Liên đảng đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử liên bang hồi năm 2013 chủ yếu là nhờ vào khẩu hiệu tranh cử "Stop the Boats" (Ngăn chặn thuyền tầm trú).
Sau đó người trở thành Tổng trưởng Di trú, ông Scott Morrison đã dẫn dắt nước Úc đi vào một kỷ nguyên mới trong lĩnh vực bảo vệ biên giới.
Trong những nỗ lực của ông Morrison có việc ngăn chặn việc cấp chiếu khán bảo vệ lâu dài (Permanent Protection Visa) cho những người tầm trú đến Úc bằng thuyền.
“Ông ấy đã làm thật xuất sắc việc bảo vệ biên giới của chúng ta. Chúng tôi không có gì phải xin lỗi vì đã đưa ra thông điệp rõ ràng nhất đến những kẻ buôn người và cả những khách hàng của chúng,” Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull
Sự thật đằng sau nỗ lực chặn người tầm trú
Thế nhưng, giờ đây một tài liệu bị rò rỉ của Bộ Di trú đã phanh phui ra cái gọi là nỗ lực ngăn chặn người tầm trú.
Tài liệu này cho thấy chính ông Morrison đã ký chuẩn thuận vào một bản kế hoạch làm chậm tiến trình cấp chiếu khán cho người tầm trú, thông qua việc yêu cầu các cơ quan tình báo trì hoãn quá trình kiểm tra an ninh của những người này, để làm sao những người nộp đơn sẽ bị quá hạn xét đơn.
Chuyên gia cố vấn cao cấp của Dịch vụ Cố vấn trực tiếp cho người tị nạn, ở Sydney, Sarah Dale, cho hay các khách hàng của bà đã bắt đầu thông báo về sự chậm trễ của Bộ Di trú.
"Một số khách hàng của chúng tôi đã đến đây từ trước thời điểm này, họ đã nộp đơn xin chiếu khán bảo vệ.”
“Họ đủ điều kiện để được cấp chiếu khán bảo vệ lâu dài thế nhưng chúng tôi thấy quá trình xét đơn này chậm chạp quá.”
“Có những khách hàng tuần nào cũng đến văn phòng để hỏi chúng tôi về hồ sơ của họ.”
“Họ cứ hỏi ‘Điều gì đang xảy ra vậy? Hồ sơ của tôi ở đâu?’ Chiếu khán của tôi có chưa?" bà Dale nói.
Từ 90 ngày đến 5 năm chờ đợi
Trong khi đó, các nhân viên phụ tá tư vấn cho người tị nạn cho hay, hậu quả của việc trậm trễ là thay vì có quyết định về chiếu khán trong vòng 90 ngày thì bây giờ phải mất từ ba đến 5 năm.
Tài liệu bị rò rỉ cho thấy, nếu không có sự can thiệp nào thì mỗi tuần có thể có thêm 30 người xin tị được cấp chiếu khán bảo vệ lâu dài.
Tuy nhiên, ông Morrison nói với SBS News rằng chính sách và hành động của ông là nhằm đặt lợi ích quốc gia lên trên hết và Thủ tướng Malcolm Turnbull đã ủng hộ ông.
“Khi ông ấy còn là Tổng trưởng Di trú và bảo vệ biên giới, ông ấy đã chặn đứng các con thuyền tầm trú.”
“Ông ấy đã làm thật xuất sắc việc bảo vệ biên giới của chúng ta. Chúng tôi không có gì phải xin lỗi vì đã đưa ra thông điệp rõ ràng nhất đến những kẻ buôn người và cả những khách hàng của chúng.”
“Nếu ai đó muốn đến đây, hoặc nghĩ là mình có thể đến được nước Úc này bằng những chiếc thuyền của bọn buôn người thì, các anh đã sai lầm rồi đấy!” ông Turnbull nói.
Thủ lãnh phe đối lập Bill Shorten khi được SBS News hỏi về phản ứng của ông đối với thông tin bị tiết lộ, ông trả lời không hề biết gì về chi tiết của vụ này.
Lao động cũng mạnh tay với tầm trú
Cũng cần phải khẳng định rằng các chính sách nhập cư của lao động cũng chẳng khác là mấy với các chính sách của Liên đảng, và ông Shorten nói rằng ông sẽ tiếp tục chính sách đẩy thuyền tầm trú quay trở về nơi xuất phát.
"Khi anh nói là xích lại gần hơn, thì hãy để tôi nói cho rõ ràng hơn, bởi vì đôi khi Chính phủ cố gắng làm sai lệch vị trí của Lao động. Chúng tôi muốn ngăn chặn những kẻ buôn người.”
“Bất cứ khi nào Chính phủ nói Lao động sẽ không làm điều đó, thì cũng đồng nghĩa với việc họ đưa ra một tín hiệu cho bọn buôn người, để chúng thử nghiệm hiệu quả hệ thống của chúng tôi.”
“Tôi muốn dù chỉ là một lần thôi thì họ hãy nghĩ về lợi ích quốc gia và an toàn của người dân, thay vì chỉ cố gắng biến nó thành một vấn đề đảng phái," ông Shorten nói.
Tuy nhiên, ông Shorten nói rằng ông không đồng ý với việc trì hoãn cấp chiếu khán bảo vệ lâu dài cho người tầm trú.
“Việc trì hoãn không có nghĩa lý gì, vì vậy mà chúng ta phải đi giam giữ vô hạn những người tầm trú ở trên đảo Manus và Nauru.”
“Tôi không chấp nhận giải pháp nước đôi vừa lập trại giam vô thời hạn lại vừa đối phó với những kẻ buôn lậu người. Tôi không nghĩ là đúng đắn,” ông Shorten nói.
Cần nhắc lại, người kế nhiệp ông Morrison trong vai trò tổng trưởng Di trú, ông Peter Dutton cách đây 2 năm đã khẳng định hiệu quả của chiến dịch bảo vệ biên giới và Stop The Boats.
Trong thời gian từ 2015 đến giữa năm 2016, đã không có chiếc tàu tầm trú nào đến được Úc.
Và cũng trong năm 2015, Úc xác nhận có 46 người xin tị nạn đã được trả về Việt Nam sau khi thuyền của họ bị chặn tại Tây Úc.
Ông Dutton khẳng định rằng các tin tình báo và những nghiên cứu cho thấy là Úc cần phải duy trì quyết tâm và cảnh giác bởi vì những kẻ đưa lậu người vẫn tiếp tục hoạt động, và nước Úc đã thường xuyên chứng kiến điều đó xảy ra.