Luật sư Nguyễn Văn Thân cho hay trong vụ án năm 2015 tại Tây Úc về việc một người trả thù người tình bằng cách tung những video clip phòng the lên Facebook, nạn nhân đã tiến hành kiện xin án lệnh cấm bị đơn vĩnh viễn không được phát tán những hình ảnh và đoạn phim riêng tư của nguyên đơn, bồi thường 3 tháng lương cùng với thiệt hại tinh thần (emotional distress) và án phí.
Đơn kiện của nguyên đơn dựa trên nguyên tắc pháp lý “xâm phạm thông tin bảo mật” (breach of confidential information). Theo nguyên tắc này, người nhận thông tin bảo mật không được tiết lộ thông tin đó mà không có sự đồng thuận của người cung cấp. Trong trường hợp khi hai bên có mối quan hệ đặc biệt ví dụ như bác sĩ và bệnh nhân, luật sư hoặc kế toán với thân chủ, tiết lộ thông tin bảo mật không chỉ trái luật mà còn vi phạm đạo đức nghề nghiệp có thể dẫn đến việc các chuyên gia bị kỷ luật và mất bằng hành nghề.
Luật sư Thân cho biết thêm quyền riêng tư cụ thể là gì.
“Quyền hạn này có thể chia thành 3 phần: quyền được giữ khoảng cách với người khác và không bị xâm phạm. Ví dụ như khi bị khám xách tay, bi khám xét người, body scanning, bị chụp hình, lấy dấu tay hoặc lấy nước miếng hoặc tóc để thử DNA là cơ thể hoặc một phần của cơ thể đã bị xâm phạm.
Thứ hai, quyền giữ kín chi tiết cá nhân và quyết định cung cấp cho ai. Không có ai chấp nhận các cơ quan công quyền ví dụ như bệnh viện hoặc bộ giao thông cung cấp tên tuổi, địa chỉ của mình cho các công ty quảng cáo thương mại.
Và thứ ba là và quyền tự chủ và bảo quản danh dự cá nhân. Không ai ai muốn mình cứ bị chụp hình hoặc quay phim cả ngày từ nơi làm việc cho đến chỗ công cộng đến nỗi không dám ho hoặc hỷ mũi”.
Trong một bài viết về Quyền Riêng Tư, Luật sư Thân cho biết trong năm 1988, chính quyền liên bang ban hành Đạo luật Quyền Riêng tư (Privacy Act). Đạo luật này gồm có 4 phần chính.
Thứ nhất, hầu hết các cơ quan công quyền liên bang và ACT phải tuân thủ 11 tiêu chuẩn được gọi là Nguyên tắc Thông tin Riêng tư (Information Privacy Principles) khi thu thập và sử dụng thông tin riêng tư hoặc chi tiết cá nhân.
Thứ hai, các công ty tư nhân bao gồm các tổ chức y tế và phi vụ lợi phải tuân thủ 10 Nguyên tắc Riêng tư Quốc gia (National Privacy Principles) khi sử dụng chi tiết cá nhân.
Thứ ba, các cơ quan tín dụng phải tuân thủ các điều lệ đặt ra nhằm bảo vệ tin tức cá nhân.
Thứ tư, bất cứ ai sử dụng Tax File Number phải tuân thủ các điều lệ do Sở Thuế đặt ra.
Ngoài ra, một Ủy viên Thông tin Úc châu (Australian Information Commissioner) cũng được thành lập có nhiệm vụ điều tra các trường hợp vi phạm, theo dõi và kiểm soát các cơ quan công quyền để bảo đảm họ tuân thủ luật pháp và quảng bá luật và các điều lệ bảo vệ đời sống riêng tư rộng rãi đến mọi người.
Nguyên tắc Thông tin Riêng tư quy định là các cơ quan công quyền có trách nhiệm thu thập và sử dụng chi tiết cá nhân một cách hợp pháp và hợp lý và phải bảo quản thông tin không bị thất thoát hoặc lạm dụng. Khi được yêu cầu, cơ quan phải cho cá nhân liên hệ biết là đang giữ thông tin gì của họ và phải bảo đảm là thông tin chính xác và cập nhật. Cơ quan chỉ được quyền sử dụng thông tin cá nhân với mục đích mà cá nhân cho phép hoặc trong trường hợp cần phải cứu mạng sống hoặc trong những trường hợp được luật pháp cho phép ví dụ như để bảo vệ an ninh và tài chánh quốc gia.
Nguyên tắc Riêng tư Quốc gia quy định là các công ty hoặc tổ chức phi chính phủ phải thông báo cho cá nhân liên hệ biết khi thu thập chi tiết cá nhân của họ là để cho mục đích gì, ai có quyền sử dụng chi tiết cá nhân đó và sẽ có hậu quả gì nếu họ từ chối cung cấp chi tiết. Khi thu thập chi tiết hệ trọng (sensitive information) ví dụ như những chi tiết liên quan đến nguồn gốc sắc tộc, tín ngưỡng tôn giáo hoặc chính trị, hồ sơ hình sự hoặc thành viên của các tổ chức chuyên nghiệp hoặc nghiệp đoàn thì phải có sự đồng ý chính thức của cá nhân đó. Các tổ chức thu thập thông tin hoặc chi tiết cá nhân phải bảo đảm tính chính xác và cập nhật và không để bị lạm dụng. Tổ chức phải soạn thảo chính sách riêng tư (privacy policy) bằng văn bản và cung cấp cho bất cứ ai khi được yêu cầu. Khi có người nào xin coi hồ sơ của họ thì tổ chức phải cho phép và nếu chi tiết sai sót thì phải nhanh chóng sửa lại cho đúng.
Nhưng có một số tổ chức được miễn tuân thủ Nguyên tắc Riêng tư Quốc gia. Những thương vụ có doanh thu dưới 3 triệu mỗi năm thì được miễn vì bằng không thì giới tiểu thương phải gánh nặng tốn kém chi phí tuân thủ. Những chi tiết của công nhân gồm có sức khoẻ, thời hạn làm việc, tiến trình huấn luyện, kỷ luật, từ chức, điều kiện hợp đồng lao động, hiệu năng hoặc hành vi làm việc cũng được miễn. Các đảng phái chính trị và ký giả cũng không cần tuân thủ với lập luận là truyền thống sinh hoạt dân chủ và tự do thông tin chính trị sẽ bị giới hạn nếu họ không được miễn.
Đạo luật Riêng tư cũng áp dụng đối với các công ty cho vay và các báo cáo tín dụng (credit reporting agencies). Công ty cho vay không được quyền tiết lộ chi tiết cá nhân của người mượn tiền cho công ty khác trừ khi có sự đồng ý của họ. Thông thường thì sự đồng ý này đã được in sẵn trong các đơn xin mượn tiền. Các công ty báo cáo tín dụng chỉ được lưu giữ các chi tiết gồm có số tiền mượn, chi tiết công ty cho vay và hồ sơ nợ xấu (bad debts history). Cá nhân liên hệ có quyền bắt buộc các công ty báo cáo tín dụng điều chỉnh hồ sơ cho chính xác. Những chi tiết lưu giữ chỉ được sử dụng với mục đích là duyệt xét đơn vin mượn tiền của đương sự. Khi công ty cho vay từ chối đơn thì phải thông báo lý do và cho biết chi tiết của công ty báo cáo tín dụng đề người mượn tiền có thể khiếu kiện nếu chi tiết cung cấp không chính xác.
Tờ về những thay đổi trong luật quyền riêng tư sẽ ảnh hưởng đến quý vị ra sao.