Kêu gọi đóng cửa các trung tâm tạm giam người tầm trú ngoài nước Úc

A dwelling at refugee Camp Four on the Pacific island of Nauru (Getty)

A dwelling at refugee Camp Four on the Pacific island of Nauru (Getty) Source: Getty

Thứ Hai, 19/7 đánh dấu tám năm kể từ khi chính phủ Úc áp dụng chính sách giam giữ người tầm trú đến Úc tại các hòn đảo ngoài nước Úc. Kể từ năm 2013, những người tầm trú đến Úc bằng thuyền đã được gởi đến các quốc đảo Nauru và Papua Tân Guinea để được thanh lọc ngoài nước Úc.


“Những đạo luật này không thể phục vụ cho mục đích của bất kỳ ai”

Khoảng 200 người biểu tình đã tụ tập bên ngoài Trung tâm lưu trú quá cảnh của Bộ Di trú tại Brisbane, họ đã đốt các bản sao của Đạo luật Di trú Úc.

Ông Peter Dutton đã nhốt họ trong đó, không gởi họ đến những nơi mà họ muốn đến, hay đưa họ hồi hương, mà chỉ giữ họ ở mãi trong đó.

Bên trong trung tâm di trú, anh Loghman Sawari, 25 tuổi đã chờ đợi để được tự do trong tám năm qua.

Anh đào thoát khỏi Iran vào năm 2013, sau khi cha mẹ anh thúc giục anh hãy trốn khỏi sự đàn áp của chính phủ Iran đối với dân tộc thiểu số Ả Rập Ahwazi.

Chính anh đã từng bị bắn, còn các anh trai của anh phải đối mặt với sự tra tấn liên tục và tù đày. Vào năm 2007, anh họ của anh đã bị treo cổ trước đám đông.

Lúc đó anh Sawari, 17 tuổi, là người trẻ tuổi nhất và cũng là người đầu tiên trong gia đình bỏ trốn khỏi đất nước.

Hầu hết những người thân của anh xin tị nạn sau anh đều đã chọn và cố gắng tái định cư tại các quốc gia châu Âu, sau khi nghe anh kể về hành trình dài đau thương của anh với hệ thống di trú Úc.

Xin hãy cứu mạng chúng tôi, bạn biết đấy. Chúng tôi không có vấn đề gì cả. Nếu chẳng hạn ông ấy thả chúng tôi ra – ông Tổng trưởng thả chúng tôi được sống trong cộng đồng hoặc bất cứ nơi nào ... nếu có ai đó gây rắc rối, thì vẫn còn toà án, vẫn còn luật pháp ở đó. Bạn biết đấy, người ta có thể trừng phạt kẻ gây rối. Nhưng nếu cứ giữ tôi ở đây và giữ những người vô tội khác ở đây, thì điều đó lại đang làm hại, làm hại chúng tôi, bạn biết chứ?

Chỉ một ngày trước khi anh Sawari lên tàu tới Úc, chính phủ đã ban hành luật bắt buộc những người tầm trú đến Úc bằng thuyền phải được thanh lọc bên ngoài nước Úc.

Khi anh Saawri đến Đảo Christmas vào ngày 24/7/2013, anh không hề biết mọi thứ đã thay đổi.

Lúc đó anh mới 17 tuổi.

Anh trải qua những năm tiếp theo bị giam giữ cưỡng bách trên Đảo Manus và Cảng Moresby, sau đó năm 2019, theo một đạo luật sơ tán của liên bang gây tranh cãi, anh cùng 200 người tầm trú khác được chuyển vào đất liền.

Nhiều năm trôi qua, anh phải đối mặt với việc bị giam giữ vô thời hạn và anh đã không được tự do kể từ khi còn là một thiếu niên 17 tuổi cho đến giờ.

Bạn biết đấy, tôi không thể ở lại đây trong trại giam di trú vì việc giam giữ đang làm hại tôi, bạn biết không? Bởi vì tôi là một con người, bạn biết không? Tôi nhìn thấy những người Úc qua tivi, họ rất chăm sóc cho động vật. Tôi ước gì một chút sự tôn trọng đó sẽ dành cho những người tị nạn, bạn biết không? Họ còn mua bảo hiểm cho động vật nhưng chúng tôi thì không có bảo hiểm. Bạn hiểu tôi muốn nói gì chứ?

Các nhà hoạt động cho rằng Úc cần chấm dứt việc giam giữ di trú bên ngoài nước Úc cũng như trong đất liền.

Họ nói rằng những người tầm trú còn lại đang bị giam giữ nên được gởi đến các nước láng giềng của Úc trong vùng Biển Tasman, chẳng hạn chính phủ New Zealand đã từng đề nghị tái định cư những người Úc bị giam giữ trong quá khứ.

Phát ngôn nhân của Liên minh Hành động vì Người tị nạn Ian Rintoul nói:

Tôi nghĩ rằng chúng ta đang thấy một chính phủ sử dụng mọi cách thức có thể để làm cho cuộc sống của những người mà họ có nghĩa vụ phải bảo vệ trở nên khó khăn nhất có thể.

Tuy nhiên việc đóng cửa các trung tâm di trú ngoài nước Úc có thể khó xảy ra ngay lúc này.

Mặc dù SBS không nhận được phản hồi từ Chính phủ Liên bang, nhưng trước đây chính phủ đã tuyên bố rằng không ai đến Úc bằng thuyền sẽ được phép định cư tại Úc nữa.

Share