Tasmania sẽ trợ cấp cho người tạm trú, bao gồm sinh viên quốc tế, và đóng băng tiền thuê nhà. Kể từ 22/4 độc thân sẽ nhận được $250 và $1.000 cho gia đình.
Tasmania hiện có khoảng 26.000 di dân tay nghề tạm trú, phần lớn trong ngành du lịch. Thủ hiến Tasmania, Peter Gutwein cho biết đây là những người đã đóng góp cho kinh tế tiểu bang và đang kẹt ở Úc do việc đi lại bị hạn chế.
"Hãy nghĩ cho các di dân tạm trú đang gặp khó khăn thế nào trong lúc này. Hãy tưởng tượng nếu con của bạn rơi vào hoàn cảnh như vậy, đang gặp khó khăn tài chánh mà đi về cũng không được. Tôi nghĩ rằng hợp lý khi chúng ta giúp đỡ những người đã từng đóng góp vào xã hội này khi họ đang gặp khó khăn."
Số tử vong vì coronavirus ở Úc hiện là 75 người, nhưng tốc độ lây lan tiếp tục giảm, vì vậy chính phủ cho phép một số ca mổ không bách bách được tiến hành.
Trên toàn quốc hiện có hơn 6.600 ca nhiễm, với 4291 người đã bình phục. Không tiểu bang lãnh thổ nào có hơn 2 chỉ số các ca nhiễm mới, và tỉ lệ lây lan trên cả nước hiện ở 0,4 phần trăm.
Ba trường hợp tử vong mới nhất là 3 người cao niên ở NSW. Thủ hiến Gladys Berejiklian cho biết chính phủ sẽ mở rộng việc làm xét nghiệm COVID-19.
"Trung bình mỗi ngày chúng tôi đã làm xét nghiệm từ 4-5 ngàn người. Chúng tôi đã chọn một số điểm nóng để làm xét nghiệm nhiều hơn tại những nơi đó. Chúng tôi kêu gọi ai ở trong những khu vực đó hãy đi làm xét nghiệm, kể cả những người đang chăm sóc người khác nữa, hãy đi làm xét nghiệm."
Victoria dự đoán tỉ lệ thất nghiệp sẽ tăng gấp đôi trong ba tháng tới, và từ nay đến cuối năm giá nhà sẽ hạ 9 phần trăm. Bộ trưởng Tài chánh Victoria, Tim Pallas nói hơn ¼ dân số tiểu bang mất việc vì đại dịch Covid-19.
"Khoảng 270.000 việc làm sẽ mất trong quý tới với tỉ lệ thất nghiệp vào khoảng 11 phần trăm, tức gấp đôi hiện giờ."
Sau khi nhà của một người Hoa ở Melbourne bị phá hoại trong hai đêm liền, các chính trị gia tiếp tục lên án các vụ kỳ thị nhắm vào cộng đồng người Hoa, với Đảng Lao Động kêu gọi mở chiến dịch đối phó với tình trạng này.
Thủ tướng Scott Morrison là nhà lãnh đạo mới nhất nói rằng giá mà được cảnh báo sớm hơn thì đã không có nhiều người chết như vậy. Nhưng tổ chức y tế thế giới WHO bác bỏ cáo giác là họ đã quá chậm chạp.
Tổng Giám đốc WHO, Dr Tedros Adhanom Ghebreyesus nói họ đã báo động khi bên ngoài Trung Quốc chỉ mới có chưa tới 100 ca nhiễm và chưa có ai thiệt mạng.
"Nhìn lại chúng tôi đã cảnh báo đúng thời điểm, thế giới đã có đủ thời gian để ứng phó."
Ông Morrison tuy vậy đề nghị trao cho WHO thêm quyền hạn để ngăn ngừa đại dịch trong tương lai, và đang thảo luận đề nghị này với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel, và Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Giám đốc Trung tâm Ngăn ngừa Kiểm soát Dịch của Mỹ, Dr Robert Redfield báo động cho dù đã kiểm soát được, coronavirus có thể quay trở lại mạnh hơn vào cuối năm nay.
Tổng thống Trump nói đó chỉ là tình huống xấu nhất thôi nhưng nước Mỹ đã được chuẩn bị để đối phó tốt hơn.
"Đó là phỏng đoán chứ nó cũng có thể không quay lại đâu. Trước đây chúng ta chưa biết gì về nó, nhưng giờ thì khác rồi."
Đại dịch coronavirus đã đem ba tôn giáo lớn trên thế giới lại gần với nhau hơn. Các giáo sĩ Do Thái, Hồi Giáo và Thiên Chúa Giáo ở Israel đã cùng cầu nguyện ở Jerusalem cho các nạn nhân của coronavirus bằng ba thứ tiếng khác nhau.
Vì tháng lễ Ramadan sắp bắt đầu, người Hồi giáo ở Pakistan yêu cầu chính phủ nới lỏng lệnh giản cách xã hội, nhưng Tổng thư ký Hiệp hội Y khoa Pakistan Dr Qaiser Sajjad cảnh báo chính phủ đừng lơ là.
"Không may là giới lãnh đạo của chúng ta quyết định sai và các giáo sĩ đã xem nhẹ chuyện này. Không thể đùa giỡn với sinh mạng con người. Chúng ta đang ở trong một cuộc chiến sống còn giữa coronavirus và nhân viên y tế. Mọi người cần phải hiểu như vậy."
Trên thế giới hiện có 2,6 triệu người đã bị nhiễm coronavirus, hơn 183.000 người thiệt mạng, nhưng hơn 700.000 đã bình phục.
Hôm nay các nhà khoa học bên Anh bắt đầu thử nghiệm trên người một loai vacxin hy vọng có thể giúp ngừa Covid-19. Giáo sư Andrew Pollard tại Trung tâm Vacxin Oxford giải thích họ trông chờ hai điều.
"Trước hết là phải an toàn. Người ta sẽ phản ứng thế nào với vacxin. Một số sẽ bị sốt và đau ở chỗ chích ngừa. Thứ đến là vacxin có ngừa được coronavirus hay không? Đó là lý do tại sao chúng ta phải thử nghiệm trên người."