Cơ quan giám sát việc giam giữ người tầm trú đã phát hiện các nhà thầu an ninh tư nhân đã sử dụng vũ lực quá mức đối với người đang bị tạm giam.
Trong báo cáo Giám sát việc giam giữ người tầm trú vừa được công bố, Cơ quan thanh tra Liên bang nêu lên những lo ngại ngày càng tăng về việc sử dụng vũ lực đối với người bị giam giữ.
Trong một trường hợp, báo cáo cho biết dường như không có cơ sở pháp lý cho việc sử dụng vũ lực đối với một người không có nguy cơ gây mất an ninh.
Ông David Burke là Giám đốc Pháp lý tại Trung tâm Luật Nhân quyền. Ông nói rằng những lo ngại như vậy chẳng có gì đáng ngạc nhiên, bởi ông tin đó là bản chất rất bí mật của việc giam giữ người tầm trú.
“Chính phủ đã biết trong nhiều năm qua rằng các trung tâm giam giữ người tầm trú về căn bản là một hố đen pháp lý, nơi không đủ minh bạch, không đủ trách nhiệm giải trình, và chắc chắn sẽ dẫn đến những sự cố như sử dụng vũ lực vô cớ được mô tả trong báo cáo này. Tình trạng lạm dụng lan tràn sau những cánh cửa đóng kín. Và những gì chúng ta cần là một hệ thống thực sự cho chúng ta thấy những gì đang xảy ra trong các trung tâm giam giữ người tầm trú. Và mọi người, bao gồm chính phủ và các nhà thầu an ninh tư nhân phải chịu trách nhiệm về cách cư xử của họ.”
Bà Jana Favero là Giám đốc của Tổ chức Lên tiếng và Vận động tại Trung Tâm Hỗ Trợ người tỵ nạn. Bà nói rằng mối lo ngại về sử dụng vũ lực quá mức chỉ là một trong nhiều lĩnh vực đáng quan tâm của những người tầm trú bị giam giữ.
“Chúng tôi hoan nghênh Báo cáo của Thanh tra Liên bang. Là một trong những cơ quan duy nhất xem xét việc quản lý các cơ sở giam giữ của Bộ Nội vụ, chúng tôi đã đọc báo cáo một cách kỹ lưỡng. Và chúng tôi quan tâm đến rất nhiều vấn đề đã được nêu ra, bởi đó chính những gì chúng tôi đang nghe và thấy trong các cơ sở giam giữ trên khắp nước Úc. Có nhiều điều đáng quan tâm như sử dụng vũ lực, xử lý khiếu nại nội bộ và thời gian bị giam giữ. Tất cả đều trùng khớp với mối quan tâm của chúng tôi, với những gì chúng tôi nhìn thấy và nghe trực tiếp từ những người bị giam giữ.”
Ông Burke nói rằng mối quan tâm càng tăng cao trong đại dịch coronavirus, khi những người bị giam giữ không thể gặp thân nhân của họ.
Vấn đề càng trở nên trầm trọng hơn bởi luật Chính phủ đang cố gắng thông qua Quốc hội Liên bang, cho phép bộ trưởng liên quan cấm hầu hết các vật phẩm gửi đến người bị giam, và các nhà thầu an ninh tư nhân được quyền khám xét và thu giữ các vật phẩm đó.
Vật phẩm quan trọng nhất chính là điện thoại di động của người bị giam, và theo ông Burke, nó càng trở nên quan trọng hơn khi họ không thể gặp thân nhân do các hạn chế coronavirus.
Ông Burke nói rằng toàn bộ hệ thống giam giữ người tỵ nạn cần được xem xét lại.
“Trong những năm qua, chúng tôi đã nghe vô số câu chuyện về những người bị giam giữ không được đối xử đúng mực, về việc sử dụng vũ lực trong trại giam, và về nỗi đau khi bị giam giữ vô thời hạn. Có những người ở đó đã bị giam giữ hơn mười năm. Rõ ràng là hệ thống giam giữ người tỵ nạn này gây tổn thương rất nhiều và nó cần được cải tổ hoàn toàn.”
Bà Favero nói rằng cả chính phủ và hệ thống của họ đều thất bại trong lĩnh vực này.
“Tất cả đều thể hiện thất bại của chính phủ đối với một hệ thống đã thực sự gây ra thiệt hại về sức khỏe thể chất và tinh thần cho những người xin tỵ nạn. Và nó nói lên rất nhiều điều về chính phủ của chúng ta rằng, ngay cả trong thời kỳ đại dịch, họ vẫn không đối xử với mọi người theo góc độ an toàn và bảo vệ trong hệ thống giam giữ.”
Ủy viên Lực lượng Biên phòng Úc Michael Outram nói tại một cuộc điều trần của quốc hội rằng, về góc độ sức khỏe của COVID-19 trong việc giam giữ người tầm trú, bộ của ông đang thực hiện những gì cần làm.
“Tiêu chuẩn mà chúng tôi đang áp dụng là nhằm ngăn chặn COVID-19 xâm nhập vào các trung tâm giam giữ của chúng tôi và đó cũng là sự chuẩn bị của chúng tôi để đối phó trong trường hợp nó xâm nhập vào, đó là tiêu chuẩn quốc gia, là điều mà chúng tôi liên tục theo dõi.”
Nhưng trong một tuyên bố gửi cho SBS News, thượng nghị sĩ Nick McKim của đảng Xanh nói rằng bản báo cáo của thanh tra cho thấy thực tế của hệ thống mà Lực lượng Biên phòng và chính phủ quản lý.
“Đây là một báo cáo phơi bày sự tàn bạo thực sự của cuộc sống trong trại giam người tầm trú. Hệ thống này không nên được vận hành theo cách trừng phạt mọi người.”
Trong khi đó, nhiều chi tiết đã được tiết lộ về việc tái mở cửa cơ sở giam giữ North West Point trên đảo Christmas gây tranh cãi. Việc di dời người tầm trú đến nơi giam giữ này sẽ tiêu tốn gần 56 triệu đô la trong sáu tháng tới.
Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại