Một người phụ nữ tại Melbourne tên là Nhanh Cutajar cho biết, khi đứa con trai 2 tuổi của bà chuyển sang ăn dặm, cơ thể bé chỉ có thể tiêu hóa được một số loại thức ăn nhất định.
"Một lần nọ cháu bị nôn mửa khi ăn sữa với ya-ua, và rồi nổi ban khi ăn trứng vào vài tuần sau. Lúc ăn sốt tahini làm từ hạt mè, cháu trở nên lờ đờ, buồn ói và tiêu chảy."
Cậu bé tên August Cutajar này bị dị ứng với nhiều loại thực phẩm, bao gồm sữa, trứng, đậu nành, lạc, vừng và cá hồi. Cơ thể cậu bé phản ứng mạnh với một số loại thực phẩm, đến mức sốc phản vệ.
Vào tháng trước, cậu đã phải nhập viện sau khi một phụ nữ nói tiếng Anh kém tại sân chơi cho cậu ăn bánh quy có thành phần làm từ sữa.
"Nếu cô ấy có thể giao tiếp và hiểu những gì tôi nói thì chuyện đó đã không xảy ra. Thế nhưng do vốn tiếng Anh hạn hẹp, cô ấy có thể đã không hiểu từ 'dị ứng', hay thậm chí tiếng mẹ đẻ của cô ta còn không có từ đó. Tôi rõ ràng đã nói, 'Cháu bị dị ứng', nhưng cô ta không hiểu nên đã không lường được hậu quả khi cho cháu ăn bậy."
Hiện tại, bà Cutajar đang vận động để nâng cao nhận thức về dị ứng thực phẩm trong các cộng đồng đa ngôn ngữ tại Úc. Bà đã chia sẻ câu chuyện của mình lên mạng và nhận được sự đồng cảm của bà Grace O' Neill đến từnhóm hỗ trợ người bị dị ứng thực phẩm Alergy Fun.
"Tôi là người gốc Hoa và ẩm thực là một phần quan trọng trong văn hóa chúng tôi. Mỗi lễ hội không chỉ có một món ăn tiêu biểu, mà có cả một loạt các món ăn phản ánh bản sắc của dịp lễ hội đó. Vídụ nếu con tôi bị dị ứng với nước tương thì thật đáng buồn, vì nước tương có mặt trong mọi món ăn Á châu."
Bà Maria Said đến từ tổ chức Dị Ứng và Sốc Phản Vệ Úc (Allergy and Anaphylaxis Australia) cho biết rất nhiều trường hợp trẻ em tử vong do dị ứng thực phẩm đến từ những gia đình di dân.
"Tôi đoan chắc rằng ít nhất ba phần tư ca tử vong mà tôi biết là những người đến từ một nước không nói tiếng Anh. Tôi không ám chỉ những người sống tại Úc mà sử dụng ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh. Tôi muốn nói đến những gia đình di dân, mà rất nhiều trong số họ đến từ Á châu."
Giáo sư Katie Allen đến từ Viện Nghiên cứu Nhi khoa Murdoch (Murdoch Children's Research Institute) cho biết tỉ lệ dị ứng cao trong cộng đồng gốc Á hiện là một vấn đề nan giải.
"Nước Úc là một trong những nước có tỉ lệ dị ứng thực phẩm cao nhất thế giới, và Melbourne là nơi tập trung nhiều ca dị ứng nhất. Vấn đề nằm ở môi trường đa văn hóa tại Úc. Chúng tôi đã phát hiện rằng trẻ em đến từ các gia đình gốc Á có tỉ lệ dị ứng cao hơn so với những trẻ em người Úc. Những đứa trẻ sinh trưởng tại Á châu và sau đó di cư sang Úc có tỉ lệ dị ứng thấp hơn. Vì thế, có vẻnhư việc thay đổi môi trường sống khi còn nhỏ làm tăng nguy cơ dị ứng thực phẩm, nhất là với trẻem gốc Á."
Bà Maria Said lo ngại rằng thông điệp an toàn thực phẩm vẫn chưa được phổ biến trong những cộng đồng này.
"Thật khó để giải thích với phụ huynh khi đứa trẻ bị chẩn đoán dị ứng thực phẩm, và càng khó hơn để thuyết phục những người nhập cư rằng dị ứng thực phẩm là một vấn đề có thật. Có thể tại quốc gia của không có dị ứng thực phẩm, hoặc nó đã không được chẩn đoán đúng cách. Nhưng đây quả thật là một vấn đề lớn, vì có nhiều người ông người bà muốn cho cháu mình tập ăn những thức ăn chúng dị ứng, để giúp cơ thể chúng làm quen dần. Và dĩ nhiên điều đó cực kỳ nguy hiểm."
Bà Grace O'Neill cũng đồng ý rắng rất khó để thuyết phục một số người về mức độ nghiêm trọng của vấn đề.
"Tôi vẫn gặp một số bậc phụ huynh gốc Á cho rằng, 'Thời chúng tôi làm gì có chuyện này. Chỉ cần tập cho cháu ăn là cháu sẽ quen dần thôi,' và điều đó có thể đúng trong một số trường hợp, nhưng với hiện tượng sốc phản vệ, chỉ cần một lượng thực phẩm nhỏ gây dị ứng cũng có thể dẫn đến tử vong." - Grace O'Neill
August đã trở thành hình ảnh đạ diện cho chiến dịch nâng cao nhận thức về dị ứng thực phẩm trong cộng đồng đa văn hóa, với thông điệp "Share Toys, Not Food" (Tạm dịch: Chơi chung chứ không ăn chung).
Theo bà Grace O'Neill, nhận thức trong các cộng đồng đa văn hóa cần được nâng cao.
"Xã hội đã nhận thức tốt hơn về dị ứng thực phẩm và cách phòng tránh, đặc biệt là ở trường học và nhà trẻ. Với những nền văn hóa như Á châu hay Hy Lạp nơi ẩm thực đóng một vai trò quan trọng, chúng tôi phải thay đổi trọng tâm thông điệp và cũng khuyến khích các ngôn ngữ khác làm theo."
Bà Maria Said cho biết cần thêm nhiều tài liệu đa ngôn ngữ, nhưng ngân quỹ chỉ có giới hạn.
"Mỗi khi chúng tôi cố gắng thu xếp để dịch các tài liệu này, người ta lại nói với chúng tôi rằng phí thuê dịch giả chuyên nghiệp vô cùng đắt đỏ. Nước Úc là một cộng đồng đa văn hóa, chúng tôi muốn làm điều tốt đẹp nhất cho mọi người và đem lại sự chăm sóc tối ưu không chỉ cho những người nói tiếng Anh, mà còn cho tất cả những người đang sinh sống tại Úc."
Bà Cutajar thì nghĩ rằng mọi người đều nên hiểu đúng về dị ứng thực phẩm.
"Ẩm thực là một phần không thể thiếu trong cuộc sống, và tôi muốn nhắn nhủ với mọi người rằng, thực phẩm có thể nuôi sống chúng ta, nhưng cũng có thể giết chết chúng ta."