Mới tháng Hai năm nay, cô Ines Oscategui Rodriguez còn đang trải qua năm thứ mười đầy hạnh phúc tại Sydney, bên người chồng và đứa con gái ở tuổi thiếu niên.
Nhưng chỉ vài tháng sau, một tin tức bất ngờ đã xảy ra, khiến cuộc sống ở Úc của người phụ nữ Peru đang giữ visa tạm thời này bị đảo lộn.
Vào tháng Ba, khi các ca nhiễm tăng cao và lệnh phong tỏa áp dụng khắp nước Úc, người phụ nữ 47 tuổi đã bị chẩn đoán mắc phải triệu chứng myelodysplastic, một căn bệnh về máu mà nếu không cứu chữa kịp thời sẽ có thể chuyển biến thành bạch cầu ung thư.
‘Tôi thật sự sợ hãi. Bất lực và khủng hoảng nữa. Sau đó là chuỗi ngày thường xuyên gặp ác mộng. Bác sĩ nói tôi cần phải chữa bệnh, tôi cần phải bắt đầu hóa trị trong vòng sáu tháng.’
Cô nhanh chóng xin nghỉ công việc chăm sóc người cao niên khi nghe nói mình cần phải ghép tủy và chữa trị nữa.
Tuy nhiên, giống như nhiều người đang sống tại Úc bằng visa tạm thời, cô Ines không được nhận bảo hiểm y khoa Medicare, và bảo hiểm sức khoẻ mà cô đang có cũng không bao gồm việc ghép tủy xương.
Biết mình không thể chi trả các hóa đơn y tế sắp tới, với tổng số tiền lên tới 500,000 đô la, trong cơn tuyệt vọng, cô đã lên mạng kêu gọi mọi người giúp đỡ viện phí, và cô đã mở một chiến dịch GoFundMe.
‘Đây là vấn đề của tôi. Là cơn ác mộng của tôi. Tôi suy nghĩ mãi. Và sợ hãi. Chuyện này thật sự tồi tệ. Ca ghép tủy chắc chắn sẽ rất đắt, thật sự đắt. Mà tôi không phải là người Úc. Tôi cần phải trả một món tiền lớn lắm nhưng tôi không thể trả nổi. Tôi không có tiền.‘
Biết rằng hóa đơn y tế sẽ rất cao, cô Ines nói đã nghĩ đến chuyện quay lại Peru.
Tuy nhiên, quốc gia Mỹ Latin này vài tuần qua đã trở thành nơi đứng thứ sáu trên thế giới về tổng số ca nhiễm coronavirus. Cô Ines nói thể trạng của cô sẽ không chống đỡ nổi nếu quay lại Peru.
Tình huống của Ines không đặc biệt.
Ủy hội Di trú Úc cho biết nhiều di dân giữ visa tạm thời khác đang đối mặt với các chi phí vượt quá túi tiền, cũng như không thể trả nổi phí bảo hiểm y tế tư nhân kể từ khi đại dịch bắt đầu.
CEO của ủy hội, bà Carla Wilshire nói có hai nguyên nhân chính:
‘Về mặt tài chánh họ đang phải vượt qua cánh cửa hẹp, và không thể trả nổi phí bảo hiểm tư nhân nữa, thứ hai là dù trả nổi thì nhiều loại bảo hiểm tư nhân cũng không bao gồm các căn bệnh họ từng mắc phải, hoặc mới bị chẩn đoán gần đây trong đại dịch.’
Bà Wilshire nói đại dịch coronavirus là tình huống bất ngờ đã đẩy những người giữ visa tạm thời như Ines vào cảnh ngộ bấp bênh.
‘Những người này bị mắc kẹt vì không có bảo hiểm tư nhân, họ không thể quay về nước vì không còn một chuyến bay nào, hoặc giả chi phí cho các chuyến bay đó quá cao họ không thể trả nổi. Chúng ta đã không dự kiến về những cách thức bảo hiểm và chăm sóc y tế cho lực lượng di dân tạm thời này, giữa một cảnh ngộ khi mà mọi biên giới quốc tế đều đóng sập, thì họ càng gặp trở ngại nhiều hơn khi muốn trở về nhà.’
Ông Chris Moy là chủ tịch ủy ban đạo đức và pháp lý y tế của Úc.
Ông nói thật là vô lý nếu Úc phải cung cấp sự chăm sóc y tế miễn phí cho bất kỳ ai đến đất nước này, tuy nhiên tiền bạc không nên là một vấn đề trở ngại khiến họ không thể được chữa trị khi cần thiết.
‘Đối với việc thay đổi toàn bộ hệ thống, để bất kỳ ai tới Úc cũng được cung cấp y tế miễn phí, thì tôi cho rằng lựa chọn này không hợp lý. Nhưng chắc chắn để đạt được sự cân bằng đúng đắn, phải chăng chúng ta nên xem xét từng trường hợp một. Nếu một người lâm vào cảnh ngộ hoàn toàn tuyệt vọng, không thể dự đoán trước, và tình trạng sức khỏe của họ thật sự nguy hiểm, thì về mặt đạo đức, với những trường hợp này, tiền bạc nên là vấn đề thứ yếu.’
Trên website của Bộ Nội vụ Úc ghi rất rõ rằng những người đang sống tại Úc bằng visa tạm thời sẽ không được nhận bảo hiểm Medicare, cũng như bản thân họ phải chịu toàn bộ trách nhiệm về tài chánh, hoặc về bất kỳ khoản nợ y tế nào trong thời gian họ sống tại Úc.
Khi được SBS liên lạc để phỏng vấn, Bộ Nội vụ đã dẫn lại những lời tuyên bố trên website của mình.
Bộ Y tế cũng được đài SBS gọi điện phỏng vấn. Phát ngôn nhân của Bộ này cho biết “trách nhiệm đối với các visa tạm thời tại Úc chủ yếu thuộc về Bộ Nội vụ”, tuy nhiên người này nói Bộ Y tế hiểu được các công ty bảo hiểm chỉ dựa vào những người ra chính sách, và công ty bảo hiểm đã không làm việc hiệu quả cũng như không giải thích cho những di dân tạm thời này hiểu được họ nên làm gì nếu họ cảm thấy không khỏe.
Những người giữ visa tạm thời tại Úc không thể nhận tiền trợ cấp JobKeeper và JobSeeker, họ cũng không được phép rút tiền từ quỹ hưu bổng sớm.
Cô Ines nói cô muốn nhìn thấy những di dân tạm thời giống như cô, có thể nhận được hỗ trợ tài chánh và chăm sóc y tế tạm thời.
Cô nói cô cũng không muốn con gái mình lớn lên mà không còn mẹ.
‘Tôi khẩn cầu chính phủ hoặc ai đó xin hãy giúp tôi nhận được bảo hiểm Medicare, bởi vì đây là cách duy nhất tôi để có thể được chữa trị kịp thời. Nếu không bệnh tình sẽ càng trầm trọng. Khi tôi nghĩ đến con gái mình lớn lên mà không có mẹ bên cạnh, điều đó sẽ khó khăn cho nó biết bao.’
Và quý vị có thể cập nhật tin tức coronavirus mới nhất bằng tiếng Việt tại sbs.com.au/coronavirus.