Sau sáu năm trong Hải quân, anh Lê Trần hiện mang cấp bậc Leading Seaman và giữ vị trí Communication Watch Supervisor trên chiến hạm HMAS Choules.
Công việc của anh là điều hành hệ thống thông tin và truyền thông, sử dụng các thiết bị thông tin liên lạc giữa tàu với tàu, hoặc tàu với đất liền, sử dụng vệ tinh thương mại và quân đội, các thiết bị radio, cũng như Hệ thống An toàn và Cứu nạn Hàng hải Toàn cầu GMDSS.
“Ví dụ như có tàu nào đó bị tai nạn, chẳng hạn như cháy hoặc đắm tàu, thì người ta sẽ gửi tín hiệu và nếu mà vị trí ở gần thì tàu anh sẽ đến cứu,” anh nói.
“Ngoài ra thì anh còn có thể sử dụng các thiết bị như tín hiệu Morse hoặc flashing lights, và dùng những lá cờ để có thể thông tin liên lạc giữa các tàu khi ở khoảng cách gần với nhau.”
Source: SBS / Đăng Trình
Cái duyên với binh nghiệp
Như nhiều người thường nói rằng ‘nghề chọn người’, anh Trần đã làm nhiều công việc khác nhau trước khi quyết định theo bước ba của mình với công việc điều hành thông tin liên lạc hàng hải.
“Anh học ngành tài chính, và định kiếm công việc về tài chính, ngân hàng, nhưng khi anh đi phỏng vấn cho công việc đó thì anh cảm thấy nó không hợp với mình.
“Anh rất thích đi du lịch. Ba của anh hồi xưa cũng là communication officer ở trên một tàu hàng hải của Nhật. Đây cũng là động lực để anh đi theo bước đường hồi đó của ba anh, và cũng được đi du lịch nước này nước kia.
Quan trọng nhất là anh cảm thấy là mình được cống hiến khi phục vụ trong Hải quân Úc, anh cảm thấy rất tự hào và hãnh diện khi được làm điều đó.Le Tran, Royal Australian Navy
Chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ từ khi nhập ngũ, anh Trần nói rằng đó là lần đầu tiên anh được đi diễn hành vào ngày ANZAC Day 25/4/2019.
“Khi tụi anh đi diễn hành thì có những người Úc xung quanh người ta kêu lên là ‘Thank you for your service!’. Anh còn chụp hình với ba mẹ và em gái trong bộ đồng phục của Hải quân. Đó là kỷ niệm đáng nhớ nhất của anh.”
Source: SBS / Đăng Trình
Source: SBS / Đăng Trình
Cân bằng giữa công việc và gia đình
Khi đã chọn con đường binh nghiệp, anh Trần nói rằng thực sự rất khó cân bằng giữa công việc và gia đình, nhất là khi có con nhỏ.
Lịch trình đi tàu của anh cũng tùy thuộc vào kế hoạch mỗi năm của tàu mà anh đang làm việc.
“Ví dụ như tàu HMAS Choules năm ngoái đi trên biển tổng cộng bảy tháng, năm nay có thể là bốn, năm tháng chẳng hạn.”
Vì thế, hầu như mọi việc ở nhà đều do vợ và ba mẹ anh chu toàn.
Tất cả mọi thứ anh phải nhờ vợ và ba mẹ anh giúp đỡ, ví dụ như hàng ngày thì ba anh sẽ đón con gái của anh ở nhà trẻ, rồi ông nội sẽ giúp cho cháu ăn, tắm cho cháu, về thì vợ anh sẽ cho con ngủ… Chứ anh đi trên tàu thì anh cũng không làm được gì nhiều.Le Tran, Royal Australian Navy
Tuy anh có thể về thăm gia đình trong kỳ nghỉ, nhưng nhiều lúc cũng bỏ qua các sự kiện của gia đình như sinh nhật vợ con. Anh nói rằng đó là tính chất công việc nên “đành phải chịu thôi“.
Về mặt sức khỏe tinh thần, anh Trần cho biết công việc trên tàu luôn bận rộn nên không có thời gian để buồn hoặc nhớ nhà. Hơn nữa, các sự kiện vui chơi, thể thao cũng được tổ chức thường xuyên, giúp thủy thủ đoàn giải tỏa căng thẳng.
Source: SBS / Đăng Trình
Yêu cầu về thể lực và rèn luyện khả năng phục hồi
Khi mới đăng ký vào Hải quân, anh Trần phải trải qua bài kiểm tra thể lực đầu vào Pre-entry Fitness Test. Anh nói rằng việc đó khá đơn giản, chỉ cần siêng tập thể dục thì dễ dàng vượt qua.
“Nhưng sau khi chính thức gia nhập Hải quân thì phải luyện tập rất vất vả, một tuần hai đến ba lần phải dậy lúc 5 giờ sáng. Bất kể mùa đông hay mùa hè, nóng hay lạnh, mưa gió thể nào vẫn phải thể dục buổi sáng.
“Có những ngày buổi sáng 0 độ hoặc 1 độ, cỏ đóng băng luôn mà cũng phải hít đất trên cỏ.”
Anh giải thích việc huấn luyện như vậy nhằm xây dựng khả năng phục hồi, “không chỉ rèn luyện về sức khỏe mà còn rèn luyện cho mình chịu đựng những khó khăn và vất vả”.
Anh cũng cho biết đa số lính Hải quân nói riêng và người Úc nói chung đều thích chơi thể thao, nên không có ai gặp khó khăn trong các cuộc kiểm tra thể lực hàng năm.
Và đặc biệt, họ còn được tạo điều kiện để tham dự bất kỳ đội tuyển thể thao nào, từ việc cho nghỉ phép để tập luyện, thi đấu cho đến việc tài trợ vé máy bay đi thi đấu.
Source: SBS / Đăng Trình
Tự hào là người lính gốc Việt trong Hải quân Úc
Anh Trần cho biết, hiện nay số người Việt trong quân đội còn khá ít so với các nước như Mỹ, và anh cảm thấy tự hào khi là một người lính gốc Việt trong Hải quân Hoàng gia Úc.
Tính đến ngày 1/1/2024, Lực lượng Quốc phòng Úc có khoảng 8.365 nhân viên sinh ra ở nước ngoài. Lê Trần là một trong 24 nhân viên Hải quân sinh tại Việt Nam.
“Tất cả mọi thứ đều theo quy trình, không có gì phải lo hết. Dù lúc nào cũng phải chuẩn bị tâm lý sẵn sàng chiến đầu, nhưng anh cảm thấy rất an toàn khi phục vụ trong Hải quân cho đến nay.
Source: SBS / Đăng Trình
Người có nguồn gốc di dân có gặp khó khăn khi tham gia Hải quân Úc?
Đối với con cái của di dân, sinh ra và lớn lên tại Úc, anh Trần nói rằng những người này hầu như không gặp khó khăn gì cả.
Còn di dân từ các nước không nói tiếng Anh mới đến Úc thì có thể gặp rào cản ngôn ngữ, nhưng nếu hòa đồng thì có thể làm quen và thích nghi rất nhanh.
“Nếu mình hoà đồng, chịu lăn xả, thích nghi nhanh thì mình sẽ làm quen nhanh với cuộc sống, không chỉ là cuộc sống ở bên Úc mà còn là cuộc sống ở trong Hải quân nữa.
“Còn nếu mình cảm thấy tiếng Anh của mình không được tốt, và tính của mình khó làm việc theo nhóm, hoặc không thích nghi được với sự thay đổi, thì dĩ nhiên là Hải quân sẽ không thích hợp với mình.”
Mời quý vị vào phần Audio để nghe toàn bộ bài phỏng vấn.