Nelson, cũng phê phán cách đối xử của các chính phủ Úc thời ấy về việc rất lâu sau cuộc chiến mới nhìn nhận sự đóng góp của binh sĩ Úc tại Việt Nam.

"Chúng ta, với tư cách cả một quốc gia đã gây ra lỗi lầm và chúng ta đã học được bài học từ lỗi lầm ấy.

"Tôi nghĩ rằng chúng ta càng có thể làm được gì nhiều hơn nữa để vinh danh họ, để tưởng nhớ họ - cùng sự phục vụ và hy sinh của họ - thì càng tốt .

"Có như thế, đất nước chúng ta mới càng trở nên cao đẹp hơn."

Và buối sáng hôm nay, tại Canberra,  cũng như tại Melbourne và nhiều nơi khác, hàng ngàn người dân Úc đã tưởng nhớ đến sự hy sinh phục vụ của hơn 60,000 con em nước Úc tại Việt nam, trong đó,  521 người vĩnh viễn không trở về, vì đã ngã xuống trên một miền đất xa xôi tên gọi Việt Nam.

Share