Chiều ngày 8/10 vừa qua, báo chí trong nước đưa tin, vào sáng cùng ngày, tại buổi giao ban báo chí thường kỳ tháng 9, ông Nguyễn Văn Thắng, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh cho biết, Tòa án nhân dân thị xã Kỳ Anh đã trả lại 506 đơn khởi kiện Công ty Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa Hà Tĩnh) của người dân huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An).
Số đơn kiện này được Tòa án nhân dân thị xã Kỳ Anh tiếp nhận trong các ngày 26 và 27/9 cùng các tài liệu kèm theo, yêu cầu Formosa bồi thường thiệt hại do công ty này xả thải ra biển, khiến hải sản chết hàng loạt.
Ông Thắng cho báo Thanh Niên biết, trong số 506 đơn kiện, có 296 đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại trong đánh bắt hải sản.
137 đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại trong sản xuất muối, 68 đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại trong nghề sản xuất nước mắm.
3 đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại về nghề nuôi trồng thủy hải sản, 2 đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại nghề kinh doanh thủy sản ven biển.
Tổng số tiền các hộ dân yêu cầu bồi thường thiệt hại là 56 tỉ đồng.
"Thật sự là tôi thất vọng về quyết định của tòa nhưng điều này đã được dự báo trước khi tôi quan sát những động thái ứng phó có phần thiếu minh bạch của chính quyền trong vụ cá chết," nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn
Tại sao Tòa án Nhân dân thị xã Kỳ Anh trả hết đơn kiện vụ Formosa?
Lý do Tòa án nhân dân thị xã Kỳ Anh trả đơn, theo ông Thắng, đơn và các tài liệu của người dân khởi kiện không đưa ra được tài liệu, chứng cứ chứng minh về những thiệt hại thực tế theo khoản 5, điều 189 bộ luật Tố tụng dân sự và sự việc đã được giải quyết bằng quyết định đã có hiệu lực của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo điểm C, khoản 1, điều 192 của bộ luật nói trên.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1880 ngày 13/10 về định mức bồi thường thiệt hại cho các đối tượng tại 4 tỉnh miền Trung bị thiệt hại do sự cố môi trường biển.
Ông Thắng cũng cho biết, số đơn kiện và tài liệu kèm theo của người dân huyện Quỳnh Lưu đã được Tòa án nhân dân thị xã Kỳ Anh sao chụp, lưu lại để làm căn cứ giải quyết khiếu nại, kiến nghị khi có yêu cầu.
Tòa án Kỳ Anh trả lại đơn có đúng luật không?
Về vấn đề này thì Hôm 8/10, trả lời BBC từ TP Hồ Chí Minh, luật sư Nguyễn Duy Bình (Văn phòng Luật sư Duy Trinh), người từng tham gia liên danh trợ giúp ngư dân khởi kiện Formosa thời gian qua, nhận định.
"Việc Tòa Kỳ Anh trả lại đơn căn cứ vào khoản 5 điều 189 và khoản 1, điều 192 - Bộ luật Tố tụng dân sự là trái pháp luật."
"Vì trong vụ việc này người dân, ngư dân lấy đâu ra tài liệu, chứng cứ như tòa án yêu cầu?"
"Tôi nhận thấy Tòa không nên áp dụng quy định một cách máy móc. Trong vụ việc này, chỉ cần những hộ dân đó thuộc đối tượng đánh bắt, nuôi trồng, làm muối, kinh doanh thủy hải sản tại địa bàn các tỉnh chịu thảm họa Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế là đủ điều kiện khởi kiện,” luật sư Bình nói với BBC.
"Hơn nữa, chính bên bị kiện là Formosa cũng đã thừa nhận họ gây ra thảm hoạ môi trường và chính phủ đã có kết luận công ty này là thủ phạm".
"Có thể người dân Nghệ An ít bị ảnh hưởng hơn các tỉnh còn lại nhưng không vì thế mà cho rằng họ không thuộc đối tượng chịu thiệt hại do hành vi trái pháp luật của Formosa,” luật sư Bình nói thêm.
Cũng vào ngày 8/10, nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn, người theo sát diễn biến vụ cá chết nói với BBC về quyết định của Toà Kỳ Anh.
"Thật sự là tôi thất vọng về quyết định của tòa nhưng điều này đã được dự báo trước khi tôi quan sát những động thái ứng phó có phần thiếu minh bạch của chính quyền trong vụ cá chết".
"Cả hai lý do mà Tòa Kỳ Anh đưa ra đều không hợp lý và cho thấy tòa không cân nhắc tình hình thực tế là người gặp khó khăn trong việc chứng minh thiệt hại mà phải có hóa đơn, chứng từ,” anh Tuấn nói.